Báo Kommersant của Nga ngày 27/12 đưa tin Moscow và Ankara ký kết hợp đồng mua bán hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf. Sergei Chemezov, Tổng giám đốc Tập đoàn Rostec, cho biết phía Nga sẽ chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ 4 sư đoàn S-400 với tổng giá trị hợp đồng là 2,5 tỷ USD.
Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thanh toán trước cho Nga 45% giá trị hợp đồng. Số còn lại sẽ được Nga hỗ trợ thông qua một khoản vay. Quá trình giao hàng dự kiến bắt đầu từ tháng 3/2020. Thỏa thuận này đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành khách hàng nước ngoài thứ 3 của S-400 sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Nurettin Canikli cho biết Ankara mua hệ thống phòng không S-400 để tăng cường năng lực phòng thủ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định Ankara vẫn là một thành viên chủ chốt của NATO: “Chúng tôi hợp tác quốc phòng với Nga không làm giảm nghĩa vụ của chúng tôi với tư cách là thành viên NATO”, Thủ tướng Yildirim nói trong một cuộc họp báo.
Động thái chưa từng có
Đây là lần đầu tiên một quốc gia thuộc NATO mua hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga. Điều này làm dấy lên nhiều lo lắng về sự gắn kết trong liên minh quân sự lớn nhất thế giới. NATO có quy định các thành viên phải sử dụng vũ khí do các nước trong khối sản xuất theo tiêu chuẩn riêng, nhằm đảm bảo sự tương thích giữa các chủng loại vũ khí.
Hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf của Nga. Ảnh: Sputnik. |
S-400 sẽ không thể tích hợp vào cơ sở hạ tầng sẵn có trong khối, tạo ra những lỗ hổng trong hợp tác chung. Ngoài ra, S-400 sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tùy chọn triển khai mà không bị giới hạn như các vũ khí mua của NATO.
Trước khi hợp đồng chính thức được ký kết, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đã đăng đồ họa hiển thị thông số kỹ thuật của S-400, trong đó có những máy bay của Mỹ mà hệ thống có thể bắn hạ.
S-400 có phạm vi tác chiến tới 400 km. Đây là hệ thống phòng không trên mặt đất có tầm bắn xa nhất thế giới. Việc sở hữu S-400 đưa Thổ Nhĩ Kỳ thành quốc gia có hệ thống phòng không mạnh nhất NATO.
Về mặt ngoại giao, việc Moscow bán vũ khí tiên tiến cho một nước thành viên NATO dường như là đỉnh điểm trong thời kỳ lạnh nhạt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác châu Âu.
Quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng ở vào thời điểm “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, đặc biệt từ khi Mỹ can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria. Mỹ ủng hộ chiến binh người Kurd ở Syria, trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ xem Đảng Công nhân người Kurd (PKK) là tổ chức khủng bố.
Konstantin Makienko, nhà phân tích thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moscow, nói: “Hợp đồng S-400 là một dấu hiệu rõ ràng rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang thất vọng về Mỹ và châu Âu”.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần chỉ trích Mỹ và các nước đồng minh “ích kỷ” trong việc bán vũ khí và công nghệ quân sự. Trong khi đó, Moscow hào phóng cấp thêm cho Ankara khoản tín dụng để mua vũ khí của nước này.
Mỹ hết thời chi phối NATO?
Một số nhà phân tích nhận xét hợp đồng mua S-400 là “một đòn giáng mạnh” vào các nước lớn trong NATO, đặc biệt là Mỹ. Washington gần như chi phối toàn bộ hoạt động mua bán vũ khí trong NATO. Bất kỳ hợp đồng mua vũ khí lớn nào đều phải có sự “gật đầu” của Washington.
Hệ thống S-400 trong cuộc diễu binh tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: AP. |
Năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ mở chương trình đấu thầu mua sắm hệ thống phòng không tầm xa. Các sản phẩm tham gia đấu thầu gồm có, S-300 của Nga, HQ-9 của Trung Quốc và SAM P/T của châu Âu. Năm 2015, Ankara chọn hệ thống phòng không tầm xa HQ-9 của Trung Quốc thắng thầu.
Tuy nhiên, Washington đã gây áp lực buộc Ankara phải hủy hợp đồng mua HQ-9 của Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải đồng ý và hứa sẽ thảo luận thêm về việc mua hệ thống phòng không châu Âu. Nhưng cuối cùng, Ankara đã quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Điều đó cho thấy, Washington không còn nắm ưu thế trong việc chi phối các thành viên trong khối.
Giới phân tích nhận xét, hợp đồng mua bán S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở đường cho sự “xâm nhập” của vũ khí Nga vào thị trường vốn chỉ dành riêng cho NATO.