Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Nội vụ: Bỏ kỷ luật giáng chức, xử nghiêm thì phải cách chức

Nếu không phải chịu kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì ở mức nặng hơn. Lãnh đạo, quản lý có thể bị cách chức thay vì hình thức giáng chức như trước đây.

Bỏ quy định kỷ luật bằng hình thức giáng chức đối với lãnh đạo, quản lý các cơ quan Nhà nước là một trong những nội dung mới đáng chú ý của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008, có 6 hình thức kỷ luật đối với công chức gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc.

Nhưng dự thảo luật sửa đổi vừa được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi quy định này theo hướng bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, chỉ giữ lại 5 hình thức kỷ luật còn lại.

ky luat cach chuc anh 1
Ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) cho rằng ranh giới giữa kỷ luật giáng chức và cách chức có sự "duy tình". Ảnh: T.H.

Riêng hình thức cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Còn hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo.

Tại cuộc họp báo định kỳ chiều 9/5, ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) giải thích rõ lý do của việc này.

Theo ông Long, hiện nay ranh giới giữa việc kỷ luật giáng chức và cách chức có sự “duy tình”, đáng lẽ cần cách chức thì lại giáng chức, thậm chí, có trường hợp cố tình giảm nhẹ hình thức kỷ luật. Vì thế, Chính phủ thống nhất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức.

“Nếu không kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì xử lý nghiêm là cách chức thay vì giáng chức như trước đây”, ông Long nói.

Ông nêu thực tế việc kỷ luật giáng chức cũng gây khó khăn trong công tác sắp xếp cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, tạo xung đột về vị trí việc làm. Ví dụ, một đơn vị xác định rõ có 1 trưởng 3 phó, nếu giáng chức từ trưởng xuống phó thì không có vị trí nào để bổ nhiệm nữa vì cấp phó cũng đủ rồi.

Mặt khác, quy định bỏ hình thức kỷ luật giáng chức sẽ tương thích với 4 hình thức kỷ luật của hệ thống Đảng là cảnh cáo, khiển trách, cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Quy định tương đồng này sẽ tạo sự liên thông trong công tác cán bộ.

“Bỏ một hình thức kỷ luật giáng chức không có nghĩa sẽ giảm bớt tính nghiêm minh của thực thi pháp luật. Hiện nay, hình thức kỷ luật giáng chức chỉ là một trong 5 hình thức kỷ luật áp dụng xử lý đối tượng công chức lãnh đạo quản lý vi phạm”, ông Long nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại kỳ họp thứ 7 và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Phó chủ tịch Quốc hội đề xuất phạt tài xế say xỉn nạo vét sông Tô Lịch

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng lái xe say rượu nếu phạt 15-20 triệu người ta sẵn sàng nộp. Vì thế, cần có quy định về lao động công ích, như nạo vét sông Tô Lịch.




Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm