"Người Trung Quốc ở khu vực phía đông bắc giáp ranh với Triều Tiên lo ngại rằng họ sẽ trở thành nạn nhân của nguồn nước ô nhiễm và nhiễu loạn địa chấn do các vụ nổ hạt nhân", Giáo sư Zhu Feng của Đại học Nam Kinh nói với Korea Times.
Vùng Punggye-ri thuộc tỉnh Bắc Hamgyong từng là địa điểm cho 4 trong 5 cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên và nhiều khả năng sẽ là nơi tiến hành vụ thử lần sáu. Khu vực này chỉ cách các trung tâm dân cư ở đông bắc Trung Quốc vài trăm km, đồng thời nằm rất gần núi Baekdu, ngọn núi lửa mà một số chuyên gia lo ngại về một cuộc phun trào lớn sau vụ năm 946.
Ảnh vệ tinh chụp các hoạt động quanh điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Ảnh: 38North. |
Chuyên gia Zhu nói rằng đây là một phần lý do cho cái mà ông gọi là "sự đồng thuận Mar-a-Lago" đạt được giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida hồi tháng 3. Hai bên đã đạt được sự đồng thuận quan trọng là cùng hợp tác để đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Ông cũng cho rằng sự kiên nhẫn của ông Tập đang ngày càng giảm khi mà Bình Nhưỡng tiếp tục các hành động khiêu khích.
"Chủ tịch Tập không bị ràng buộc mạnh mẽ bởi mối quan hệ cũ (giữa hai nước Trung Quốc và Triều Tiên) như các thế hệ đi trước, những người chiến đấu trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953)", Giáo sư Zhu nói.
Chuyên gia này nhận định một thỏa thuận lớn giữa Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ "hạ gục" được Triều Tiên một cách ngoại giao và hòa bình.
Liên quan đến đề nghị của Bắc Kinh về một thỏa thuận hòa bình thay thế hiệp định ngừng bắn trên bán đảo Triều Tiên hiện tại, ông nói: "Trung Quốc không khăng khăng lấy việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc làm điều kiện tiên quyết cho thỏa thuận". Điều này trái ngược với lập trường của Bình Nhưỡng rằng Mỹ phải rút quân sau khi hiệp định hòa bình được ký kết.
Hồi tháng 4, Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc tuyên bố Bình Nhưỡng đã thông báo kế hoạch sẵn sàng cho một vụ thử hạt nhân mới và chỉ cần tiến hành vào thời điểm thích hợp.
Quan chức chính phủ nước này cũng khẳng định rằng các cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên sẽ không bao giờ dừng lại cho đến khi Mỹ ngừng tiến hành "các hành động gây hấn".
Các chuyên gia nhận định một cuộc thử hạt nhân của Bình Nhưỡng vào thời điểm này có thể đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đến bờ vực xung đột trong bối cảnh chính quyền Trump đang tăng cường hiện diện quân sự tại đây để răn đe Bình Nhưỡng.