Tuy nhiên, vị quan chức trên nhận định rằng một cuộc tấn công toàn diện sẽ có thể "đến bất cứ lúc nào". Một quan chức khác cho biết Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi đường lối ngoại giao với Nga cho đến khi "xe tăng lăn bánh", theo Reuters.
Vị quan chức đầu tiên cho biết Nga đưa quân vào các khu vực ly khai không phải là một hành động khác với những gì Moscow đã làm. Đó cũng là lý do Mỹ không kích hoạt các lệnh trừng phạt rộng lớn hơn, vị này cho biết.
"Đây không phải là một cuộc tấn công nữa, vì đó là lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng”, ông cho biết thêm.
Nga quyết định đưa quân vào vùng ly khai thuộc Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, vị quan chức còn lại cho biết việc Nga đưa quân vào khu vực Donbas thuộc miền Đông Ukraine cũng "không phải là điều mới mẻ".
"Quân đội Nga tiến vào Donbas không phải là một bước tiến mới. Nga đã có lực lượng ở khu vực Donbas trong 8 năm qua... Họ đang đưa ra quyết định để thực hiện điều này một cách công khai và cởi mở hơn”, ông cho biết.
"Nga tiếp tục leo thang cuộc khủng hoảng mà họ đã tạo ra ngay từ đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi ngoại giao cho đến khi xe tăng lăn bánh, nhưng không ảo tưởng về những gì có thể xảy ra tiếp theo", ông nhận định.
Sau khi ông Putin quyết định công nhận độc lập ở hai vùng ly khai của Ukraine, Nhà Trắng đã nhanh chóng thông báo sẽ ngăn chặn đầu tư của Mỹ vào khu vực này.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết các biện pháp bổ sung sẽ được công bố vào ngày 22/2. Tuy nhiên, chúng đều tách biệt với một loạt biện pháp trừng phạt mà Washington đã hứa sẽ thực hiện nếu Nga tấn công Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Putin ra lệnh cho lực lượng “duy trì hòa bình” tới vùng ly khai ở miền Đông Ukraine, vài giờ sau khi Điện Kremlin công nhận độc lập của khu vực này.
Vào tháng một, ông Biden đã tìm cách làm rõ những gì Mỹ sẽ coi là một cuộc tấn công.
“Nếu có bất kỳ đơn vị được tập hợp nào của Nga di chuyển qua biên giới Ukraine, đó sẽ là một cuộc tấn công”, ông cho biết.