Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các manh mối củng cố khả năng vật thể mới tìm thấy của MH370

Ngày càng nhiều quan chức, học giả và chuyên gia hàng không tin rằng mảnh kim loại trôi dạt vào đảo Reunion là một bộ phận tách rời từ máy bay mất tích của Malaysia Airlines.

Những dòng chảy đại dương có thể cuốn vật thể ra xa hàng nghìn cây số từ một địa điểm. Ảnh: Daily Mail
Những dòng chảy đại dương có thể cuốn vật thể ra xa hàng nghìn km từ một địa điểm. Ảnh: Daily Mail

Những dòng chảy xoáy hướng về châu Phi

Theo các chuyên gia nghiên cứu đại dương, những dòng chảy xoáy rộng lớn ở miền Nam Ấn Độ Dương hoàn toàn có thể cuốn các mảnh vỡ từ MH370 đến gần châu Phi. Mô hình dòng chảy vẫn giữ nguyên đến nay. Do vậy, nhiều người lạc quan về khả năng đội tìm kiếm sẽ phát hiện thêm nhiều vật thể khác ở khu vực cách địa điểm nhận tín hiệu radar lần cuối của MH370 khoảng 3.700 km.

Đáng chú ý, các nhà khoa học đã xây dựng bản đồ dự đoán chính xác mảnh vỡ của MH370 sẽ trôi dạt đến đảo Reunion từ một năm trước. Bản đồ rút ra từ nghiên cứu dòng chảy của vực xoáy lớn, cuốn theo chiều ngược kim đồng hồ, bao phủ gần như toàn bộ phần phía nam của Ấn Độ Dương. Nó chạy dọc theo hướng đông của Nam Đại Dương gần với Nam Cực, rồi hướng lên bờ biển phía tây Australia, sau đó đi về vùng bên dưới xích đạo theo hướng tây để đến Madagascar và đảo Reunion.

"Nghiên cứu của chúng tôi hồi năm 2014 cho kết quả rằng, các mảnh vỡ sẽ quy tụ về đây khoảng 18 đến 24 tháng sau vụ tai nạn", giáo sư Charitha Pattiaratchi, Đại học Western Australia, nói với báo Daily Mail.

Mảnh kim loại có thể là phần cánh tà

Chuyên gia hàng không Ronald Bishop cho biết, phần cánh máy bay thường có khối lượng nhẹ và chứa không khí, giúp nó có thể nổi (hoặc bán nổi) trên mặt biển. "Cùng với sức nước của dòng chảy, nó có thể đạt vận tốc từ 5,5 km/h đến hơn 9 km/h. Như vậy, mỗi ngày nó có thể trôi gần 140 km. Thời gian MH370 mất tích đã hơn một năm, nên các mảnh vỡ có thể đã rơi tới khu vực mà con người sẽ phát hiện".

Các chuyên gia đã xác định những sinh vật biển bám trên nó là động vật giáp xác có tên khoa học là Lepas anatifera. Chúng sống trong nhiệt độ bình thường, vùng nước ấm và phát triển từ 1 tới 2 cm/năm. Ảnh: Guardian
Các chuyên gia đã xác định những sinh vật biển bám trên nó là động vật giáp xác có tên khoa học là Lepas anatifera. Chúng sống trong nhiệt độ bình thường, vùng nước ấm và phát triển từ 1 tới 2 cm mỗi năm. Ảnh: Guardian

Một thợ cơ khí của hãng Air Austral đặt tại Reunion nói với các phóng viên rằng, mảnh vỡ in chữ số BB657. Trang AirLive.net cho biết, con số trùng khớp với số hiệu mã bảo trì trong danh sách của Boeing.

Ngoài ra, kể từ khi Boeing cho ra đời dòng máy bay 777 vào năm 1994 đến nay, MH370 là trường hợp duy nhất đã biến mất trên mặt biển. Trong các tai nạn của Boeing 777 trước đó (như vụ việc năm 2008 của hãng British Airways, năm 2011 của Egypt Air, năm 2013 của Asiana Airways và MH17 của Malaysia Airlines), máy bay đều rơi và vỡ tan trên mặt đất.

Các chuyên gia cũng xác định độ tuổi của những con hàu đã bám vào bề mặt mảnh kim loại để đưa ra thời gian chính xác nó chìm trong nước bao lâu. Thậm chí, họ có thể đưa ra kết luận vật thể trôi dạt từ đại dương nào dựa trên xác định chủng loại hàu vì "mỗi đại dương khác nhau có từng loại hàu riêng biệt sinh sống", Erik van Sebille, nhà hải dương học tại trường Imperial College London nói.

Điều gì xảy ra sau khi tìm thấy vật thể nghi của MH370?

Nhiều hướng điều tra mới đã nảy sinh trong cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines mất tích sau khi vật thể nghi là của MH370 trôi dạt vào một hòn đảo ngày 29/7.

Vật thể trôi nổi giúp định vị nơi MH370 đang chìm thế nào?

Nếu vật thể vừa phát hiện ở đảo Reunion được khẳng định là một phần của MH370, các điều tra viên hy vọng nó sẽ góp phần tích cực vào cuộc tìm kiếm địa điểm xác máy bay đang chìm.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm