Chiều 9/5, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến kỳ họp diễn ra từ 20/5 đến 14/6 với tổng cộng 20 ngày làm việc.
Văn phòng Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị phục vụ kỳ họp và đã cơ bản hoàn thành.
Xin ý kiến đại biểu bằng hệ thống điện tử
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Văn phòng Quốc hội đã triển khai điều chỉnh phần mềm cho phù hợp việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử tại hội trường về một số nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau của dự án, dự thảo. Văn phòng sẽ hướng dẫn đại biểu về cách thực hiện ngay sau phiên họp trù bị ngày 20/5.
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn. |
Trên cơ sở tổng hợp các nhu cầu thông tin cần cung cấp, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Công ty AIC triển khai xây dựng phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp cho đại biểu Quốc hội dùng trên các thiết bị di động.
“Theo đó, mỗi đại biểu sẽ có một chiếc iPad để sử dụng tại hội trường, dùng để tra cứu được tất cả tài liệu, trừ tài liệu mật”, ông Phúc thông tin.
Hiện mỗi đại biểu Quốc hội đều đã được trang bị một máy tính cá nhân, có thể sử dụng trong hội trường hoặc mang theo làm việc bên ngoài. Khi vào hội trường, máy tính cá nhân của các đại biểu sẽ được cài đặt mạng nội bộ để sử dụng mạng phục vụ hoạt động tra cứu tài liệu.
Về bố trí chương trình kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị thay vì gửi tài liệu để đại biểu nghiên cứu thì cần bố trí thảo luận các nội dung như việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ông Phúc cho biết có ý kiến đề nghị giảm thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày; đồng thời, tăng thời gian thảo luận đối với một số dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau.
Bên cạnh đó, xem xét bố trí một buổi thảo luận ở tổ đối với mỗi dự án: Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thảo luận một ngày ở hội trường đối với mỗi dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Có đại biểu cũng đề nghị Quốc hội bố trí làm việc thêm 2 ngày thứ bảy (ngày 25/5 và 8/6) để dành thời gian thảo luận một số dự án luật có tác động rộng, còn nhiều ý kiến khác nhau.
Giữ nguyên thời gian chất vấn
Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, căn cứ tình hình thực tế và thời gian tiến hành kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội cho biết đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm xem xét một số nội dung cho phù hợp.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị giữ lượng thời gian 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, nửa ngày ở hội trường cho mỗi dự án, dự thảo luật.
Ông cũng cho biết sẽ không bố trí thảo luận riêng mà kết hợp thảo luận cùng các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước các nội dung về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội không bố trí làm việc ngày thứ bảy để dành thời gian cho các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc dự phòng trong trường hợp có nội dung sau khi đã được thảo luận tại hội trường và xét thấy cần thiết phải tăng thời gian thảo luận để có thêm ý kiến đóng góp.