AFP đưa tin, cuộc điều tra kéo dài 15 tháng do Hà Lan dẫn đầu về nguyên nhân gặp nạn của phi cơ MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã có kết luận cuối cùng.
Các nhà điều tra quốc tế khẳng định, MH17 bị một nhóm phiến quân ở phía đông Ukraine bắn hạ bởi tên lửa đất đối không Buk 9M38. Liên Xô sản xuất loại tên lửa này lần cuối cùng vào năm 1986 và ngừng sử dụng nó vào năm 2011. Thời hạn sử dụng của tên lửa là 25 năm.
Bản báo cáo bao gồm bản đồ về vị trí vụ tại nạn, nơi các mảnh vỡ máy bay nằm rải rác gần làng Grabove, vùng Donetst, lãnh thổ do phiến quân ly khai thân Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine. Kết quả này cũng phủ nhận ý kiến của Moscow cho rằng phi cơ bị tên lửa của quân đội Ukraine bắn rơi.
Giải đáp 4 thắc mắc
Phi cơ được khôi phục lại một phần trong buổi công bố kết luận cuối cùng về số phận chuyến bay MH17. Ảnh: Reuters |
Theo BBC, báo cáo của Hà Lan giúp giải thích 4 vấn đề chính trong vụ tai nạn, gồm nguyên nhân khiến máy bay vỡ tan trên không; tại sao phi cơ bay qua khu vực xảy ra xung đột; lý do thân nhân các nạn nhân phải đợi 4 ngày mới có xác nhận chính thức hành khách có mặt trên phi cơ và những người có mặt trên MH17 ra sao vào những giây cuối cùng.
Ủy ban an toàn Hà Lan cho biết, họ chỉ tập trung vào việc giải thích nguyên nhân tai nạn mà không có thẩm quyền cáo buộc trách nhiệm với bất kỳ ai.
Tjibbe Joustra, Giám đốc Ủy ban An toàn Hà Lan, xác nhận MH17 bị tên lửa Buk do Nga sản xuất bắn rơi. Tên lửa bắn vào bên trái của buồng lái. Phi công đã thiệt mạng ngay lập tức.
Vị quan chức Hà Lan cho biết thêm 3 thành viên phi hành đoàn chết trong buồng lái khi tên lửa Buk bắn trúng MH17. Giới điều tra đã loại bỏ các nguyên nhân như có bom trên phi cơ, tấn công trên không hay máy bay hỏng.
Mô phỏng máy bay MH17 bị tên lửa bắn trúng. Đồ họa: BBC |
Uỷ ban An toàn Hà Lan cho hay, đầu đạn phát nổ cách buồng lái máy bay khoảng 1m, theo AP. Một số hành khách có thể đã nhận biết được tai họa sắp xảy đến trước khi máy bay rơi khoảng 1 phút. Những âm thanh mà hộp đen thu lại trong những giây cuối cùng của MH17 cũng trùng khớp với kết quả này.
Joustra khẳng định việc tìm kiếm mảnh vỡ của MH17 là một quá trình phức tạp. Một số mảnh vỡ chỉ được tìm thấy cách đây 2 tuần. Nhà chức trách có thể sẽ còn tìm thấy nhiều bộ phận của máy bay mang số hiệu MH17.
Theo giới chức Hà Lan, 160 máy bay bay qua không phận Ukraine vào hôm 17/7/2014. 3 chuyến bay khác bay gần thời điểm MH17 bị bắn rơi.
Không phận thuộc vùng chiến sự ở đông Ukraine đáng lẽ phải được đóng trước khi MH17 bị bắn hạ. Phiến quân do Nga hậu thuẫn đã bắn rơi khoảng 16 máy bay và trực thăng quân sự tại miền đông Ukraine trong những tuần trước khi vụ tai nạn MH17 xảy ra.
Trong khi nhà chức trách Hà Lan công bố kết quả điều tra, tập đoàn tên lửa Almaz-Antey của Nga khẳng định, kết quả nghiên cứu của họ hoàn toàn trái ngược với báo cáo mà Hà Lan đưa ra ngày hôm nay.
“Chúng tôi khẳng định rằng MH17 bị bắn bởi tên lửa Buk 9M38 được phóng đi từ làng Zaroshchenske, khu vực do quân chính phủ Ukraine kiểm soát", Reuters dẫn lời ông Yan Novikov, giám đốc điều hành của Almaz-Antey cho biết.
Ông nói thêm rằng quân đội Nga không còn sử dụng tên lửa 9M38 và nó chỉ còn trong kho vũ khí của Ukraine.
Thân nhân đón nhận câu trả lời
Báo cáo của Hà Lan về máy bay MH17 được trao cho người nhà các nạn nhân. Ảnh: Guardian |
Uỷ ban An toàn Hà Lan trình bày kết luận cho gia đình các nạn nhân trước rồi mới công bố với các phóng viên tại căn cứ quân sự Gilze Rijen ở Hà Lan.
Bố mẹ vợ, con gái và con trai của Evert van Zijtveld, Phó chủ tịch Hiệp hội Thảm họa Hàng không MH17, là những hành khách trên chiếc Boeing xấu số của MAS.
“Bây giờ, cuối cùng thì chúng tôi đã nhận được câu trả lời về chuyện gì thực sự xảy ra”, ông Zijtveld nói.
Ngày 17/7/2014, chuyến bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines chở theo 298 hành khách và phi hành đoàn, thực hiện hành trình từ Amsterdam, Hà Lan đến Kuala Lumpur, Malaysia bị bắn rơi khi bay qua không phận Ukraine. Toàn bộ số người trên máy bay thiệt mạng.
Trước đó, theo kết quả điều tra sơ bộ, MH17 bị “ngoại lực lớn từ bên ngoài” đâm trúng. Nhiều nhà điều tra suy đoán, một quả tên lửa đất đối không là “thủ phạm” trong vụ MH17 rơi. Phương Tây và Ukraine cáo buộc phiến quân do Nga hậu thuẫn đã bắn chiếc Boeing 777 của MAS. Trong khi đó, Moscow phủ nhận cáo buộc và cho rằng Kiev là phải chịu trách nhiệm.