Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Quá nhiều người chết ngay trên phố khi chưa kịp đến bệnh viện'

Các cơ sở y tế trên khắp Ấn Độ quá tải vì số ca bệnh tăng chóng mặt, nhiều người chết ngay trên phố, trên xe cứu thương, khi còn chưa kịp được đưa tới bệnh viện.

Ấn Độ 'vỡ trận' trong làn sóng Covid-19 thứ hai Ấn Độ đang bị tàn phá bởi làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19. Chỉ trong 24 giờ, số người chết do đại dịch của nước này lên đến 2.000 người và hơn 300.000 ca mắc mới.
dich benh o an do anh 1

Mỗi đêm, lửa cháy sáng rực bờ sông Hằng. Không phải ngọn lửa từ những lễ hội của đạo Hindu truyền thống, chúng là ngọn lửa hỏa thiêu thi thể các nạn nhân qua đời vì Covid-19, là biểu tượng kinh hoàng của thảm kịch nhân đạo chưa từng có đang diễn ra ở Ấn Độ.

Từ thành thị đến nông thôn, các bệnh nhân tử vong trong cơn tuyệt vọng của người thân, bởi họ không thể tìm được giường bệnh trống. Nguồn cung oxygen và thuốc men cạn kiệt, dẫn đến vô số vụ trộm cướp vật tư y tế từ bệnh viện.

Tại các cơ sở hỏa táng, lò thiêu luôn đỏ lửa suốt 24 giờ nhưng vô số thi thể người đã qua đời vẫn phải xếp hàng chờ, theo Financial Times.

dich benh o an do anh 2

Nhân viên tại một cơ sở hỏa táng ở New Delhi. Ảnh: AFP.

Làn sóng dịch bệnh chưa từng có

Thực tại nghiệt ngã đã thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ trong công chúng đối với công tác chuẩn bị của nhà chức trách.

Chỉ hai tháng trước, Ấn Độ tưởng như đã kiểm soát dịch bệnh thành công. Thế nhưng, đến ngày 22/4, Ấn Độ phá kỷ lục thế giới về số ca nhiễm mới trong một ngày với 312.732 ca dương tính với virus.

Thủ tướng Narendra Modi và đảng Bharatiya Janata cầm quyền bị cáo buộc đặt lợi ích chính trị lên trên sức khỏe cộng đồng sau khi tổ chức một loạt cuộc mít tinh quy mô lớn, cũng như cho phép tổ chức lễ hội Kumbh Mela với hàng triệu người tham dự ngay giữa làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Một biến chủng mới bị nghi đứng sau làn sóng dịch bệnh khủng khiếp hiện nay, khiến các chuyên gia lo ngại Ấn Độ đang trên con đường tương tự Brazil - quốc gia nơi hệ thống y tế và cả nền kinh tế đã bị virus corona hạ gục.

"Hệ thống y tế không được chuẩn bị tốt cho làn sóng dịch bệnh này. Rất nhiều người trong chính quyền khắp cả nước không nghĩ đến làn sóng dịch bệnh mới. Bằng cách thần kỳ nào đó, họ lại tự cho là chúng ta đã vượt qua đại dịch", ông Srinath Reddy, chủ tịch Quỹ Y tế cộng đồng Ấn Độ, cho biết.

Dù tỷ lệ tử vong vẫn ở mức tương đối thấp, các chỉ số khác lại đang cho thấy một cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Cả số ca nhiễm mới và tỷ lệ dương tính đều đang tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ nhiễm bệnh tăng từ 3% vào tháng trước nay đã lên đến 16%.

dich benh o an do anh 3

Thân nhân quỳ khóc bên thi thể một bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Ảnh: AP.

Tại thủ đô New Delhi, số ca nhiễm bệnh mới mỗi ngày nhiều hơn mọi thành phố khác. Cứ sau mỗi 5 ngày, số ca mắc Covid-19 lại tăng gấp đôi.

Ở nhiều khu vực, số người nhiễm bệnh vượt xa khả năng phục vụ của bệnh viện. Tại thành phố Nagpur, tỷ lệ bệnh nhân cần chăm sóc tích cực là 353 người/một triệu dân, cao hơn bất cứ nơi nào ở châu Âu. Trong khi đó, tại thủ đô tài chính Mumbai, tỷ lệ này là 194 bệnh nhân/một triệu dân.

Có không ít bằng chứng cho thấy nhiều ca tử vong vì Covid-19 không được thống kê đầy đủ. Theo ghi nhận của truyền thông tại 7 quận thuộc các bang Gujarat, Uttar Pradesh, Madhya Pradesh và Bihar, ít nhất 1.833 thi thể bị hỏa thiêu vì mắc Covid-19 trong vài ngày gần đây. Thế nhưng, chỉ 228 ca tử vong vì Covid-19 được ghi nhận chính thức.

Tại quận Jamnagar ở Gujarat, 100 người chết vì Covid-19, nhưng chỉ 1 trường hợp duy nhất được thống kê chính thức.

Người chết ở mọi nơi

Bang Uttar Pradesh, nơi sinh sống của 200 triệu dân, là một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ. Tình hình ở thủ phủ Lucknow cho thấy cơ sở hạ tầng y tế của Ấn Độ đang trên bờ sụp đổ.

Truyền thông địa phương cho biết riêng tại Đại học Y khoa King George's, có đến 50 bệnh nhân xếp hàng cho một giường bệnh.

Shivi Shah là một cư dân sống ở Lucknow. Khi em trai cô dương tính với virus corona hồi tuần trước, Shah quyết định đưa cha mẹ tới ở nhà mình để tránh kịch bản xấu nhất.

Nhưng tất cả đã quá muộn, cho cả cha và mẹ Shah. Chỉ sau 3 ngày, cha cô bắt đầu mất thị lực. 45 phút sau cuộc gọi khẩn cấp, một xe cấp cứu đến nhà riêng của Shah, nhưng chiếc xe không được trang bị thiết bị y tế đủ để điều trị cho cha cô. Người đàn ông sau đó chết trên đường tới bệnh viện.

dich benh o an do anh 4

Nhân viên cơ sở hỏa táng chắp tay vái thi thể người chết vì Covid-19 trước khi đưa thi thể vào lò thiêu. Ảnh: Daily News.

Không thể tìm được nơi để mai táng thi thể người cha, Shah tiếp tục đón tin dữ về mẹ. Mẹ cô qua đời chỉ sau đó vài giờ ngay trong giấc ngủ. Lúc này, cả Shah và con trai đều đã bị sốt, họ đang chờ kết quả xét nghiệm Covid-19.

"Không ai trong chúng tôi từng chứng kiến thảm cảnh và chết chóc như những gì đang xảy ra. Tình hình hiện nay tồi tệ hơn năm ngoái rất nhiều, có quá nhiều người chết ngay trên phố, hay chết tại nhà riêng, trước khi được bác sĩ thăm khám hoặc nhận được kết quả xét nghiệm", Seema Shukla, y tá tại Viện Y khoa Sanjay Gandhi ở Lucknow, cho biết.

"Từ sáng sớm tới nửa đêm, điện thoại tôi đổ chuông liên tục. Họ hàng, bạn bè tôi tuyệt vọng cầu xin sự trợ giúp, họ cần đủ mọi thứ, máy thở, giường bệnh, y tá, bình dưỡng khí, thuốc men", Shukla cho biết.

Các quan chức cảnh báo một loại biến chủng mới nhiều khả năng là nguyên nhân của làn sóng dịch bệnh chưa từng có hiện nay, biến chủng B.1.617 lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ hồi tháng 3.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu thêm về biến chủng này, nghi ngờ nó có khả năng lây lan mạnh hơn và kháng vaccine.

Jeffrey Barrett, chuyên gia từ Viện nghiên cứu di truyền Wellcome Sanger, cho biết số ca bệnh ở Ấn Độ đã cho thấy một bức tranh vô cùng u ám, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc liệu biến chủng B.1.617 có phải là nguyên nhân hay không.

Tới lúc này, các chuyên gia đa phần chỉ trích một bộ phận người dân thiếu ý thức cùng thái độ tự mãn, chủ quan của chính quyền Ấn Độ đã dẫn tới tình trạng lây lan tồi tệ trong làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Vineeta Bal, chuyên gia từ Viện Miễn dịch học quốc gia Ấn Độ, cho biết nguyên nhân của khủng hoảng hiện nay thậm chí có gốc rễ sâu xa hơn nhiều. Sự sụp đổ của hệ thống y tế là hậu quả của nhiều năm chính quyền bỏ quên cơ sở hạ tầng y tế công cộng, bà Bal cho biết. Những năm qua, chi tiêu cho y tế của Ấn Độ đã tụt hậu xa so với trung bình của thế giới.

"Vấn đề không chỉ là chính phủ hiện nay mà còn là hệ thống y tế công trong suốt 50 năm qua. Tình trạng sẽ không thể được giải quyết chỉ trong vỏn vẹn một năm khủng hoảng. Hệ thống y tế đã bị thờ ơ trong rất, rất nhiều năm", bà Bal nói.

Santosh Kumar, con trai của lãnh đạo đảng Bharatiya Janata ở Lucknow, cho biết đã bị cách ly tại nhà cùng gia đình. Tất cả 4 thành viên gia đình ông Kumar đều mắc Covid-19.

"Toàn bộ hệ thống đã sụp đổ. Những người khác trong chính quyền ở đây đều đang cách ly. Người dân phải tự tìm hiểu với nhau loại thuốc nào có thể uống và những gì họ có thể làm để tự cứu bản thân", ông Kumar cho biết.

Ấn Độ phá kỷ lục thế giới về số ca mắc Covid-19 trong một ngày

Với hơn 312.000 ca mắc Covid-19 mới, Ấn Độ đã phá kỷ lục của Mỹ và trở thành nước có số ca mắc Covid-19 hàng ngày cao nhất thế giới.

Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn nhưng sự thách thức vươn xa

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đứng trước sức ép mới cần sớm đưa ra cách tiếp cận với Bình Nhưỡng sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

EU công bố kế hoạch 'xoay trục' ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/4 công bố kế hoạch tăng cường can dự nhằm thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm