Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Qua mặt ông chủ, nhân viên bán hàng 'móc túi' khách

Vì lương cứng mà cửa hàng trả quá bèo bọt, chỉ 2-2,5 triệu đồng/tháng, nhiều nhân viên bán hàng đã nghĩ ra nhiều chiêu trò “móc túi” khách để đút túi cả chục triệu đồng mỗi tháng.

Có hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề buôn bán giày dép, chị K.A. Linh, chủ shop giày K. ở Thanh Xuân (Hà Nội) chứng kiến không ít trường hợp khách hàng bị nhân viên dễ dàng “móc túi”. Không kể khách lẻ hay khách buôn, số tiền nhân viên bán lẻ đút túi mỗi lần vài chục đến vài trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu đồng.

Chị Linh kể, vốn là khách buôn quen thuộc của một cửa hàng giày dép VNXK lớn trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) nên chị thường xuyên đến đây nhập đồ. Vì thế, chị được tận mắt chứng kiến các chiêu trò đánh lừa khách của nhân viên bán hàng, nhất là vào những dịp khuyến mại.

nhan vien 'moc tui' khach hang anh 1

Nhân viên bán hàng thường đánh tráo mã số sản phẩm đắt tiền cho sản phẩm rẻ tiền, để hàng tồn giảm giá mạnh vào khu hàng mới,...

 

Cách đây khoảng một tuần, cửa hàng có chương trình giảm giá sản phẩm lên đến 70%, chị Linh được tận mắt theo dõi từ đầu đến cuối cách một nhân viên “làm ảo thuật” để bỏ túi gần 500.000 đồng của khách.

Cụ thể, một khách hàng ăn mặc sang trọng hỏi mua đồ ở khu giảm giá 50-70%. Sau một hồi ngắm nghía, chị chọn được 3 đôi giày niêm yết giá 300.000 đồng/đôi, được chiết khấu 50% so với giá niêm yết. Tính ra nếu mua, số tiền khách trả cho cửa hàng chỉ khoảng 450.000 đồng cho 3 đôi.

Thấy khách tỏ vẻ thích thú, nhân viên nắm bắt tâm lý càng khen nức nở, rồi mời chị ra quầy thanh toán. Tại đây, họ thản nhiên nói với khách, 3 đôi giày đó chỉ được giảm 10% giá tiền, tức giá phải trả cho mỗi đôi là 270.000 đồng.

Khi ấy, người khách đã rất ngạc nhiên. Chị khẳng định đã chọn sản phẩm ở khu giảm giá 50-70% chứ không phải khu 10%. Những khu này được xếp liền sát nhau, ngăn cách bởi tấm vách mỏng chưa đến hai ngón tay. Nhân viên thu ngân lại ngọt ngào giải thích “do các bạn sắp xếp nhầm vị trí”, rồi giả vờ quát nhân viên đứng bán.

Khi nghe nhân viên giải thích, chị khách cũng không nói gì thêm, đồng ý thanh toán với mức giá chỉ được giảm 10% rồi cầm túi giày bước ra khỏi cửa hàng mà không lấy hóa đơn.

Ngoài ra, để tiện ăn bớt phần tiền chênh lệch mà không bị khách và chủ cửa hàng phát hiện, nhân viên thu ngân thường đặt ngược cuộn hóa đơn để máy không thể in rồi giải thích với khách là máy in đang hỏng. Vì thế, khách sẽ không biết chính xác giá bán của sản phẩm. Họ dễ dàng đút túi khoản tiền ăn chênh.

nhan vien 'moc tui' khach hang anh 2

Khi mua hàng khách nên lấy hóa đơn

 

Chị Linh khẳng định nhân viên cửa hàng cố tình “móc túi” khách bởi chị cũng đang nhập các mẫu giày tương tự vị khách đã mua. Đây là lần thứ hai chị chứng kiến chiêu trò này.

Bên cạnh đó, nhân viên bán hàng còn sử dụng một vài mánh khác như đánh tráo mã số sản phẩm đắt tiền cho sản phẩm rẻ tiền, để hàng tồn giảm giá mạnh vào khu hàng mới,... 

Tương tự, anh Vương Trọng Khương, chủ shop quần áo bán lẻ tại Pháo Đài Láng (Đống Đa) bức xúc kể, là người trong nghề lâu năm, anh cũng không ít lần bị người đổ buôn chơi xấu, lừa tiền.

“Tôi nhập buôn số lượng lớn, lên đến hàng nghìn chiếc, với vài trăm mã hàng. Mỗi mã đều được báo giá qua điện thoại rất chi tiết. Thế nhưng không hiểu sao, sau khi lấy hàng, số tiền phải trả luôn chênh lên một vài trăm”, anh Khương thắc mắc.

Lúc đầu, anh chủ quan không kiểm tra lại, nhưng sau một vài lần như vậy, anh kiểm tra lại toàn bộ quy trình. Hóa ra, một số mã hàng được tính chênh lên từ 5.000-7.000 đồng/sản phẩm. Khi anh lấy số lượng lớn, số tiền dôi ra lên đến vài trăm ngàn.

“Lúc đó, tôi yêu cầu cửa hàng giải thích, nhân viên mới đổ lỗi cho máy in sai và hoàn trả tiền. Không rõ tại sao máy lại có thể sai, và chỉ sai nhiều lên chứ không ít đi bao giờ”, anh nói.

Anh Khương tiết lộ thêm, với cửa hàng bán lẻ, không thiếu cách để nhân viên qua mặt ông chủ “móc túi” khách hàng.

Chẳng hạn, cũng bằng cách không in hóa đơn, mã sản phẩm có giá trị 200.000 đồng hoàn toàn được thay thế bởi một mã sản phẩm khác có giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Khi khách hàng vừa bước chân ra khỏi cửa, lập tức nhân viên “sửa” chiếc máy in để nhập lên hệ thống giá món hàng 200.000 đồng, còn mình đút túi số tiền chênh lên tới vài trăm ngàn. Hoặc, hàng tồn kho công ty xả với giá 50.000 đồng, nhân viên bán hàng vẫn treo lên khu hàng mới có giá cao gấp 5 lần.

“Chuyện này đã xảy ra một vài lần ở cửa hàng tôi. Thế nên, người mua nên xem kĩ mặt hàng định chọn và yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn đầy đủ, không nên dễ dãi bỏ qua”, anh Khương khuyên.


http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tu-van-tai-chinh/316722/qua-mat-ong-chu-nhan-vien-ban-hang-moc-tui-khach.html

Theo Hiền Anh/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm