Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quân đội Mỹ mạnh đến mức nào?

Viện nghiên cứu chiến lược Mỹ nhận định, chỉ Không quân Mỹ có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, các lực lượng còn lại ở mức trung bình.

a
Heritage Foundation nhận định, quân đội Mỹ không đủ khả năng để duy trì hai cuộc chiến cùng lúc ở những khu vực chiến lược quan trọng. Ảnh: Autoevolution

Gần đây, Viện nghiên cứu chiến lược Mỹ Heritage Foundation có trụ sở tại Washington DC đã công bố bản báo cáo “Chỉ số sức mạnh quân sự Mỹ năm 2015”. Heritage Foundation đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: Khả năng bảo vệ đất nước, hoàn thành các nhiệm vụ chiến đấu ở hai khu vực cùng lúc và đảm bảo quyền tự do đi lại.

Báo cáo của Heritage Foundation kết luận rằng, quân đội Mỹ hiện nay chỉ có khả năng ứng phó xung đột quân sự trong một khu vực và tham gia một số hoạt động nhỏ ở khu vực khác. Rõ ràng, đây là những gì quân đội Mỹ thực hiện trong hơn hai thập kỷ qua.

Rất khó để quân đội Mỹ có thể làm nhiều hơn những gì đang có do thiếu trang bị để giải quyết hai cuộc xung đột cùng lúc ở các khu vực quốc phòng chiến lược.

Dakota L. Wood, cựu thủy quân lục chiến Mỹ hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Heritage Foundation nói: “Sự thiếu nhất quán trong kế hoạch tài trợ ngân sách và việc cắt giảm một số lực lượng đã tạo nên những áp lực đáng kể. Thiết bị cũ ngày một gia tăng trong khi các chương trình thay thế bị trì hoãn. Hậu quả là một quân đội Mỹ chỉ vừa đủ để bảo vệ lợi ích quốc gia ở một số khu vực quan trọng”.

e
Lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới chỉ được Heritage Foundation đánh giá ở mức trung bình. Ảnh: Comicvine

Theo thang điểm mà Heritage Foundation đưa ra từ “rất yếu” tới “rất mạnh”, các lực lượng vũ trang của Mỹ được đánh giá như sau:

Lục quân là lực lượng yếu nhất và mức độ sẵn sàng chiến đấu không cao. Heritage Foundation xếp Hải quân Mỹ ở mức trung bình với khả năng sẵn sàng tham chiến khá mạnh. Tuy vậy, trong tương lai gần, hải quân gặp một số vấn đề gây ảnh hưởng đến khả năng triển khai lực lượng do phần lớn trang thiết bị đã cũ.

Thủy quân lục chiến Mỹ được đánh giá ở mức trung bình. Năng lực của họ bị hạn chế do chương trình thay thế phương tiện mặt đất quan trọng đang gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ đang tụt hậu nghiêm trọng về tốc độ hiện đại hóa để có thể răn đe các đối thủ tiềm tàng. Các loại vũ khí hạt nhân đều có thiết kế cũ, hoàn toàn trái ngược với những dự án vũ khí hiện đại của các đối thủ cạnh tranh.

Không quân Mỹ được đánh giá cao nhất về khả năng và mức độ phản ứng nhanh với các cuộc chiến. Đây là lực lượng duy nhất có thể đáp ứng hai cuộc chiến cùng lúc. Tuy nhiên, nhiều máy bay chiến đấu đã lạc hậu.

Dẫu vậy, The Diplomat nhận định bản báo cáo của Heritage Foundation có phần chủ quan và không phản ánh đúng các mối đe dọa mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Tạp chí này cho rằng, khi đánh giá sức mạnh quân sự của một quốc gia nào đó cần phải so sánh và phân tích trong điều kiện tuyệt đối và tương đối.

Heritage Foundation không đánh giá các nguồn lực mà nước Mỹ có thể bỏ ra để đáp ứng các mối đe dọa. Do thiếu những phân tích vững chắc về sức mạnh quân sự tương đối nên bản báo cáo tổng thể kém thuyết phục.

Những siêu vũ khí sở hữu công nghệ tương lai của quân đội Mỹ

Pháo điện từ, vũ khí laser hay máy bay siêu thanh là 3 trong những vũ khí sở hữu công nghệ tối tân mà quân đội Mỹ đang đầu tư tiền của để phát triển.

5 vũ khí đáng sợ nhất của Mỹ trong chiến tranh hiện đại

Trực thăng tấn công AH-64 Apache, xe tăng chủ lực M1 Abrams hay súng máy hạng nặng M2 là 3 trong số 5 loại vũ khí đáng gờm nhất của Mỹ.

Đức Hải

Bạn có thể quan tâm