Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao bộ, ngành đùn đẩy mọi việc lên Chính phủ, Thủ tướng?

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, phân chia thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp chính quyền địa phương chưa rõ ràng là nguyên nhân tình trạng "đùn đẩy mọi việc lên Chính phủ, Thủ tướng".

Ngày 8/5, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo khoa học về phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương của Việt Nam hiện nay.

Hội thảo nhằm đánh giá đúng thực trạng việc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương, qua đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, tránh chồng chéo như hiện nay.

Đùn đẩy mọi việc lên Chính phủ, Thủ tướng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương đã được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

dun day moi viec len Thu tuong anh 1
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn lý giải nguyên nhân của tình trạng đùn đẩy mọi việc lên Chính phủ, Thủ tướng. Ảnh: Bộ Nội vụ.

Song ông cũng nêu nhiều thông tin phản ánh về hiện tượng nhiều địa phương tìm cách đẩy công việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng.

“Chuyện đùn đẩy mọi việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng là do sự phân chia thẩm quyền giữa các cấp chính quyền chưa đủ rõ ràng, mạch lạc. Một số nhiệm vụ, quyền hạn cũng như thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương chưa được quy định rõ”, ông Tuấn lý giải.

Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Phạm Tuấn Khải cũng cảnh báo chuyện “các thứ trưởng bị dính kiểm điểm, kỷ luật hết” nếu không quy định rõ chuyện phân định thẩm quyền.

Theo ông Khải, người đứng đầu là quan trọng nhất, khi bộ trưởng phân công cho các thứ trưởng thì trách nhiệm chính vẫn là bộ trưởng chứ không phải thứ trưởng.

Tương tự, ở Chính phủ Thủ tướng phải chịu trách nhiệm, còn các phó thủ tướng chỉ là người giúp việc cho Thủ tướng trong các lĩnh vực, chứ không thể nói đó là thẩm quyền của phó thủ tướng.

dun day moi viec len Thu tuong anh 2
Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Phạm Tuấn Khải. Ảnh: Thanh Tuấn.

Dẫn chứng việc cải cách vừa qua ở Bộ Công an khi tinh giản bộ máy, quy định người đứng đầu Thủ trưởng cơ quan điều tra không phải là tổng cục trưởng mà là thứ trưởng, ông Khải đánh giá đây là cải cách rất hay.

“Cái này rất đúng, là sự phân công giữa bộ trưởng với thứ trưởng. Còn nếu giao cho một ông tổng cục trưởng “lơ lửng”, lại trực thuộc bộ, sau này xảy ra hệ quả pháp lý rất khó giải quyết", ông Khải góp ý.

Nền hành chính ‘xin ý kiến’

Nói về phân cấp, phân quyền, ông Khải đề nghị phải trao thẩm quyền nhất định cho chính quyền địa phương mới đảm bảo hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

dun day moi viec len Thu tuong anh 3
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bộ Nội vụ.

Nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) Dương Quang Tùng chỉ rõ hai nghịch lý trong phân cấp, phân quyền là “cái cần buông thì nắm, cái cần nắm thì buông” và tình trạng “cát cứ” về thẩm quyền ở địa phương còn lớn.

Điển hình, ông nêu thực tế một số việc phân cấp cho chính quyền tỉnh nhưng bộ, ngành vẫn nắm quyền kiểm soát, các tỉnh vẫn phải xếp hàng lên bộ ngành, Chính phủ "xin ý kiến". Như vậy, theo ông Tùng, việc “phân cấp mang tính nửa vời”.

GS.TS Phạm Hồng Thái (Khoa luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) ví von nền hành chính của Việt Nam là “nền hành chính xin ý kiến”. Theo ông, cái gì đã phân quyền cho địa phương thì trung ương không can thiệp.

GS.TS Lê Minh Thông, trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu thừa nhận chính quyền địa phương là một pháp nhân công quyền thì mọi việc đều hết sức minh bạch. Còn nếu không, tất cả đều xin ở trên, từ trên đưa xuống rồi dưới lại báo lên trên.

Cho biết tới đây sẽ áp dụng cơ chế đặc thù cho 5 thành phố trực thuộc trung, ông Thông cho rằng đó chỉ là giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương “có nhiều ấm ức”.

“Chúng ta đang có 16 địa phương thu ngân sách lớn, chiếm hơn 40% GDP. Nếu cứ thoả mãn cho anh nào muốn có đặc thù thì có đặc thù sẽ rất phức tạp", ông Thông cảnh báo.

HĐND chỉ còn 1 cấp phó, lấy ai giám sát?

Nhiều đại biểu không đồng tình với đề xuất giảm số phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện nhưng lại tăng thêm phó chủ tịch cho UBND vì lo quyền lực tập trung, không có người giám sát.


Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm