Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Lái xe khi say xỉn: Luật đâu phải bạn nhậu mà cứ cả nể tài xế

Vốn đã phạt lái xe uống rượu bia nhẹ hơn nhiều nước, Việt Nam cũng không xử lý hành vi này nghiêm như đua xe trái phép. Chẳng lẽ nó không nguy hiểm bằng?

xu ly hanh su say ruou dam xe chet nguoi anh 1

Lái xe khi say xỉn: Luật đâu phải bạn nhậu mà cứ cả nể tài xế

Vốn đã phạt lái xe uống rượu bia nhẹ hơn nhiều nước, Việt Nam cũng không xử lý hành vi này nghiêm như đua xe trái phép. Chẳng lẽ nó không nguy hiểm bằng?

xu ly hanh su say ruou dam xe chet nguoi anh 2

xu ly hanh su say ruou dam xe chet nguoi anh 3

Lê Nguyễn Duy Hậu

Luật sư

  • Facebook
  • Lê Nguyễn Duy Hậu là một luật sư tại TPHCM. Anh nghiên cứu về hiến pháp, quản trị quốc gia, quyền con người và các vấn đề xã hội. Anh tốt nghiệp Đại học Luật TP HCM vào năm 2010 và có bằng thạc sĩ tại Viện Pháp luật và Tài chính, Đại học Goethe Frankfurt (Đức).

0h10 ngày 1/5, sau buổi họp lớp, nam tài xế lái xe Mercedes GLA 250 màu trắng tông tử vong 2 người phụ nữ ở hầm Kim Liên, Hà Nội.

Cũng tại Hà Nội đêm 22/4, một chiếc “xe điên” gây tai nạn liên hoàn và tông chết nữ công nhân vệ sinh trên đường Láng.

Vài tuần trước đó, đám tang của một cụ ông trên đường Nguyễn Công Trứ, TP Quy Nhơn (Bình Định) đã thành đại tang cho cả xóm khi một tài xế đạp nhầm chân ga, tông thẳng vào đội đưa tang làm bốn người chết, sáu người bị thương nặng.

Trong các vụ trên, tất cả những tài xế đều có nồng độ cồn vượt gấp nhiều lần mức cho phép. Thế nhưng, không cần đến các vụ tai nạn gần như liên tiếp do tài xế say rượu gây nên để nhận ra tác hại của hành vi lái xe sau khi đã sử dụng bia rượu, chất kích thích (driving under the influence – DUI).

Thống kê của Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia chỉ ra rằng trung bình trong 10 vụ tai nạn giao thông thì 4 vụ có nguyên nhân từ hành vi DUI. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính tỷ lệ tử vong từ DUI ở Việt Nam là 26,4 trên 100.000 người.

Nếu so sánh với các quốc gia khác thì Việt Nam đang đứng hàng top trên thế giới về số vụ tai nạn có nguyên nhân từ DUI, chỉ thấp hơn Vanuatu và Lesotho vào năm 2018.

Luật cả nể tài xế say xỉn

Từ năm 2001, các nhà làm luật Việt Nam đã đưa DUI trở thành hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Giao thông Đường bộ (Luật GTĐB). Ban đầu, ngưỡng nồng độ cồn vi phạm được đặt ở mức 80mg/100ml máu hoặc 40mg/1l khí thở. Đây là ngưỡng khá “nới lỏng” nếu so với chuẩn mực ở các quốc gia khác như Australia (50mg/100ml), Trung Quốc (20mg/100ml), Nga (30mg/100ml) hay Ấn Độ (30mg/100ml).

Tuy nhiên, khi Luật GTĐB năm 2008 được thông qua, Việt Nam đã có một tiếp cận nghiêm khắc hơn rất nhiều với hành vi DUI khi giảm ngưỡng nồng độ cồn xuống mức 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở dành cho người điều khiển xe máy, và chỉ cần có nồng độ cồn trong máu (trên 0mg/100ml máu hoặc 1l khí thở) dành cho người điều khiển ôtô.

Sự nghiêm khắc này là cần thiết để ngăn chặn hành vi DUI ngày một gia tăng ở Việt Nam.

Thế nhưng, bản thân hành vi DUI vẫn chưa bị xử lý một cách thoả đáng khi chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính từ 2 triệu đến tối đa 18 triệu đồng, và bị tước giấy phép lái xe trong 6 tháng.

Tuy được xem là một tình tiết định khung tăng nặng của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, bản thân hành vi DUI không bị coi là một tội phạm hình sự. Cách xử lý này là rất mềm mỏng nếu so sánh với các quốc gia khác.

Cách xử lý hành vi lái xe sau khi đã sử dụng bia rượu, chất kích thích ở Việt Nam hiện nay rất mềm mỏng nếu so sánh với các quốc gia khác.

Ở Anh, người lái xe thậm chí còn chưa kịp điều khiển phương tiện đã bị phạt nếu cảnh sát phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép.

Tài xế sẽ bị phạt ngay nếu sau khi uống rượu bia mà có ý định điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nói cách khác, chỉ cần ngồi trong ôtô mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép là phải đối diện với án phạt.

DUI bị coi là một tội hình sự ở Anh, bất chấp việc hành vi này có gây ra thiệt hại hay không. Nếu bị kết tội liên quan đến các hành vi lái xe uống rượu, tài xế cũng gặp rắc rối lớn là rất khó được nhập cảnh vào các nước khác ở châu Âu hay đến Mỹ.

Một số bang của Mỹ cũng có quy định hình sự hoá hành vi này.

Tại Singapore, nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (khoảng 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam.

Các mức phạt sẽ được quy định dựa trên hai yếu tố là sự nguy hiểm của hành vi và nồng độ cồn của lái xe. Những lỗi nặng nhất sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối diện với các hình phạt tù và lao động công ích. Nếu tái phạm, tài xế sẽ phải đối mặt với mức hình phạt tăng thêm.

Cụ thể, Singapore phạt tù từ 6-12 tháng và phạt tiền từ 3.000-10.000 SGD (50-130 triệu đồng) đối với tài xế tái phạm lần thứ 2. Tài xế phạm lỗi lần thứ 3 sẽ bị phạt 30.000 SGD (510 triệu đồng) và 3 năm tù cùng tước bằng lái vĩnh viễn.

Còn ở Malaysia, khi có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, không chỉ tài xế phải chịu trách nhiệm mà những người đi cùng (vợ, bạn bè) cũng có thể bị phạt tù.

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc - những nước có thói quen uống bia rượu sau giờ làm như Việt Nam - chỉ cần vượt giới hạn nồng độ cồn cho phép, tài xế phải đối diện với mức phạt tù.

Khi nồng độ cồn vượt mức 0,05mg/lít khí thở ở Hàn Quốc, người lái xe sẽ bị quy vào tội hình sự và có thể ngồi tù 3 năm cộng thêm mức phạt lên tới 10 triệu won (khoảng 206 triệu đồng).

Còn tại Nhật, tài xế có nồng độ cồn vượt quá quy định, dù không gây tai nạn chết người cũng sẽ phải đối mặt với ít nhất 15 năm tù. Còn nếu có thiệt hại về người, mức án thấp nhất là 20 năm.

Từ năm 2010, Trung Quốc đã sửa đổi bộ luật hình sự, áp dụng mức phạt tù và cấm lái xe vĩnh viễn đối với tài xế có hành vi DUI tuỳ theo mức độ.

Sao phải chờ có hậu quả mới hình sự hoá?

Không chỉ mềm mỏng so với các quốc gia khác, ở Việt Nam DUI cũng không bị xử lý nghiêm khắc bằng tổ chức đua xe và đua xe trái phép. Từ năm 1999, hai hành vi đua xe này đã được đưa thành tội danh riêng, không đứng chung với vi phạm an toàn giao thông đường bộ.

Hơn thế nữa, tội danh tổ chức đua xe đương nhiên bị coi là tội phạm khi hành vi xảy ra mà không cần có hậu quả thực tế. Chính điều này có lẽ đã làm giảm đáng kể hành vi đua xe và tổ chức đua xe tại nhiều thành phố lớn trên cả nước. Nó cũng thể hiện một sự nghiêm khắc của nhà làm luật là muốn triệt để loại bỏ hành vi đua xe và tổ chức đua xe.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao hành vi DUI không bị xử lý tương tự như đua xe hay tổ chức đua xe? Chẳng lẽ DUI không đủ nguy hiểm bằng hai hành vi kể trên?

Tài xế say rượu chạy xe trên đường cũng nguy hiểm không kém gì một tay đua. Liệu có nên tiếp tục chờ cho đến khi hậu quả xảy ra thì mới có thể hình sự hoá hành vi này?

Nhiều nghiên cứu chỉ ra sau khi sử dụng chất kích thích, tâm trạng con người có xu hướng chung là phấn khích, thăng hoa trong cảm xúc đi kèm sự dũng cảm tùy vào lượng cồn có trong cơ thể.

Lúc này tài xế thường có xu hướng đi nhanh hơn, tự tin hơn, thậm chí có cả ảo giác như mình là tay đua trên đường đua công thức 1.

Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn thảm khốc đằng sau những bữa tiệc vui vẻ. Ngoài ra, chất kích thích ảnh hưởng đến tầm nhìn của tài xế. Khi “say”, mọi thứ đều trở nên mờ mờ ảo ảo, đến việc đi thẳng còn khó khăn chứ nói gì việc cầm lái, đạp chân ga, chân phanh.

Cũng không quá khi nói tài xế say rượu chạy xe trên đường cũng nguy hiểm không kém gì một tay đua, thậm chí một đoàn đua. Chính vì thế, liệu có nên tiếp tục chờ cho đến khi hậu quả xảy ra thì mới có thể hình sự hoá hành vi này?

Câu trả lời có lẽ là không.

Tất nhiên, việc hình sự hoá DUI cũng nên được cân nhắc kỹ lưỡng vì việc đảm bảo thực thi là rất khó khăn. Khác với hành vi đua xe, dễ dàng nhận thấy DUI chỉ có thể bị phát hiện khi cảnh sát dừng xe kiểm tra nồng độ cồn của tài xế. Việc này có thể khiến một số cảnh sát lạm quyền và gây phiền hà cho tài xế không say rượu.

Tuy nhiên, nếu không thể hình sự hoá DUI một cách triệt để thì rất cần phải có những biện pháp nghiêm khắc hơn vì nó có thể phục vụ nhiều mục đích.

Một đạo luật nghiêm khắc còn là phao cứu sinh cho rất nhiều tài xế trước sức ép, chèo kéo của bia, rượu và cả bạn nhậu.

Lấy ví dụ về DUI trong tác phẩm Why People Obey the Law (Vì sao người dân thượng tôn pháp luật) của mình, Giáo sư Tom Tyler (Đại học Chicago) chỉ rõ: Đôi khi, luật được đưa ra còn là để tạo nên nhận thức xã hội. Vì người dân sẽ tuân thủ luật hơn khi họ sợ hãi hình phạt; tin vào tính chính danh của chính quyền; thấy rằng luật phù hợp với đạo đức của bản thân; và chịu sức ép từ cộng đồng.

Trong bối cảnh mà hành vi DUI trở nên phổ biến một phần vì sự dễ dãi, có phần cổ vũ của cộng đồng đối với việc sử dụng bia, rượu và điều khiển phương tiện khi say rượu, một đạo luật nghiêm khắc còn có tác động thay đổi nhận thức, chấn chỉnh đạo đức cũng như tạo sức ép từ cộng đồng đối với hành vi này.

Trong rất nhiều trường hợp, một đạo luật như thế sẽ còn là phao cứu sinh cho rất nhiều tài xế trước sức ép, chèo kéo của bia, rượu và cả bạn nhậu. Nên nhớ, nạn nhân của DUI trong đa số trường hợp là chính người tài xế đó.

Đó là việc cần làm, và phải làm ngay.

Viet Nam - Mong Co ra Tuyen bo chung hinh anh

Việt Nam - Mông Cổ ra Tuyên bố chung

0

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Mông Cổ về thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện nhằm định hướng cho sự hợp tác tin cậy sâu sắc giữa hai nước.

Lê Nguyễn Duy Hậu

Illustration: Hà My

Bạn có thể quan tâm