Hiện trường MH17 rơi hôm 17/7/2014. Ảnh: Getty |
Michael Bociurkiw là một thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) người Canada, gốc Ukraine. Ông thuộc nhóm nghiên cứu quốc tế đầu tiên tới hiện trường MH17 rơi hôm 17/7 năm ngoái.
Chia sẻ với CNN, Bociurkiw cho biết, OSCE cử ông tới Ukraine trong 3 tháng với nhiệm vụ theo dõi và báo cáo về tình hình an ninh trong khu vực, tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại trước khi vụ tai nạn xảy ra. Một số người gọi những người như Bociurkiw là “tai mắt của thế giới”.
"Buổi chiều ngày 17/7/2014, tại Kiev, Ukraine, tôi biết tin: Một máy bay thương mại vừa bị bắn rơi ở miền đông Ukraine. Từng phút trôi qua, chúng tôi chạy đua với thời gian để thu thập và xác minh thông tin", ông nói.
Ngày đầu tiên
Logo của hãng Malaysia Airlines ở trên một mảnh vỡ. Ảnh: Reuters |
Bociurkiw cho hay, khoảng 24 giờ sau khi chuyến bay mang số hiệu 17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) rơi xuống cánh đồng tại vùng Donestk, đội của ông (24 người) tới hiện trường.
"Tôi biết rằng, chúng tôi đã ở rất gần khu vực máy bay rơi khi nhìn thấy phần đuôi in logo của MAS thấp thoáng từ xa. Nó nằm yên bình trên một cánh đồng lúa mì và gần như nguyên vẹn", nhà quan sát chia sẻ.
"Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là đống đổ nát đang bốc khói. Đồ dùng cá nhân và những thi thể (một số vẫn kẹt trong ghế ngồi) vương vãi khắp nơi. Nhóm phiến quân và các nhà báo nước ngoài đang có mặt tại hiện trường. Khu vực này không được bảo vệ an ninh. Ngoài chiếc đuôi, phần phía sau của thân máy bay là một trong những mảnh vỡ lớn nhất", Bociurkiw kể.
Theo mô tả của ông, một con đường nằm giữa hiện trường, nơi những mảnh vỡ, hành lý và thi thể không còn nguyên vẹn nằm ngổn ngang. Phần thân máy bay vẫn bốc khói. Cánh, thùng nghiên liệu, bộ phận hạ cánh và khoang chính nằm rải rác đằng xa.
Một số chuyên gia cho biết, máy bay đâm xuống đất và gây ra một vụ nổ lớn. Nhiệt độ của đám cháy cao đến 1.600 độ C, đủ khiến nhôm của phi cơ tan chảy, đốt mọi thứ trong khu vực ngay lập tức. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là ngôi làng Hrabove, cách hiện trường MH17 rơi vài mét, tương đối nguyên vẹn.
"Ngày thứ nhất, chúng tôi chỉ có thể nán lại hiện trường trong 75 phút", Bociurkiw nói. Ông cho biết, một tay súng xuất hiện, tỏ vẻ hung dữ và đuổi mọi người ra khỏi khu vực.
Những ngày sau đó
Nhà quan sát của OSCE cho hay, hành lý của khách bị xâm phạm. "Vài ngày sau, chúng tôi tìm thấy một số hộ chiếu bị lấy đi và sau đó được đưa trở lại hiện trường", ông nói.
Đội của Bociurkiw tìm thấy một số thứ khác trên máy bay như nhà vệ sinh hay ghế ngồi hạng thương gia nằm rải rác.
"Một ngày nọ, chúng tôi phát hiện mảnh lớn của khoang hành khách ở trong rừng. Tôi đếm thấy 17 cửa sổ, một số còn nguyên vẹn", ông kể.
Thi thể các nạn nhân được đưa lên xe tải để chuyển tới ga tàu. Ảnh: Daily Mail |
Bociurkiw cho hay, thời gian khủng khiếp nhất mà ông cùng các đồng nghiệp trải qua là 4 ngày sau vụ tai nạn, khi đội của ông giám sát việc niêm phong các toa xe chứa thi thể nạn nhân tại nhà ga ở thành phố Torez.
"Mùi tử khí bốc lên nồng nặc. Tuy nhiên, khi biết rằng họ (những nạn nhân) chuẩn bị lên đường về nhà và rời khỏi nơi hỗn độn này, chúng tôi cảm thấy được an ủi. Những người phụ nữ địa phương rất tỉ mỉ khi niêm phong các toa xe", ông nhớ lại.
Nguy hiểm cận kề
Bociurkiw cho hay, thảm kịch MH17 ảnh hưởng rất lớn tới ông.
"Vào cuối mỗi ngày, tôi có thể trở về khách sạn tại thành phố Donetsk để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, ngay cả khi ấy, nguy hiểm vẫn cận kề chúng tôi", Bociurkiw nói.
Người đàn ông này tiết lộ, vào một đêm, khi đang đứng trên sân thượng của khách sạn và tham gia cuộc phỏng vấn trực tiếp của CNN, tiếng súng tự động vang lên, Bociurkiw và những người khác vội vã tìm chỗ trốn.
Ngày 1/8 năm ngoái, sau một tuần dài tạm dừng vì những lý do an ninh, đội của Bociurkiw đã thiết lập một con đường cho hàng chục chuyên gia Hà Lan và Australia đến hiện trường MH17.
"Cuối cùng, họ cũng tới hiện trường, bắt đầu từ trại gà gần làng Hrabove. Hình ảnh các chuyên gia mặc đồng phục rà soát cánh đồng với sự hỗ trợ của những chú chó lan toả khắp thế giới. Tôi nghĩ rằng, điều này có thể an ủi gia đình của những nạn nhân", Bocicurkiw chia sẻ.
Ông cho biết, các chuyên gia Hà Lan và Australia luôn mong giây phút ấy, dù phải đối mặt với khó khăn trong công việc tìm kiếm hài cốt và đồ dùng của nạn nhân cũng như nguy hiểm khi làm việc tại khu vực đang xảy ra xung đột.
"Thỉnh thoảng, vài tiếng pháo kích vang lên đâu đó như một lời nhắc nhở. Suốt buổi hướng dẫn, một trong những chỉ huy nói với các chuyên gia rằng 'hãy hành động như thể đó là ngày cuối cùng của các bạn ở đây'", Bocicurkiw nhớ lại.
"Chúng tôi gửi lời cầu nguyện chân thành tới thân nhân của các nạn nhân. Tôi hy vọng hành động của chúng tôi có thể an ủi họ và khép lại bi kịch khủng khiếp này", người đàn ông này nói.