Theo Nikkei Asia, trong số 11 tân bộ trưởng chính phủ Myanmar, nhiều người từng tham gia vào chính quyền của cựu Tổng thống Thein Sein từ năm 2011 đến năm 2016. Đây cũng là giai đoạn tiến trình chuyển giao dân chủ vừa khởi động, thu hút nhiều đầu tư quốc tế, trước khi NLD và bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền.
Cụ thể, Thống tướng Min Aung Hlaing đã bổ nhiệm ông Wunna Maung Lwin trở lại ghế Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Win Shein được điều chuyển làm lãnh đạo Bộ Kế hoạch, Tài chính và Công nghiệp. Quân đội cũng đưa ông Aung Naing Oo, người từng làm việc cả trong chính quyền của NLD lẫn giai đoạn của Tổng thống Thein Sein, làm Bộ trưởng Đầu Tư và Quan hệ Kinh tế Đối ngoại.
Việc bổ nhiệm những nhân vật giàu kinh nghiệm vào nội các cho thấy quân đội Myanmar muốn hạn chế tác động tiêu cực từ vụ chính biến lên đầu tư nước ngoài ở mức thấp nhất.
Xe thiết giáp của quân đội Myanmar tuần tra tại thành phố Mandalay trong ngày 2/2. Ảnh: Reuters. |
Toàn bộ quyền lực tại Myanmar đã trở về kiểm soát của quân đội vào ngày 1/2 sau khi họ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, với thời hạn 1 năm. Bà Suu Kyi cùng các lãnh đạo NLD bị bắt giữ.
Quân đội hủy kết quả tổng tuyển cử tháng 11/2020 với cáo buộc gian lận danh sách cử tri. Chính quyền của Thống tướng Min Aung Hlaing cam kết sẽ tổ chức bầu cử lại một cách công bằng và tự do một khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.
Trong khi đó, Ủy ban Điều hành NLD ngày 2/2 tiếp tục kêu gọi quân đội trả lập tức tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, cùng với các thành viên khác.
Thông cáo của NLD đồng thời yêu cầu quân đội thừa nhận kết quả tổng tuyển cử và chiến thắng của đảng này, để cho kỳ họp quốc hội diễn ra trong tuần này theo đúng kế hoạch.