Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan hệ Việt - Mỹ bước vào kỷ nguyên mới

Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ (11/7/1995), từ hai nước cựu thù, Việt - Mỹ đã trở thành những người bạn, đối tác toàn diện và tin cậy.

Tổng thống Bill Clinton tiếp Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ, ông Lê Văn Bàng, ở Washingon D.C sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Ảnh:  Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ
Tổng thống Bill Clinton tiếp Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ, ông Lê Văn Bàng, ở Washingon D.C sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ

Việt Nam và Mỹ bắt đầu những nỗ lực cải thiện quan hệ ngoại giao đầu tiên từ những năm 1980. Ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. Tháng 1/1995, Mỹ và Việt Nam ký Hiệp định thiết lập Văn phòng Liên lạc tại thủ đô mỗi nước. 

Ngày 11/7/1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ giữa hai quốc gia. 

Những chuyến thăm cấp cao Việt - Mỹ 

Một trong những kết quả rõ rệt về tiến triển trong quan hệ song phương Việt - Mỹ suốt 20 năm qua là số lần thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước ngày càng tăng. 

Chuyến thăm quan trọng đầu tiên là sự kiện Tổng thống Bill Clinton đến Việt Nam vào giữa tháng 11/2000. Ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. 

Ngày 19/6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo chính phủ Việt Nam đầu tiên thăm Mỹ sau khi hòa bình lập lại. Thủ tướng đã thảo luận với Tổng thống George Bush về sự ủng hộ của Mỹ với nỗ lực tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam. 

Giữa tháng 11/2006, Tổng thống George Bush thăm chính thức Việt Nam khi tham dự cuộc họp APEC tổ chức ở Hà Nội. 

Đến tháng 6/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trở thành người đứng đầu nhà nước đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ sau giai đoạn chiến tranh. 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt tay Tổng thống George Bush trong cuộc hội đàm ở Nhà Trắng ngày 22/7. Ảnh: AFP
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt tay Tổng thống George Bush trong cuộc hội đàm ở Nhà Trắng ngày 22/7/2007. Ảnh: AFP

Ngày 25/6/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Nhà Trắng để hội đàm với Tổng thống George Bush. Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Mỹ đã ra tuyên bố chung sau cuộc hội đàm. 

Chuyến thăm Mỹ cuối tháng 7/2013 của Chủ tịch Trương Tấn Sang đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ song phương. Sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng ngày 25/7/2013, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama đã xác lập Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. 

Từ ngày 6/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức thăm Mỹ. Đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ. Tổng Bí thư và Tổng thống Barack Obama đã đưa ra Tuyên bố Tầm nhìn Chung sau cuộc hội đàm ngày 7/7. Ông Obama cũng nhận lời mời của Tổng Bí thư về chuyến thăm Việt Nam trong tương lai gần. 

Những lĩnh vực hợp tác quan trọng 

20 năm sau ngày bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Giáo dục là một trong những lĩnh vực hợp tác được coi trọng hàng đầu. 

Theo báo cáo của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), 16.579 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ trong năm học 2013 - 2014, (tăng 3% so với năm 2012), đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á và xếp thứ 8 về số lượng du học sinh tại quốc gia này. 

Ở chiều ngược lại, 878 sinh viên Mỹ học tập tại Việt Nam trong năm 2011-2012, tương đương với các năm trước.

Đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ thăm trường Fulbright nhân chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng 5. Ảnh: FETP
Đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ thăm cơ sở đào tạo Chương trình Fulbright nhân chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng 5. Ảnh: FETP

Nổi bật trong hợp tác giáo dục Việt - Mỹ là Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP). Theo Tuyên bố Tầm nhìn Chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama ngày 7/7, FETP sẽ chuyển đổi thành một tổ chức hoàn chỉnh có tên là trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) với số vốn đầu tư ban đầu là 20 triệu USD.

Về hợp tác quốc phòng, chính quyền Tổng thống George Bush tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán các trang thiết bị quân sự không sát thương cho Việt Nam vào năm 2007, mở ra cơ hội đầu tiên để hai nước hợp tác quốc phòng. 

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen từng tới thăm Việt Nam năm 2000 và Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phạm Văn Trà tới Mỹ năm 2003. Năm 2010, Việt Nam và Mỹ tổ chức các hoạt động đào tạo phi chiến tranh tại Đà Nẵng.

'Việt - Mỹ vượt qua khác biệt, hướng tới tương lai'

Tổng Bí thư nhấn mạnh tinh thần gác lại quá khứ, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai cùng thái độ đối thoại thẳng thắn, chân thành làm nên khác biệt trong quan hệ Việt - Mỹ.

Năm 2012, Leon Panetta trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm Cam Ranh từ sau Chiến tranh Việt Nam. Cùng năm, Việt Nam cử Quan sát viên tới dự Tập trận Hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2012) do Mỹ khởi xướng. 

