Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, khi nói tới bán lẻ chúng ta chỉ nghĩ tới siêu thị. Thật sự trữ lượng bán lẻ còn 70% ở tỉnh lẻ với nhiều kênh phát triển hơn. Cần phải phát triển rộng ra, doanh nghiệp phải tách ra từng dạng kênh bán lẻ để quản lý dễ dàng. Ông Mười cho rằng, hiện nay bán lẻ đã trở thành công nghệ rồi chứ không đơn thuần là thương mại, nên cần phải xây dựng kế hoạch đúng và nhìn đúng điểm mạnh để phát huy.
“Sau một thời gian biến động trên thị trường bán lẻ, chúng ta đã lạc quan và tỉnh táo hơn để lựa chọn đúng đường để đi. Trước mắt tránh lao vào những cuộc chiến không cân sức, mà điều quan trọng là chúng ta phải tồn tại theo cách của mình", ông Mười chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn quen tư duy ngắn hạn, chỉ tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, doanh số chứ không để ý tới việc thúc đẩy bán hàng thế nào cho hiệu quả thông qua nhà phân phối. Các chuyên gia cho rằng, cách giải quyết tốt nhất vẫn là doanh nghiệp tự tổ chức hệ thống phân phối của mình một cách hợp lý.
Siêu thị không phải là kênh duy nhất mà hàng Việt có thể khai thác |
Thế lực cạnh tranh lớn nhất của hàng Việt Nam hiện nay không phải là hàng châu Âu hay Mỹ, mà là hàng của Thái Lan, Malaysia... vì có sự tương đồng. Cũng vì vậy mà sau khi doanh nghiệp Thái Lan mua lại hệ thống Big C, nhiều người lo ngại hàng Việt đang đi vào ngõ cụt.
Nhưng thực tế không phải thị trường Việt Nam gần đây mới có sự quan tâm của đại gia ngoại, mà hơn 15 năm trước đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Khi các hiệp định thương mại thưc thi thì tình hình này càng rõ nét hơn, đều đặn hơn, nhưng không không dễ đánh úp hàng nội.
Ông Nguyễn Anh Đức Phó tổng giám đốc Saigon Co.op phân tích, đối với quy mô của thị trường Việt Nam thì đến nay có thể tồn tại 4 nhà bán lẻ trong top 20 thế giới. Điều này có thể thấy được khi một doanh nghiệp này vào thì ắt hẳn sẽ có một nhà khác rút lui. Khi một nhà bán lẻ quy mô lớn nằm trong Top 20 thế giới muốn thâm nhập thị trường nào họ đều phải tính toán rất kỹ về dung lượng, mức độ cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận rồi mới quyết định.
“Tâm lý của chúng ta thường hoang mang khi xuất hiện một chuỗi mới, dẫn đến dễ buông xuôi, nhưng thực chất chúng ta đã phải cạnh tranh từ trước đó rồi. Việc doanh nghiệp cần làm lúc này là đầu tư cho thương hiệu, ghi dấu ấn vững chắc trong lòng người tiêu dùng, để có sức mạnh đàm phán với nhà bán lẻ, buộc họ phải tìm đến mình,” ông Đức khuyên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thời cơ đã qua để có thể làm những điều bài bản, nhưng vẫn chưa quá muộn để điều chỉnh. Thế giới đang trải qua thời đại của thông tin, thời đại mà tập đoàn bán lẻ giá trị nhất trên thế giới không sở hữu một kho hàng hóa nào. Khi Alibaba qua mặt Walmart và trở thành tập đoàn bán lẻ đứng đầu thế giới, đó là khi trật tự ngành nghề, trật tự thế giới truyền thống có thể bị lật đổ, hoặc tái định nghĩa bằng công nghệ. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tân dụng điều này để khai phá hướng đi mới, đột phá hơn cho mình.