Tỷ phú Elon Musk thảo luận về Starlink trong một sự kiện công nghệ tại Barcelona (Tây Ban Nha) năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Nhận định trên được ông Vorontsov, người đang là phó lãnh đạo cơ quan chống phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga, đưa ra hôm 26/10 trong một cuộc họp của Liên Hợp Quốc, Reuters cho biết.
“Các cơ sở hạ tầng giả như dân sự có thể trở thành mục tiêu trả đũa hợp pháp”, ông Vorontsov nói, cáo buộc Mỹ và đồng minh sử dụng các thiết bị thương mại ở ngoài không gian cho mục đích quân sự.
Trong bài phát biểu, ông Vorontsov không đề cập trực tiếp đến hệ thống Starlink. Dù vậy, đài RT của Nga nhận định đây là “lời đe dọa ngầm với các vệ tinh Starlink của ông Musk”.
Ngay sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Ukraine hôm 24/2, tỷ phú Elon Musk đã gửi các thiết bị liên lạc qua vệ tinh Starlink cho Ukraine để giúp nước này bảo đảm kênh liên lạc ổn định giữa chiến sự.
Tuy nhiên, CNN cho biết hồi tháng 9, SpaceX - công ty phát triển Starlink - gửi thư cho Lầu Năm Góc để nói rằng họ không thể tiếp tục tài trợ cho dịch vụ này như trước.
Trên mạng xã hội, ông Musk tuyên bố SpaceX phải chi tới khoảng 20 triệu USD mỗi tháng để đảm bảo dịch vụ Starlink cho Ukraine, bao gồm chi phí phòng vệ trước các cuộc tấn công tiềm tàng.
Dù vậy, hôm 15/10, ông Musk thông báo sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ Starlink cho Ukraine. Hai ngày sau, ông khẳng định SpaceX đã rút lại yêu cầu tài trợ tiền cho hệ thống Starlink của mình.
"Dù Starlink vẫn thua lỗ và các công ty khác đang nhận được hàng tỷ USD từ người đóng thuế, chúng tôi sẽ tiếp tục tài trợ cho chính phủ Ukraine miễn phí", ông Musk viết trên Twitter.