Đầu tháng 10/2014, Mỹ đã tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tháng 3 vừa qua, phía Mỹ công bố trao 6 tàu tuần tra cao tốc, giúp đỡ Việt Nam vận hành, bảo trì và xây dựng xưởng sửa chữa nhằm tối ưu hóa khả năng hoạt động của các thiết bị này. 

Trong những năm gần đây, chiến hạm Mỹ, liên tục cập cảng Việt Nam. Đầu tháng 4, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald (DDG 62) và tàu tác chiến ven biển USS Fort Worth của Mỹ đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong khuôn khổ giao lưu hải quân thường niên lần thứ 6 giữa Mỹ và Việt Nam. 

Tàu USS Fitzgerald (DDG 62) cùng các sỹ quan và thủy thủ đoàn cập cảng Tiên Sa. Ảnh: TTXVN
Tàu USS Fitzgerald (DDG 62) cùng các sỹ quan và thủy thủ đoàn cập cảng Tiên Sa. Ảnh: TTXVN

Về quan hệ thương mại, kim ngạch thương mại của Việt Nam và Mỹ tăng từ 500 triệu USD năm 1995 lên 35 tỷ USD trong năm 2014. Ngày 13/7/2000, hai nước ký kết Hiệp định thương mại song phương, chính thức mở ra chương mới trong lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa 2 quốc gia.

Mỹ là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Tính tới cuối năm 2014, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, xếp thứ 7 trong hơn 100 quốc gia đầu tư vào Việt Nam. 

Theo Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh trong 15 năm qua. Năm 2000, số hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ có giá 800 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam đã vượt Thái Lan, Malaysia và Indonesia để trở thành nước Đông Nam Á xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ. 

AmCham dự đoán, tính đến năm 2020, giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ đạt xấp xỉ 57 tỷ USD, bỏ xa các nước còn lại trong khu vực. 

Trong khi đó, Việt Nam và Mỹ là 2 trong số 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi hiệp định này được thông qua, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng, GDP của Việt Nam có thể tăng tới 30% nhờ TPP. 

Chuyến thăm thúc đẩy niềm tin 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc hội đàm lịch sử giữa lãnh đạo hai nước. Ảnh: Reuters
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc hội đàm lịch sử giữa lãnh đạo hai nước. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 6/7 được nhiều chuyên gia quốc tế nhận định là sự kiện mang tính lịch sử. 

Trong buổi hội đàm ngày 7/7 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Obama khẳng định, Mỹ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và vai trò của Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời gọi Việt Nam là "đối tác xây dựng" trên nhiều lĩnh vực, bao gồm biến đổi khí hậu và gìn giữ hòa bình toàn cầu.

Đáp lời Tổng thống Obama, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: "Từ hai nước cựu thù, chúng ta đã chuyển thành những người bạn, đối tác, và đối tác toàn diện. Quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta", theo TTXVN.

Khi phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng Bí thư nhấn mạnh tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai" và thái độ đối thoại “chân thành, thẳng thắn” làm nên sự khác biệt trong quan hệ Việt - Mỹ so với quan hệ với các nước khác. 

Tổng Bí thư cũng dẫn câu nói của Tổng thống Theodore Roosevelt, "Có lòng tin là đã đi được nửa đường", để bày tỏ lạc quan về tương lai Việt - Mỹ trong một bài nói chuyện ở trung tâm CSIS.

Trả lời Zing.vn, giáo sư Carl Thayer (Australia) cho rằng, chuyến thăm là bước tiến đánh dấu sự công nhận của Mỹ về vai trò quan trọng của Đảng trong hệ thống chính trị Việt Nam, từ đó tăng cường lòng tin lẫn nhau. 

“Ý nghĩa quan trọng từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở chỗ nó để lại di sản (hợp tác) cho thế hệ lãnh đạo tương lai ở cả 2 quốc gia, đặc biệt khi hai nước sẽ có bộ máy lãnh đạo mới vào năm 2016”, ông nói. 

Báo Washington Times nhận định chuyến thăm “báo hiệu tầm quan trọng của quan hệ đối tác”, đồng thời cho rằng quan hệ Việt - Mỹ đang bước vào kỷ nguyên mới.

'Việt - Mỹ xóa tan nghi ngờ, tăng cường lòng tin'

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia trao đổi với Zing.vn về triển vọng quan hệ Việt - Mỹ sau cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama.

Việt - Mỹ và sự cân bằng giữa các nước lớn

"Xây dựng niềm tin và tôn trọng lẫn nhau là điểm nhấn trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", bà Phương Nguyễn, chuyên gia về Đông Nam Á của CSIS đánh giá.

Hồng Duy - Minh Anh - Hải Anh

Bạn có thể quan tâm