Mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM bày tỏ lo ngại việc các nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng tham gia vào thị trường Việt Nam. Với định hướng chiến lược như vậy, nếu chúng ta không có đối sách thì các nhà đầu tư ngoại sẽ chi phối thị trường bán lẻ trong nước trong nay mai.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng dù là cơ hội dành cho các doanh nghiệp nội đang thu hẹp dần nhưng không phải là không có cơ sở để phản đòn.
Thị trường chưa có "đại ca"
Có thể con số đầu tư, tiềm lực tài chính của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã khiến nhiều người không còn để ý đến những giá trị lớn của doanh nghiệp nội. Như vậy ở phương diện truyền thông cán cân đang nghiêng hẳn về phía doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên ở mức độ hiệu quả và khả năng chinh phục thị trường không hoàn toàn thuộc về mức độ “giàu có”.
Xét ở thời điểm hiện tại, các nhà bán lẻ trong nước vẫn đang chiếm giữ phần lớn thị trường bán lẻ Việt. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tại Việt Nam hiện có khoảng 724 siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm khoảng 40%. Đến năm 2020, có khoảng 1.200 đến 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.
Doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn còn nhiều cơ hội cạnh tranh Ảnh minh họa: V.Dũng |
Thực tế, gần như tất cả các phân khúc của bán lẻ hiện nay ở Việt Nam đều có sự nhúng tay của các hãng nước ngoài. Tuy nhiên, không phải lúc nào các đại gia cũng là người thắng cuộc tại thị trường nước ngoài.
Đơn cử là Walmart và Carrefour, hai tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, đã "gục ngã" tại Hàn Quốc do sự khác biệt về thói quen mua sắm của người dân bản địa. Còn tại Đức, Walmart với khẩu hiệu "Giá rẻ mỗi ngày" không thể cạnh tranh lại Metro.
Thông qua những thương vụ lớn có thể thấy các nhân vật mới đã “chào sân” tương đối ấn tượng, tuy nhiên để đủ sức xoay chuyển cục diện này không phải việc đơn giản như cách phô trương nguồn vốn.
Trong lịch sử hình thành nên thị trường bán lẻ cũng ghi nhận không ít bài học về doanh nghiệp ngoại “ngã ngựa” ngay trên thị trường Việt Nam.
Việc thị trường sẽ xoay chuyển ra sao cần phải chờ những kịch bản hay của các đối tượng tham gia. Còn hiện nay, như lời của một lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành thì thị trường này vẫn chưa có “đại ca”.
Doanh nghiệp nội vẫn còn cơ hội
Những chuyển động không ngừng của các nhà đầu tư ngoại trên thị trường bán lẻ luôn tạo nên cảm giác doanh nghiệp nội đang bị đánh úp trong thời gian ngắn. Nhưng cũng cần tỉnh tảo để nhìn nhận lại nỗ lực của doanh nghiệp nội khi họ dần nhìn nhận được điểm mạnh của mình để phát huy.
Những doanh nghiệp nội được đánh giá đối trọng lớn để cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài cũng dần xuất hiện và thể hiện vai trò của mình.
Tập đoàn Vingroup đang nổi lên như là một đối trọng lớn với các thương hiệu bán lẻ đến từ nước ngoài. Sau khi thâu tóm thành công chuỗi bán lẻ Ocean Mart và Vinatex Mart, gần đây nhất đơn vị này đã mua lại chuỗi siêu thị Maximark tại khu vực phía nam.
Ocean Mart, Vinatex Mart hay cả Maximark không phải là những thương hiệu bán lẻ mạnh trên thị trường, nhưng cái mà tập đoàn này nhắm đến sẽ là những vị trí có sẵn của các chuỗi siêu thị. Điều quan trọng, đơn vị này đang nhắm vào cả hai phân khúc trung tâm thương mại lớn và chuỗi siêu thị nhỏ với chiến lược bao phủ toàn bộ thị trường của hãng.
Sau khi để vuột khỏi tay thương vụ Big C nhưng không vì thế mà vị thế của Saigon Co.op yếu đi trong mặt bằng chung của thị trường bán lẻ. Có thể quá trình vận động của doanh nghiệp nội vẫn chưa thu hút nhiều sự chú ý nhưng đơn vị này đang vẫn duy trì được vị thế ông lớn trên thị trường.
Quy mô của hệ thống này không phải là quá nhỏ và những lợi thế “sân nhà” sẽ được DN phát huy tối đa trong thời gian tới. Thậm chí những cái bắt tay liên doanh trước đây của đơn vị này cũng là cơ sở tốt để họ phát huy tối đa tiềm lực.
Trong một hội thảo gần đây bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ: “Trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường, điều chúng ta “lép vế” hơn không hẳn là vốn mà chính là kinh nghiệm thương trường và chuỗi kinh doanh. Trong kinh doanh anh mạnh điểm này tôi mạnh cái khác. Song điều tôi sợ nhất là lo DN Việt không nhìn thấy điểm mạnh của mình để mạnh hơn nữa. Tôi nghĩ, cạnh tranh sắp tới không đến nỗi bi quan nhưng phải nhìn nhận thực tế mới thấy mình đang ở đâu mà phấn đấu cho tốt hơn”
Năm 2015, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đạt 7,3% trong giai đoạn 2010-2015. Trong khi đó, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, nhưng vẫn đạt mức tăng bình quân 12% trong giai đoạn 2010 - 2015. Bên cạnh đó, so với tình hình thực tế phân bố dân cư ở Việt Nam thì mạng lưới bán lẻ còn quá thưa thớt.
“Doanh nghiệp mình làm ơn nhanh nhanh tạo chân rết vào các tỉnh liền đi, phải biến những nơi đó thành căn cứ địa của mình. Họ đi đường của họ bằng các chuỗi thì mình cũng phải chạy theo đường của mình”, bà Hạnh bày tỏ.
Thêm vào đó, theo quy hoạch cả nước đến năm 2020 sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. Dự báo, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ sẽ đạt 11,9%, quy mô thị trưởng khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45%.
Những con số phát triển đó chính là thị trường, là cơ hội cho doanh nghiệp bán lẻ nội khi có được nhiều lợi thế về nguồn hàng, sự am hiểu văn hoá tiêu dùng, truyền thống...
Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải liên kết, sáp nhập ngay từ bây giờ, đừng để quá muộn. Có thể sáp nhập toàn bộ hoặc liên kết từng phần trong chuỗi sản xuất, chẳng hạn cùng mua bao bì để gia tăng số lượng, giảm giá mua cũng như tăng sức mạnh đàm phán với nhà cung cấp... Chỉ có con đường liên kết mới là phương án tối ưu để doanh nghiệp nội phản đòn và tự cứu mình.
Sức nóng từ khối ngoại ngày một gia tăng nhưng thời gian tới có thể với sự tham gia quyết liệt của chính phủ trong thời gian tới đang là cơ sở để doanh nghiệp nội tìm ra hướng đi đúng đắn.