Cơ quan chức năng Mỹ nhận định các dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin đang chuyển sang chiến lược mới nhằm đạt được các mục tiêu lãnh thổ quan trọng, trong lúc tìm kiếm lợi thế để buộc chính phủ Ukraine chấp nhận trạng thái trung lập.
“Mục tiêu của Nga không hề thay đổi”, Daniel Fried - cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, người từng là đại sứ Mỹ tại Ba Lan - cho biết. "Điều đã thay đổi là chiến thuật của Nga".
Đánh giá về ý định Moscow, các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng Nga sẽ buộc Kyiv phải chấp nhận yêu cầu đối với vùng lãnh thổ phía nam và phía đông của Ukraine.
Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea và kiểm soát khu vực Donbas, Nga đang tìm cách đảm bảo thiết lập cầu nối trên bộ giữa miền Tây nước này và Crimea, đồng thời mở rộng quyền kiểm soát của Moscow với khu vực Donbas.
Moscow cũng tiếp tục gây áp lực quân sự, bao gồm cả việc tấn công các thành phố Ukraine. Tính toán này có thể khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ bỏ hy vọng gia nhập liên minh phương Tây, đồng ý với tình trạng trung lập và các yêu cầu khác của Nga, theo Wall Street Journal.
Các quan chức Mỹ cho rằng nếu các yêu cầu của Nga bị từ chối, Moscow sẽ cố gắng giữ được chiến trường hiện tại cùng các cơ sở mà lực lượng Nga đã chiếm giữ được.
“Dựa trên những đánh giá của chúng tôi về mặt quân sự, có vẻ như Nga đang quay lại các chiến thuật bao vây”, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Chiến lược bao vây
Đánh giá về "Kế hoạch B" của Nga, các quan chức Mỹ lưu ý lực lượng này có thể mở rộng mục tiêu nếu bắt đầu đạt được nhiều thành công hơn.
Tình trạng của Kyiv vẫn là câu hỏi ngỏ và trước sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine, không rõ liệu quân Nga có điều động thêm lực lượng để siết chặt bao vây thủ đô và tiến tới kiểm soát hay không.
Hiện tại, lực lượng Nga đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, bao gồm vấn đề trong khâu hậu cần, nguồn cung cấp đạn dược bị thu hẹp.
Ở Mariupol và các thành phố khác, Nga đang sử dụng một số chiến thuật bao vây chặt.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tòa nhà ở Mariupol bốc cháy sau các cuộc tấn công. Ảnh: Planet Labs. |
Tại Ukraine, Nga phải đối mặt với thách thức lớn khi tìm cách kiểm soát rất nhiều thành phố tại một quốc gia có 44 triệu dân sinh sống.
Sau nhiều tuần giao tranh, quân đội Nga đã tiến vào đường phố của thành phố cảng Mariupol. Đây là thành phố chiến lược nằm trên hành lang nối bán đảo Crimea, lãnh thổ Nga sáp nhập năm 2014, với vùng Donbas hiện do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát.
Nếu kiểm soát hoàn toàn Mariupol, Nga sẽ có thể hình thành trận tuyến bao vây các lực lượng vũ trang Ukraine ở khu vực miền Đông và tiến đánh các khu vực sâu bên trong nội địa Ukraine.
"Chúng tôi nhận thấy chủ ý nhắm mục tiêu vào các thành phố, thị trấn trong vài ngày qua", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hôm 20/3 trên CBS News.
Bản đồ tình hình chiến sự tính đến ngày ngày 17/3. Đồ họa: Bộ Quốc phòng Anh. |
Giữ nguyên yêu cầu đàm phán
Trong khi đó, sau nhiều vòng đàm phán, quan điểm của Ukraine và Nga vẫn còn nhiều khoảng cách trong các vấn đề chính.
Điện Kremlin yêu cầu chính phủ Tổng thống Zelensky công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, chính thức nhượng lại quyền kiểm soát khu vực Donbas và từ bỏ nguyện vọng hội nhập lâu dài với phương Tây, bao gồm cả mục tiêu cuối cùng là gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
John Herbst, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, đồng tình quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật trên chiến trường, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga xoay chuyển yêu cầu.
Ông Herbst cho rằng mục đích chính của Nga khi đồng ý đàm phán với Ukraine là để khuyến khích phương Tây nhượng bộ, đồng thời tạo ấn tượng cho công chúng Nga về sự cởi mở trong lĩnh vực ngoại giao. Ông lưu ý rằng Nga không cử quan chức cấp cao nhất tới các cuộc đàm phán.
"Tôi nghĩ Nga bắt đầu các cuộc đàm phán cấp thấp bởi họ nhận ra mọi thứ trên chiến trường không diễn ra như mong đợi", ông Herbst nói. "Nga vẫn đang cố giành lợi thế trên thực địa".
Hàng triệu người đã rời khỏi Ukraine sau gần 4 tuần giao tranh. Ảnh: New York Times. |
Tổng thống Zelensky vẫn đang tìm cách thuyết phục phương Tây thiết lập vùng cấm bay, mặc dù ý tưởng đã bị bác bỏ nhiều lần. Thay vào đó, Mỹ và NATO chuyển sang gửi nhiều hệ thống phòng không hơn đến Ukraine để Kyiv có thể tự bảo vệ không phận.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/3 tuyên bố quân đội nước này đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal nhắm vào một đơn vị quân sự ngầm ở miền Tây Ukraine.
Tên lửa Kh-47M2 Kinzhal (có nghĩa là “dao găm” trong tiếng Nga) là một hệ thống tên lửa đạn đạo siêu vượt âm không đối đất. Loại vũ khí này có tầm bắn trên 2.000 km, vận tốc gấp 10 lần tốc độ âm thanh và có thể thay đổi quỹ đạo để né tránh phòng không đối phương trong mọi giai đoạn khi bay.
Theo các chuyên gia, việc Nga xác nhận bắn 2 tên lửa siêu thanh trong những ngày gần đây nhằm chứng tỏ thiết lập vùng cấm bay không có ý nghĩa và họ có thể đánh bại bất kỳ hệ thống phòng không nào Ukraine sử dụng.
Việc Nga sử dụng hệ thống tên lửa siêu vượt âm đánh dấu bước leo thang mạnh mẽ trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng "tôi sẽ không coi đó là nhân tố xoay chuyển tình thế", Bộ trưởng Austin nói trong chương trình của đài CBS.
"Tôi nghĩ lý do (Nga) sử dụng những loại vũ khí này là để cố gắng thiết lập lại một số động lực”, ông nói, AFP đưa tin.