Vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, không được quản lý và không khai báo của những đội tàu cá xa bờ, đặc biệt là đội tàu cá quy mô lớn của Trung Quốc, đã được các quan chức chính phủ Mỹ nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 17/11.
"Đây là vấn đề gây nhiều lo ngại trên khắp thế giới và cả với chính phủ Mỹ. Nó đặc biệt gây lo ngại ở châu Á và toàn bộ Thái Bình Dương, từ Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á đến những quần đảo Thái Bình Dương", Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Feith - chuyên trách các vấn đề khu vực, chính sách an ninh và vấn đề đa phương thuộc Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - chia sẻ.
"Trên những vùng biển rộng lớn này là những ngư trường phong phú nhất của thế giới. Đây cũng là nơi có tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không được quản lý và không khai báo nghiêm trọng nhất thế giới - đặc biệt là từ những đội tàu cá đến từ Trung Quốc", ông nhấn mạnh.
Một tàu hải quân Ecuador xua đuổi tàu đánh cá vào ngày 7/8 sau khi một đội tàu chủ yếu mang cờ Trung Quốc bị phát hiện ở Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters. |
"Tình trạng này khớp với kiểu hành xử mà chúng tôi đã nhận thấy ở Trung Quốc - từ đánh bắt cá bất hợp pháp trên các vùng biển, đến sự hủy hoại môi trường biển tại Biển Đông, rồi bóp nghẹt dòng chảy của sông Mekong. Những điều này đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế, chủ quyền và an ninh của hàng loạt quốc gia", ông David Feith nhấn mạnh.
Tàu cá Trung Quốc càn quét khắp nơi
Trả lời các phóng viên quốc tế trong cuộc họp báo qua điện thoại, ông David Hogan - quyền Giám đốc Phòng Bảo tồn Biển, thuộc Cục Khoa học, Môi trường Quốc tế và Đại dương của Bộ Ngoại giao Mỹ - lưu ý tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp đang diễn ra trên khắp thế giới, với sự xuất hiện của tàu cá đến từ nhiều nước khác.
Ông nói chính phủ Mỹ có cách tiếp cận thống nhất đối với mọi quốc gia về vấn đề này, kêu gọi các chính phủ liên quan tăng cường trách nhiệm.
"Tuy nhiên, nếu chúng ta xét về số lượng tàu của Trung Quốc, thậm chí chỉ tính riêng ở khu vực Đông Nam Á, nước này chính là ưu tiên hàng đầu. Những yếu tố quan trọng nhất cần đề cập là lượng cá được đánh bắt và tác động lên hệ sinh thái biển. Đó mới chính là lý do nước này trở thành ưu tiên của chúng tôi", ông Hogan nhấn mạnh.
Theo Phó trợ lý Ngoại trưởng David Feith, Trung Quốc là nước có đội tàu cá viễn dương lớn nhất thế giới. Đội tàu còn được trợ cấp từ chính quyền.
Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Feith - chuyên trách các vấn đề khu vực, chính sách an ninh và vấn đề đa phương thuộc Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ. |
"Tàu cá mang cờ Trung Quốc đã đánh bắt bất hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ven biển trên toàn cầu, từ Tây Thái Bình Dương đến Trung Thái Bình Dương, đến cả bờ biển châu Phi và Nam Mỹ. Tình trạng này gồm cả đánh bắt không giấy phép lẫn những thỏa thuận cấp phép khai thác quá mức", ông Feith cho biết.
Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ còn lưu ý tình trạng những tàu cá vô danh (không công bố là tàu của nước nào) khai thác trái phép tại một số khu vực, đơn cử là Bắc Thái Bình Dương, đã được phát hiện có dấu hiệu đăng kiểm tại Trung Quốc.
"Ngoài ra, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc, ước tính có hơn 3.000 tàu, đang cố tình hành xử hung hăng ở những vùng biển quốc tế lẫn trong lãnh hải của những nước khác", ông nói.
Theo nghiên cứu của Viện Phát triển Hải ngoại (trụ sở tại Anh), Trung Quốc có đội tàu đánh cá xa bờ lớn nhất thế giới với gần 17.000 tàu. Trong số đó, có 1.000 tàu “treo cờ thuận tiện”, tức tàu đăng ký và treo cờ của quốc gia khác.
Theo David Feith, chiến lược của Trung Quốc nhằm "cưỡng ép, đe dọa những tàu cá hợp pháp" và phục vụ các mục tiêu chiến lược biển dài hạn của giới lãnh đạo Trung Quốc.
"Trung Quốc khẳng định họ là quốc gia đánh bắt cá có trách nhiệm, với 'chính sách không khoan nhượng' về đánh bắt cá bất hợp pháp. Đáng tiếc là dữ liệu lại cho thấy thực trạng khác... Trung Quốc bị Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm Xuyên quốc gia xếp hạng là nước vi phạm đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo nghiêm trọng nhất trên thế giới", ông nói.
Vị quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng dẫn lại thông tin từ tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học Pew Charitable Trusts. Ông cáo buộc những bến cảng tại Trung Quốc được đánh giá là nơi nhiều khả năng nhất sẽ tiếp nhận hải sản khai thác trái phép.
Kêu gọi hợp tác quốc tế
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này xem việc chống tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo là một ưu tiên chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.
"Vào thời điểm này, đây có thể là một trong những mối đe dọa an ninh biển cao nhất nếu xét về nguy cơ đối với giá trị kinh tế của các ngành đánh bắt hải sản", ông Hogan chia sẻ.
Theo các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này đang thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn lực giám sát ngư nghiệp và lực lượng chấp pháp của một số nước trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
Một tàu câu mực quy mô lớn của Trung Quốc neo đậu tại đảo Ulleung của Hàn Quốc. Ảnh: Cơ quan Ngư nghiệp Hàn Quốc. |
"Điều quan trọng là các nước cần hiểu ngư nghiệp không tách biệt khỏi vấn đề an ninh biển. Nó cần được nhìn nhận là một bộ phận trong định hướng an ninh biển. Đó cũng là lý do chúng tôi xây dựng hợp tác cả trên phương diện dân sự lẫn an ninh quốc gia ở mọi nước muốn làm đối tác của Mỹ", ông Hogan nhấn mạnh.
Trả lời Bloomberg về kế hoạch hành động trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục không thay đổi cách hành xử, Phó trợ lý Ngoại trưởng David Feith từ chối phỏng đoán về chính sách trong tương lai. Song, ông vẫn lưu ý chính phủ Mỹ "đã cho thấy tinh thần sẵn sàng nhìn thẳng vào những hành vi đáng ngại của Trung Quốc trong rất nhiều vấn đề, sau đó đồng nhất sự nhìn nhận này với những chính sách buộc kiểu hành xử đó phải trả giá".
"Chúng tôi thể hiện điều này bằng các lệnh trừng phạt trong nhiều trường hợp. Chúng tôi thể hiện thông qua những biện pháp kinh tế, chấp pháp. Trên phương diện ngoại giao, chúng tôi hành động với sự tham vấn cùng các đồng minh và đối tác", ông Feith cho biết.
"Chúng tôi khuyến khích các đồng minh và đối tác cùng hành động, đồng thời tự nhận thức những vấn đề này và nghiên cứu cách thức để những quốc gia có tư duy tương tự có thể bảo vệ lợi ích của chúng ta và lợi ích chung", ông nói.