Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Wendy Sherman sẽ tới Nhật Bản, Hàn Quốc, và Mông Cổ trong các ngày 18-25/7 để trao đổi nhiều vấn đề, bao gồm phản ứng đại dịch và biến đổi khí hậu.
Sau khi chuyến đi trên kết thúc, bà Sherman có thể hạ cánh xuống Thiên Tân để thăm Trung Quốc. Tuy nhiên, hai bên vẫn đang trao đổi về chi tiết của cuộc gặp và chưa sẵn sàng đưa ra thông báo chính thức, South China Morning Post hôm 16/7 dẫn một số nguồn tin.
Những tranh cãi về chi tiết chuyến đi khiến Washington càng củng cố niềm tin rằng mình cần đứng trên nền tảng vững chắc khi bước vào cuộc gặp với Bắc Kinh.
Quan chức ngoại giao cấp cao 2 nước đã có cuộc nói chuyện nảy lửa trong hội nghị hồi tháng 3 tại bang Alaska, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Thứ trưởng Mỹ muốn gặp thân tín của ông Tập
Các nguồn tin cho biết Trung Quốc dự định để Tạ Phong, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách vấn đề châu Mỹ, gặp gỡ bà Sherman trong cuộc gặp chính thức.
Ông Tạ từng là ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong và cũng là “người phát ngôn” về tình hình Tân Cương. Hai phương diện trên là vấn đề cốt lõi gây vướng mắc trong quan hệ Mỹ - Trung.
Đồng thời, để tỏ lòng chân thành từ phía Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng sẽ tiếp Thứ trưởng Sherman.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Sherman và nhóm sắp xếp chuyến thăm được cho là muốn tiếp xúc trực tiếp với những người thân tín bên cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước đó, trong một sự kiện ở Đại học Standford (Mỹ) vào tháng 5, điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Kurt Campbell cũng từng bày tỏ sự thất vọng khi Mỹ chưa thể nói chuyện với thân tín của ông Tập.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, khâu chuẩn bị cho chuyến đi này có thể sẽ càng trở nên phức tạp vì Mỹ dự định áp lệnh trừng phạt mới đối với các quan chức Trung Quốc về vấn đề Hong Kong. Ngày 16/7, Mỹ cũng cảnh báo các doanh nghiệp của nước này về rủi ro khi hoạt động tại Hong Kong.
Bắc Kinh chắc chắn sẽ đáp trả trước những động thái trên của Washington và điều này sẽ càng làm quan hệ 2 nước thêm lạnh nhạt.
Nếu diễn ra, cuộc gặp của bà Sherman sẽ đánh dấu lần đầu tiên quan chức ngoại giao cấp cao 2 nước nói chuyện trực tiếp sau lần đối thoại nảy lửa tại bang Alaska, Mỹ hồi tháng 3.
“Phía Trung Quốc và Mỹ đang bàn bạc về chi tiết của cuộc gặp. Cuộc gặp tạm thời vẫn sẽ được tổ chức”, một nguồn tin trả lời South China Morning Post.
"Bóng ma" cuộc gặp bất thành trong quá khứ
Cuộc thương lượng lúc này giữa Mỹ và Trung Quốc mang bóng dáng cuộc gặp không thành trước đó giữa lãnh đạo quân đội 2 nước.
Đầu năm 2021, Mỹ muốn Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin được gặp thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, một trong 2 phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Tướng Hứa là quan chức quân đội cấp cao thứ 2 của Trung Quốc, chỉ sau ông Tập - Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối và chỉ đề xuất cho tướng Austin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Xét về cấp bậc quân đội, ông Ngụy đứng dưới tướng Hứa và tướng Trương Hựu Hiệp - phó chủ tịch thứ 2 của Quân ủy Trung ương.
Trung Quốc từ chối cho Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Bloomberg. |
Cuối cùng, cuộc gặp lãnh đạo quân đội Mỹ - Trung không diễn ra vì 2 bên không thể nhất trí.
Sự việc lần trước và sắp tới cùng thể hiện tầm quan trọng gắn liền với quy trình ngoại giao của cả 2 phía, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh. Cả 2 đều không muốn bị nhìn nhận là yếu thế hoặc bất lợi khi ngồi vào bàn trao đổi.
Nếu 2 bên có thể tránh được đổ vỡ như trước đó, bà Sherman sẽ trao đổi với quan chức Trung Quốc về khả năng tổ chức cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Vương Nghị.
Điều này sẽ đặt nền móng cho cuộc gặp thượng đỉnh được mong chờ từ lâu giữa Chủ tịch Tập và người đồng cấp Mỹ Joe Biden.
Nền tảng cho thượng đỉnh Mỹ - Trung
Ông Tập và ông Biden cùng tham dự một hội nghị đặc biệt trong khuôn khổ APEC do New Zealand chủ trì vào tối hôm 16/7 (giờ địa phương). Vì diễn đàn được tổ chức trực tuyến, 2 người không có thời gian giao lưu.
Một số phỏng đoán cho rằng 2 nhà lãnh đạo sẽ trao đổi trong cuộc họp G20 tại Italy vào tháng 10. Việc bà Sherman có đến thăm Trung Quốc hay không sẽ là tín hiệu rõ nhất cho thấy khả năng phỏng đoán trở thành sự thật.
Nếu diễn ra, chuyến thăm Trung Quốc của bà Sherman có thể đặt nền móng cho cuộc gặp thượng đỉnh được mong chờ từ lâu giữa Chủ tịch Tập và người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters. |
Cả Bắc Kinh và Trung Quốc đều đang chạy đua để nắm thế thượng phong trong lúc cạnh tranh giữa 2 bên tiếp tục gia tăng.
Mỹ từng nói sẽ đứng ở vị trí có ưu thế để ứng xử với Trung Quốc, cũng như tăng cường sức ép bằng cách lôi kéo đồng minh kiềm chế Trung Quốc.
Trong lúc đó, Bắc Kinh khẳng định sẽ không nhượng bộ và kêu gọi Washington thể hiện sự chân thành.
Quan hệ 2 nước vẫn căng thẳng trên nhiều vấn đề, trong đó có Biển Đông và Đài Loan. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán 2 bên cũng sẽ hợp tác trong chừng mực, trên phương diện biến đổi khí hậu và các vấn đề khu vực liên quan tới Iran và Triều Tiên.