Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Nga khó chịu với tên lửa Javelin gần biên giới

Tên lửa chống tăng Javelin hoạt động theo cơ chế “bắn-quên” với khả năng linh hoạt rất cao. Nó có thể đe dọa hoạt động của lực lượng tăng thiết giáp Nga nếu xảy ra xung đột.

Tên lửa chống tăng đắt nhất thế giới diệt mục tiêu Tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin có đơn giá khoảng 204.000 USD được xem là vũ khí diệt tăng thiết giáp đắt nhất thế giới.

Gần đây, chính phủ Mỹ đã phê duyệt bán tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine và một số quốc gia Đông Âu gần biên giới Nga. Việc bán tên lửa Javelin cho các quốc gia thuộc Liên Xô cũ là một phần chiến lược an ninh của Washington nhằm đối phó với Moscow, đặc biệt là từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Bên cạnh việc bán tên lửa, Washington cũng đang tìm cách thay thế dần các vũ khí do Liên Xô cũ sản xuất bằng các sản phẩm của phương Tây. Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng NATO về phía đông.

Sát thủ diệt xe tăng Nga

Theo Military Today, FGM-148 Javelin thuộc loại tên lửa chống tăng dẫn đường bằng hồng ngoại do liên doanh Lockheed Martin và Raytheon phát triển. Quá trình nghiên cứu, phát triển Javelin được bắt đầu vào những năm 80 nhằm đối phó với lực lượng tăng thiết giáp khổng lồ của Liên Xô.

Javelin đưa vào sử dụng trong quân đội Mỹ từ năm 1996. Tên lửa xung trận lần đầu trong cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003. Theo Army Technology, trong chiến dịch Tự do Iraq, tên lửa Javelin đã phá hủy nhiều xe tăng T-55, Type-69, T-72 và nhiều xe bọc thép chở quân do Liên Xô sản xuất bán cho quân đội Iraq.

Cang thang My-Nga anh 1
Tên lửa Javelin rời bệ phóng trong một thử nghiệm. Ảnh: Military.com.

Điểm mạnh của tên lửa Javelin nằm ở cơ chế dẫn đường. Tên lửa được dẫn đường đến mục tiêu bằng hồng ngoại. Tham số về mục tiêu được nạp vào tên lửa thông qua hệ thống điều khiển phóng (CLU). Sau khi phóng, tên lửa tự tìm đến mục tiêu mà không cần sự can thiệp của người phóng.

Cơ chế hoạt động “bắn-quên” của tên lửa rất hữu ích trên chiến trường giúp người bắn dễ dàng chuyển sang mục tiêu khác mà không cần phải chờ cho đến khi tên lửa trúng đích. Ngoài ra, tính năng này còn giúp người lính tránh bị đối phương phản công trong quá trình dẫn hướng cho tên lửa.

Các tên lửa chống tăng của Nga sử dụng cơ chế dẫn đường bám chùm laser bán tự động, hoặc sóng vô tuyến. Người bắn sẽ phải duy trì việc chiếu laser vào mục tiêu cho đến khi tên lửa trúng đích. Cơ chế dẫn đường này khiến người bắn dễ bị đối phương phản công trong quá trình tác chiến.

Điểm mạnh khác của Javelin là cơ chế tấn công kiểu “đột nóc” từ trên cao xuống nên dễ dàng vô hiệu hóa mọi xe tăng. Đây là khu vực được bọc giáp mỏng nên rất dễ bị tổn thương. Trong các thử nghiệm và trên thực tế chiến trường, Javelin đã chứng minh khả năng tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác rất cao.

Đầu đạn của tên lửa có khả năng xuyên 600-800 mm giáp đồng nhất đủ sức diệt mọi xe tăng khi tấn công từ trên cao xuống. Tên lửa có trọng lượng phóng 22,3 kg. Khi không sử dụng cho mục đích chiến đấu, CLU có thể sử dụng như hệ thống quan sát mục tiêu ảnh nhiệt rất hiệu quả.

Làm quan hệ với Nga căng thẳng hơn

Sebastien Roblin, chuyên gia về giải quyết xung đột thuộc Đại học Georgetown cho rằng Mỹ đang hình thành thế trận “bao vây” lực lượng tăng thiết giáp Nga bằng tên lửa Javelin. Phần lớn các quốc gia gần biên giới Nga như Lithuania, Estonia, Georgia và Ukraine đều sở hữu tên lửa này.

Cang thang My-Nga anh 2
Javelin là một trong những tên lửa chống tăng hiện đại nhất thế giới. Ảnh: Armyrecognition.

Nhà phân tích Roblin nhận xét Javelin là một vũ khí rất có năng lực nên việc bán nó cho các quốc gia đều được cân nhắc ở góc độ quân sự và chính trị. Việc Washington bán tên lửa Javelin cho Ukraine có thể khiến căng thẳng với Moscow thêm trầm trọng.

Washington cáo buộc Moscow đang hậu thuẫn cho phe ly khai ở Ukraine. Do đó, việc trang bị Javelin sẽ giúp quân đội chính phủ tiêu diệt xe bọc thép của phe ly khai, làm tăng chi phí cho sự can thiệp của Nga vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng quyết định bán Javelin cho Ukraine sẽ làm cho cuộc nội chiến ở đây trở nên nguy hiểm hơn và Moscow sẽ có biện pháp để đối phó. Moscow còn cáo buộc Washington là thủ phạm chính trong việc gây ra chiến tranh và đang tiến hành hoạt động chống Nga.

“Vũ khí Mỹ có khả năng dẫn đến thương vong mới ở các nước láng giềng của chúng ta và chúng ta không thể thờ ơ với điều đó”, Thứ trưởng Ryabkov nói với Ria Novosti.

Mỹ bán vũ khí sát thương cho Ukraine, nguy cơ chọc giận Nga

Một số quan chức Mỹ ngày 22/12 tiết lộ chính quyền Trump đã đồng ý kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin.

Trung Hiếu

(Theo National Interest)

Bạn có thể quan tâm