"Dường như không có bất kỳ dấu hiệu nào (về vụ tấn công), dựa trên những gì chúng nghe được rằng sẽ có tấn công tên lửa gì đó trong tương lai gần hoặc tương lai xa", AFP dẫn lời phó thống đốc của Guam, ông Ray Tonorio, phát biểu hôm 15/8.
Ông Tonorio nói nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như đã "dịu giọng" và họ "vui mừng rằng ông ấy đã xem xét kế hoạch và sẽ không gây ra những mối đe dọa tức thời cho đảo Guam".
"Vào lúc này, chính quyền chúng tôi vẫn vận hành, ngành du lịch của chúng tôi đang tiếp tục phát triển, theo dự báo của chúng tôi thì sẽ không có bất cứ thay đổi nào", phó thống đốc Guam nói.
Trong khi đó, cố vấn an ninh nội địa George Charfauros bác bỏ những thông tin về việc hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang di chuyển tên lửa đến nơi tình nghi là địa điểm thực hiện vụ phóng.
Ông Charfauros nói ông tin rằng đây "chỉ là một màn phô trương lực lượng" của Triều Tiên nhân ngày Giải phóng 15/8.
"Có lẽ đó chỉ là chiêu trò. Hôm nay là một ngày lịch sử đối với bán đảo Triều Tiên. Đó là ngày Giải phóng... Triều Tiên có xu hướng sử dụng những lời tượng trưng trong quá trình ra quyết định", ông nói. "Chúng tôi gần như là vui mừng vì Kim Jong Un đã rút lui".
Ông Ray Tonorio (thứ 2 từ trái sang) và ông George Charfauros (ngồi cạnh). Ảnh: AFP. |
CNN tường thuật các vệ tinh tình báo của Mỹ đã phát hiện một bệ phóng tên lửa di động của Triều Tiên đã được di chuyển theo cách mà các chuyên gia cho là quá trình chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa.
Tuy nhiên, căng thẳng đã hạ nhiệt tại Guam sau khi hãng thông tấn nhà nước của Bình Nhưỡng KCNA cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã xem xét kế hoạch phóng tên lửa đến khu vực gần đảo Guam, nhưng không có bất kỳ động thái nào hướng đến việc tiến hành vụ tấn công ngay lập tức.
Thay vào đó, ông Kim ngụ ý sẽ từ bỏ ý định bằng việc nói rằng "sẽ theo dõi thêm chút nữa những hành vi ngu xuẩn" của Mỹ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Đảo Guam đang là tâm điểm trong tình hình căng thẳng vì chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã thông báo đến giữa tháng 8, họ sẽ hoàn thành kế hoạch tấn công đảo Guam, lãnh thổ Mỹ ở tây nam Thái Bình Dương, bằng 4 tên lửa tầm trung.
Hòn đảo với dân số khoảng 162.000 người này là nơi có 2 căn cứ quân sự của Mỹ cùng 6.000 binh sĩ đồn trú. Ngoài ra, Guam cũng được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có khả năng tiêu diệt các tên lửa tầm trung.