Những người này đã ngồi trong phiên họp của cơ quan nghề cá tại diễn đàn, nơi bà Harris thông báo về việc Mỹ sẽ tăng cường hoạt động trong khu vực, được cho là để đáp lại tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, theo Guardian.
Họ đã ngồi lẫn trong đội ngũ truyền thông, nhưng một người sau đó bị Lice Movono - nhà báo người Fiji đưa tin về sự kiện cho Guardian - phát hiện là quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc.
Movono cho biết cô “nhận ra người này vì đã tiếp xúc với anh ta ít nhất ba lần”, bao gồm trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Suva vào tháng 6. Các nhà báo không được tham gia sự kiện này và bị cấm đặt câu hỏi.
Hai quan chức Trung Quốc theo dõi bài phát biểu của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở Fiji trước khi được yêu cầu rời cuộc họp. Ảnh: AFP. |
“Anh ta là một trong những người đã đuổi chúng tôi khỏi các địa điểm và chỉ đạo những người khác làm như vậy”, cô nói.
“Vì vậy, tôi đến gặp người này và hỏi: 'Anh đến đây với tư cách là quan chức Đại sứ quán Trung Quốc hay Tân Hoa Xã (hãng thông tấn Trung Quốc), bởi đây là không gian dành cho truyền thông’. Và anh ta lắc đầu như để biểu thị rằng không nói được tiếng Anh”, cô cho biết thêm.
Movono đã cảnh báo cho các nhân viên Fiji và thông báo với cảnh sát. Cảnh sát sau đó đã đưa hai người đàn ông ra khỏi phòng. Họ không trả lời các câu hỏi từ truyền thông.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, bao gồm ký hiệp ước an ninh gây tranh cãi cùng Quần đảo Solomon. Ngoại trưởng Trung Quốc mới đây cũng có chuyến thăm nhiều ngày đến các quần đảo Thái Bình Dương, với hơn 50 thỏa thuận được cho là đã ký kết.
Trung Quốc không nằm trong Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, nhưng cũng giống như Mỹ, là một quốc gia đối tác.
Các quốc gia đối tác thường được mời tham dự cuộc họp đối thoại sau diễn đàn. Nhưng năm nay, đối thoại đối tác sẽ không được tổ chức trong tuần diễn ra hội nghị thượng đỉnh, nhằm giảm bớt áp lực địa chính trị.