Mức độ canh phòng dọc theo khu phi quân sự (DMZ) tại biên giới liên Triều đang bị đặt nhiều nghi vấn trong thời gian gần đây, với nhiều vụ vượt biên liên tục xảy ra. DMZ luôn được ví von là đường biên giới được vũ trang "tận răng", với an ninh nghiêm ngặt nhất thế giới.
Theo Wall Street Journal, vụ đào tẩu tuần qua khiến giới lập pháp và chuyên gia quân sự thêm lo ngại về những bất cập trong tuần tra biên giới giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Người đào tẩu đã bơi qua biển, chui vào một cống thoát nước, xuất hiện trên camera quân đội khoảng 8 lần, trốn suốt 6 tiếng và kích hoạt báo động đến 2 lần trước khi bị quân đội Hàn Quốc bắt giữ.
Phát biểu tại buổi điều trần ngày 23/3 của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc về vụ việc, nhà lập pháp đảng đối lập Shin Won Sik chất vấn vì sao quân đội không biết đến khu vực cống thoát nước mà người đào tẩu Triều Tiên đã sử dụng.
"Ở đó cũng chẳng có bãi mìn nào. Thiếu sót cho thấy chúng ta đã không kiểm tra đến nơi đến chốn địa hình", ông Shin chỉ trích.
Biên phòng Hàn Quốc khảo sát dọc theo hàng rào bao quanh DMZ, chia cách hai miền bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Getty. |
Đây không phải là vụ người đào tẩu Triều Tiên vượt rào duy nhất xảy ra trong thời gian gần đây. Vào tháng 11/2020, một người đàn ông Triều Tiên đã leo qua hàng rào biên giới cao hơn 3 m và trốn biên phòng phát hiện hơn nửa ngày trời. Điều tra viên quân sự sau đó xác minh nguyên nhân cảm biến chuyển động không kích hoạt báo động là do đinh ốc hàng rào không chặt.
Tháng 7/2020, Hàn Quốc lại phát hiện một người Triều Tiên trốn xuống phía nam biên giới rồi lại bỏ chạy ngược về Triều Tiên, có khả năng đã nhiễm virus corona. Người này xuất hiện đến 7 lần trên hệ thống camera giám sát và máy dò nhiệt độ.
Cho đến nay, Hàn Quốc đã đón nhận khoảng 33.000 người Triều Tiên đến định cư. Đa số các trường hợp đào tẩu đều bỏ trốn sang một nước thứ ba, trước khi xin tái định cư với nhà chức trách Hàn Quốc. Việc đào tẩu trực tiếp qua DMZ là rất hiếm.
Việc duy trì giám sát DMZ từng ngày, từng giờ là nhiệm vụ ngày một khó khăn đối với lực lượng biên phòng Hàn Quốc. Quân số thường trực của nước này đang có xu hướng giảm do tỷ lệ sinh thấp thời gian qua và kế hoạch giảm thời hạn nghĩa vụ quân sự xuống 18 tháng. Từ 600.000 người tính vào năm 2019, quân số của Hàn Quốc dự kiến giảm còn 530.000 người vào cuối năm 2021.
Quân số thấp và thời hạn nghĩa vụ ngắn hơn trước sẽ tăng áp lực lên việc giám sát an ninh biên giới liên Triều. Lee Sang Ho, chuyên gia Đại học Daejeon và là cố vấn cho quân đội Hàn Quốc, cảnh báo quân nhân nhập ngũ không có đủ thời gian rèn luyện để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ an toàn.
"Chúng ta cần điều chỉnh mô hình. Công việc của quân đội là phòng vệ trước chiến tranh, thay vì chỉ canh chừng một vài người trốn sang", Kim Young Jun, giáo sư ở Đại học Quốc phòng Hàn Quốc, còn cho rằng chính quyền Seoul nên cân nhắc thuê công ty tư nhân giám sát biên giới thay cho quân đội.