Vu Hồ - một trung tâm chế tạo với gần 4 triệu dân tại tỉnh An Huy, Trung Quốc - chỉ ghi nhận tỷ suất sinh là 1,11 trong năm 2020, kém xa tỷ suất sinh thay thế 2,1, theo số liệu được cơ quan thống kê đăng tải. Đây là “mức cực kỳ thấp”, khiến thành phố đứng trước nguy cơ suy giảm dân số tự nhiên, giới chức địa phương cho biết.
Dù được gỡ khỏi Internet sau đó, số liệu này đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội tại quốc gia đông dân nhất thế giới, South China Morning Post đưa tin.
Tình hình tại Vu Hồ phản ánh một nguy cơ hiện hữu đối với Trung Quốc: Suy giảm dân số, sau hàng thập kỷ gia tăng.
Các con số báo động
Theo số liệu của cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, dân số nước này chỉ tăng nhẹ trong năm 2021 - từ 1,41212 tỷ lên 1,41260 tỷ dân. Đây là mức tăng thấp kỷ lục trong nhiều năm. Một thập kỷ trước đó, con số này là khoảng 8 triệu.
Dù không thể phủ nhận những khó khăn gây ra bởi đại dịch Covid-19 góp phần khiến người Trung Quốc ngại sinh đẻ hơn, xu thế này đã tồn tại trong nhiều năm.
Người Trung Quốc đang ngại sinh đẻ hơn. Ảnh: Business Insider. |
Tỷ suất sinh tại Trung Quốc trong cuối những năm 1980 là 2,6 - vượt xa tỷ suất sinh thay thế 2,1. Tới năm 1994, con số này rơi xuống mức 1,6-1,7, theo BBC.
Tới năm 2020, con số này còn 1,3. Một năm sau, tỷ suất sinh tại Trung Quốc rơi đột ngột xuống còn 1,15.
Để so sánh, tỷ suất sinh của Mỹ và Australia rơi vào khoảng 1,6. Tại Nhật Bản, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng, con số này là 1,3.
Tình trạng này xảy ra bất chấp việc Trung Quốc đã từ bỏ “chính sách một con” vào năm 2016, thậm chí cho phép các gia đình sinh 3 con vào năm 2021. Nước này cũng đã đề xuất nhiều gói hỗ trợ cho các gia đình sinh thêm con.
Các nhà phân tích vẫn đang có đánh giá khác biệt về nguyên nhân phụ nữ Trung Quốc từ chối sinh con, bất chấp sự vận động của chính phủ. Một số cho rằng người Trung Quốc đã quá quen với các gia đình nhỏ, số khác đề cập đến chi phí sinh hoạt, trong khi số khác nữa cho rằng các gia đình ngại sinh con hơn khi tuổi kết hôn gia tăng.
Thêm vào đó, số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại Trung Quốc cũng có thể là một nguyên nhân. Do “chính sách một con” trước đây, nhiều gia đình ưu tiên đẻ con trai, khiến tỷ lệ nam/nữ khi sinh tăng đến 120 nam/100 nữ, thậm chí là 130 nam/100 nữ ở một số địa phương.
Tỷ lệ gia tăng dân số tại Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau nạn đói những năm 1959-1961, chỉ đạt 0,34/1.000 dân vào năm 2021. Theo đánh giá của một nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, dân số Trung Quốc thậm chí sẽ giảm ở mức 0,49/1.000 dân trong năm 2022, BBC đưa tin.
Nếu trở thành sự thật, đây sẽ là lần đầu tiên dân số Trung Quốc sụt giảm kể từ nạn đói 1959-1961. Thời điểm này đến sớm hơn so với hầu hết dự báo trước đây.
Một nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc năm 2019 dự báo dân số nước này sẽ đạt đỉnh 1,44 tỷ dân vào năm 2029. Báo cáo Triển vọng Dân số thế giới năm 2019 của Liên Hợp Quốc dự đoán dân số Trung Quốc sẽ lên mức cao nhất vào khoảng năm 2031-2032, với 1,46 tỷ dân.
Báo cáo dân số mới được Liên Hợp Quốc công bố hôm 11/7 dự báo Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023.
Tác động tiêu cực
Các nhà khoa học tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải dự báo tỷ lệ sụt giảm dân số tại Trung Quốc đạt mức trung bình 1,1% sau năm 2021, khiến dân số nước này giảm còn 587 triệu người năm 2100 - chưa bằng một nửa con số hiện nay.
Giả định đằng sau đánh giá này là tỷ suất sinh của Trung Quốc sẽ giảm từ 1,15 xuống 1,1 từ nay đến năm 2030, và sẽ giữ ổn định ở con số này đến cuối thế kỷ 21.
Dân số Trung Quốc được dự báo sẽ sớm bị Ấn Độ vượt qua trong những năm tới. Ảnh: AFP. |
Số dân Trung Quốc trong độ tuổi lao động đã đạt đỉnh vào năm 2014 và được dự báo sẽ giảm xuống dưới một phần ba con số này vào năm 2010. Ở chiều người lại, số lượng dân số già (trên 65 tuổi) tại Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng, thậm chí có thể vượt qua số dân trong độ tuổi lao động vào năm 2080.
Điều này có nghĩa rằng tới năm 2100, 100 người trong độ tuổi lao động tại Trung Quốc sẽ phải hỗ trợ 120 người cao tuổi - tăng gấp 6 lần so với tỷ lệ hiện nay.
Sự sụt giảm dân số sẽ để lại tác động to lớn đến nền kinh tế Trung Quốc, khiến tỷ lệ tăng trưởng của nước này quay đầu giảm - trừ khi năng suất lao động tăng mạnh.
Chi phí lao động gia tăng và số lượng lao động giảm tại Trung Quốc đang khiến các nhà đầu tư chuyển khâu sản xuất từ quốc gia Đông Bắc Á này đến các nước khác có dân số trẻ hơn ở Nam Á hay Đông Nam Á.
Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ phải chi nhiều hơn cho y tế hay dịch vụ chăm sóc người cao tuổi để đáp ứng nhu cầu của dân số đang ngày càng già hóa.
Theo mô hình của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (CoPS) tại Đại học Victoria, Australia, nếu hệ thống lương hưu tại Trung Quốc không thay đổi, tỷ lệ lương hưu trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng từ 4% năm 2020 lên 20% năm 2100.
Ngay từ lúc này, một số địa phương Trung Quốc đã phải hành động để đối phó với nguy cơ dân số suy giảm. Cơ quan thống kê Vu Hồ khuyến cáo địa phương này xây dựng một “xã hội thân thiện với việc sinh nở”.
Theo đó, giới chức thành phố cần cải thiện chế độ nghỉ phép của người bố, cũng như chăm sóc y tế cho bà mẹ.
Ngoài ra, giới chức Vu Hồ cũng chỉ ra các chính sách giúp cắt giảm chi phí nuôi con và giáo dục, cũng như cơ chế hỗ trợ qua cắt giảm thuế và cung cấp nhà ở sẽ giúp cải thiện tình trạng dân số trong thành phố, theo South China Morning Post.