Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 13/4 cảnh báo tàu chiến của Mỹ tránh xa khu vực. Ông Ryabkov cũng gọi việc Mỹ điều hai tàu chiến vào biển Đen là hành động “mang tính khiêu khích”, Reuters đưa tin.
"Tàu Mỹ không việc gì phải đến gần bờ biển của chúng tôi. Đây hoàn toàn là một hành động khiêu khích. Họ đang thử thách sức mạnh và quấy rối chúng tôi. Họ sẽ không thành công", ông Ryabkov phát biểu.
"Tốt hơn hết Mỹ nên tránh xa Crimea và bờ biển của chúng tôi", nhà ngoại giao này nói thêm.
Hai tàu chiến của Mỹ đang trên đường đến biển Đen và sẽ ở lại khu vực này cho đến ngày 4/5, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ngày 9/4.
Lầu Năm Góc từ chối nói về việc triển khai tàu và chỉ cho biết quân đội Mỹ thường xuyên đưa tàu đến khu vực.
Theo hãng tin RIA, ông Ryabkov cũng nói Moscow đang và sẽ tiếp tục bảo vệ các cư dân ở khu vực Donbass phía đông Ukraine do phe ly khai thân Nga kiểm soát.
“Chúng tôi chỉ đang bảo vệ lợi ích của mình và của người dân", ông Ryabkov phát biểu.
Căng thẳng tại khu vực biên giới Nga và Ukraine đã leo thang trong thời gian gần đây sau khi Moscow tăng cường triển khai quân đội áp sát Ukraine.
Lực lượng của chính phủ Ukraine tại giới tuyến ngăn cách với khu vực do phe ly khai kiểm soát ở phía đông nước này. Ảnh: Reuters. |
Để đáp trả Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần rồi kêu gọi phương Tây tăng cường hiện diện trong khu vực. Ông Zelensky cũng thúc giục NATO nhanh chóng thông qua việc Ukraine gia nhập liên minhnày.
Ukraine kỳ vọng vào sự hỗ trợ của các đồng minh để đương đầu với Nga trong việc giải quyết bất đồng.
Tuy nhiên, Moscow cảnh báo việc Ukraine gia nhập NATO có thể dẫn đến leo thang căng thẳng ở quy mô lớn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12/4 cam kết “ủng hộ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” trong cuộc điện đàm với ông Zelensky, theo thông cáo của Nhà Trắng.
Ngoại trưởng các nước G7 - gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản - ngày 12/4 cũng kêu gọi Nga ngừng "các hành động khiêu khích" và "giảm leo thang căng thẳng" trong khu vực.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine đổ vỡ sau bất ổn chính trị năm 2014, với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Không lâu sau đó, phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine nổi dậy đòi độc lập. Phe ly khai nắm quyền kiểm soát các vùng Donetsk và Luhansk, lập ra hai nước cộng hòa tự xưng.