Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quản lý đất đai và nhiều vấn đề ‘nóng’ đặt lên bàn nghị sự Quốc hội

Chính sách quản lý, quy hoạch đất đô thị cũng như nhiều vấn đề nóng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội sẽ được bàn thảo tại Quốc hội trong tuần làm việc thứ hai.

Ngày 27/5, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ hai với nhiều nội dung quan trọng.

Trong ngày làm việc đầu tiên của tuần thứ hai, Quốc hội dành trọn thời gian để nghe Đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Đặc biệt lần này, việc trình bày báo cáo sẽ được kết hợp trình chiếu video để tăng tính sinh động. Sau đó, các đại biểu có phiên thảo luận chung.

quan ly dat dai anh 1
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Minh Quân.

Trong tuần làm việc thứ hai, Quốc hội thảo luận một số dự án luật như Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm nhiều nội dung đổi mới, gắn bó thiết thực với quyền lợi của người lao động như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, thay đổi chính sách tiền lương, quy định giờ làm của công chức… cũng được Quốc hội cho ý kiến trong tuần làm việc này.

Bên cạnh đó, Quốc hội nghe ý kiến, thảo luận về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Quốc hội dành 1,5 ngày cho phiên thảo luận chung ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch năm 2019 cũng như quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Nội dung này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để người dân theo dõi.

Trước đó, trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về nhiều dự án luật như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Quản lý thuế…

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội hóa XIV diễn ra trong 20 ngày, trong đó dành 12 ngày tập trung cho vấn đề lập pháp, thông qua 7 dự án luật và 2 nghị quyết, cho ý kiến vào 9 dự án luật khác. Thời gian còn lại dành cho chất vấn, giám sát chuyên đề và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.

Không lẽ chúng ta sợ 'mất lòng' ngành rượu bia đến vậy?

Việt Nam bắt buộc phải chọn giữa sức khoẻ cộng đồng và ngành rượu bia. Người dân có quyền đòi hỏi trách nhiệm trong từng lá phiếu của mỗi đại biểu Quốc hội.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm