Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội: Phó chủ tịch xã 'đi tù dễ như chơi'

“Thực tế có phó chủ tịch xã gốc là cán bộ văn hóa nhưng suốt ngày ký quyết định liên quan đến đất đai, đi tù dễ như chơi”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiều đại biểu quan tâm việc tăng, giảm số lượng phó chủ tịch HĐND và UBND cấp tỉnh, huyện, xã…

Giảm phó chủ tịch HĐND ở cấp tỉnh: Sẽ gây khó khăn

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết hiện có 2 luồng ý kiến. Một là đề nghị giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như hiện hành.

“Hiện Chính phủ thiên về phương án thứ nhất”, ông Tân cho biết.

Có quan điểm khác, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng, cơ cấu 2 phó chủ tịch HĐND tỉnh là phù hợp, bởi hiện tất cả hoạt động, hội họp, giám sát của HĐND, các ban của HĐND và cả giám sát của Quốc hội đều có sự tham gia của đại diện Thường trực HĐND. Do đó, nếu chỉ có một Phó chủ tịch của HĐND cấp tỉnh sẽ rất khó cho hoạt động của HĐND.

Đồng tình, đại biểu Hoàng Văn Trà (Phú Yên) nêu thực tế HĐND hiện bị giao rất nhiều việc, nếu giảm Phó chủ tịch HĐND, nhất là cấp tỉnh thì không thực tế.

“UBND nhiều việc thì HĐND cũng rất nhiều việc và quyết sách nhiều vấn đề lớn, nếu thiếu phó chủ tịch, HĐND tỉnh sẽ rất khó khăn. Với cấp huyện thì cân nhắc có thể giảm còn 1 cấp phó nhưng với HĐND tỉnh thì phải duy trì 2 người”, ông Trà góp ý. Theo ông, nếu chỉ vì biên chế mà bớt kiểu này thì không “trúng”.

giam pho chu tich HDND anh 1
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Thắng Quang.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, người từng giữ cương vị Bí thư huyện ủy Phúc Thọ (Hà Nội), đề nghị nên giữ số lượng 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Nếu không giữ, nhất là với các tỉnh, thành phố lớn, hoạt động sẽ rất khó khăn. Còn với HĐND cấp huyện, số lượng 1 cấp phó là phù hợp.

“Tôi đã gặp rất nhiều phó chủ tịch HĐND huyện, công việc cũng nhàn, kể cả là 1 phó chủ tịch thì vẫn nhàn, nên để 1 người là phù hợp”, ông Hiểu nói.

Về số lượng phó chủ tịch UBND, đặc biệt ở cấp xã, ông Hiểu cho biết công việc của họ rất vất vả. Xuống xã mới thấy thương cán bộ xã, nhìn chung họ có trình độ vừa phải nhưng gánh vác công việc liên quan trực tiếp đến dân ngày càng phức tạp.

“Thực tế có phó chủ tịch xã gốc là cán bộ văn hóa nhưng suốt ngày ký quyết định liên quan đến đất đai, đi tù dễ như chơi”, ông Hiểu nêu thực tế.

Bộ máy khiêm tốn nhưng đòi hỏi cao

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ quan điểm trên cương vị một người từng giữ chức Chủ tịch HĐND TP.HCM.

Theo bà, nghị quyết của Trung ương quy định giảm phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Nhưng khi Chính phủ trình lên thì không trình được nội dung vì sao giảm, mà chỉ đề cập đến vấn đề tinh giảm biên chế, như vậy thì “không đúng bản chất”.

giam pho chu tich HDND anh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: Ngọc Thắng.

Có ý kiến đánh giá HĐND hoạt động hình thức, tăng biên chế, gánh nặng về kinh phí, nhưng theo bà Tâm, hoạt động có hình thức hay không phụ thuộc từng nơi, vào năng lực, trình độ, bản lĩnh, tâm huyết của đội ngũ cán bộ mà Đảng cử, dân bầu.

“Chúng ta không thể đánh giá cào bằng”, bà Tâm nói.

Theo nữ đại biểu, HĐND vừa có nhiệm vụ quyết định những vấn đề lớn vừa có chức năng rất quan trọng là giám sát thực thi pháp luật ở địa phương và giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

“Với nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền của HĐND, để HĐND phát huy được vai trò của mình xứng với trọng trách, vai trò của HĐND thì tổ chức bộ máy là một điều kiện rất cần thiết”, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nêu quan điểm.

Nhìn từ hoạt động của HĐND TP.HCM, bà Tâm cho rằng bộ máy ấy chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, tạo ra bất cập.

“Các cơ quan của HĐND TP.HCM đang làm việc hết công suất, làm việc cả thứ bảy và chủ nhật, không tuần nào không có hoạt động của HĐND ở cơ sở. Thực tế cho thấy cần phải có nguồn lực, đội ngũ cán bộ, bộ máy để làm việc”, bà Tâm dẫn chứng.

Theo bà, HĐND được tổ chức với một bộ máy rất “khiêm tốn” nhưng đòi hỏi quá cao về hiệu lực và hiệu quả. Đó là sự đòi hỏi không tương xứng. Bởi vậy, khi đặt ra vấn đề biên chế của HĐND cần đánh giá tác động một cách sâu sắc, có lý giải khoa học chứ không phải làm theo ý chí.

“Phải cân nhắc kỹ vấn đề này, không nặng nề là một hay hai người mà phải nhìn vào nhiệm vụ để tổ chức tương xứng với yêu cầu”, bà Tâm nói.

Vì sao nhiều đại biểu Quốc hội không muốn bỏ mức kỷ luật giáng chức?

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nếu bỏ mức kỷ luật giáng chức, người vi phạm có thể phải chịu kỷ luật nặng hơn.


Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm