Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó chủ tịch Quốc hội đề xuất phạt tài xế say xỉn nạo vét sông Tô Lịch

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng lái xe say rượu nếu phạt 15-20 triệu người ta sẵn sàng nộp. Vì thế, cần có quy định về lao động công ích, như nạo vét sông Tô Lịch.

Chiều 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị xem xét lại Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Bà băn khoăn khi thấy đại diện Bộ Y tế không đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cấm quảng cáo đồ uống có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên và phát rượu khuyến mại cho người dưới 18 tuổi.

“Tôi phân vân lắm khi anh em soạn thảo không đồng ý. Ban soạn thảo mà thấy không hài lòng thì đưa ra Quốc hội khó thông qua”, bà Phóng băn khoăn.

lai xe uong ruou gay tai nan anh 1
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị quy định bắt tài xế uống rượu lái xe phải lao động công ích, ví dụ như nạo vét sông Tô Lịch. Ảnh: Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì nói cần xem xét lại tính cần thiết của luật này, nếu thấy vội vàng thì nên cân nhắc. Theo ông Hiển thì Quốc hội nên đưa ra nghị quyết. Ví dụ uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông dù chưa gây tai nạn nhưng đo nồng độ cồn thấy ở mức độ nào đó thì có thể phạt tiền với mức cao hơn.

Thậm chí, có thể bắt lao động công ích, như bắt nạo vét sông Tô Lịch, chứ phạt tiền 15 đến 20 triệu đồng thì nhiều người sẵn sàng bỏ ra nộp ngay.

Với trường hợp nghiện ma túy cầm vô lăng, theo ông cần tước giấy phép lái xe vĩnh viễn nếu gây tai nạn ở mức xử phạt hành chính. Nặng hơn thì xử theo Luật Hình sự để tạo sức mạnh trong việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Nói về việc dư luận đang rất bức xúc về tác hại của rượu, bia đối với vấn đề sức khỏe, cộng đồng xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giải thích luật này không phải để quy định các chế tài hình sự về sử dụng rượu, bia mà chủ yếu là phòng ngừa, nâng cao quản lý về tác hại của đồ uống có cồn.

lai xe uong ruou gay tai nan anh 2
Chiếc xe do tài xế say rượu điều khiển trong đêm đã tông tử vong một nữ công nhân vệ sinh đang làm việc trên đường. Ảnh: Hải Nam.

Vì đây là vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm, ông Uông Chu Lưu cho rằng có thể trình Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra Quốc hội xin ý kiến. Nếu chất lượng đảm bảo thì thông qua, không thì để lại hoàn thiện.

“Nếu bây giờ quyết định dừng lại ngay mà không đưa ra thì tâm lý dư luận xã hội không hiểu ý chúng ta. Nhiều khi ta có ý tốt, nhưng dư luận lại nghĩ ta có cái gì đấy, không dũng cảm, chưa thông qua dự luật này”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị xem xét đưa vào nghị quyết của Quốc hội để có giải pháp với một số vấn đề rất nóng giữa hai kỳ họp của Quốc hội như tình trạng tài xế sử dụng ma túy, uống rượu bia lái xe hay tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.

Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, dư luận xã hội đang xem Quốc hội ứng xử thế nào trước các vấn đề bức xúc. Do đó, theo bà có thể nghiên cứu một nghị quyết của Quốc hội để có chế tài mạnh mẽ hơn trong lúc chờ sửa luật.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần nghiêm khắc chấn chỉnh tình trạng này, uống rượu quá mức có thể tịch thu giấy phép lái xe và phạt lao động công ích như bắt đi thu gom rác, ở địa phương nào thì về thu rác ở phường đó. Đây cũng là biện pháp để giáo dục.

'Giải pháp làm sạch sông Tô Lịch của chuyên gia Nhật chỉ là tạm thời'

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định nếu không xử lý dứt điểm nguồn gây ô nhiễm sông Tô Lịch thì mọi giải pháp chỉ là tạm thời.

Lái xe khi say xỉn: Luật đâu phải bạn nhậu mà cứ cả nể tài xế

Vốn đã phạt lái xe uống rượu bia nhẹ hơn nhiều nước, Việt Nam cũng không xử lý hành vi này nghiêm như đua xe trái phép. Chẳng lẽ nó không nguy hiểm bằng?

Hoài Thu - Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm