HLV Park từng chịu nhiều hiểu lầm khi làm ở Hàn Quốc. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Trong phần chính chương trình “Tri ân thầy Park” của đài KBS (Hàn Quốc), ông Park Hang-seo kể về quá khứ đầy hiểu lầm và bị chèn ép của bản thân. Áp lực thành tích cùng sức ép dư luận từng khiến ông Park mắc chứng hoảng sợ do stress liên tục.
“Sau World Cup 2002, HLV Guus Hiddink chia tay tuyển Hàn Quốc thì Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA) chỉ định tôi làm HLV trưởng đội Olympic. Tuy nhiên, rất nhiều người ở liên đoàn lúc ấy không công nhận tôi. Họ muốn ông Chung Hae-seong (cựu trợ lý HLV Hiddink, cựu HLV CLB TP.HCM - PV) và tôi làm đồng HLV trưởng nhưng tôi không chịu”, HLV Park Hang-seo mở đầu.
Ông kể rằng mình còn bị nói ra nói vào về trình độ học vấn dù ông tốt nghiệp đại học đàng hoàng. Sau một loạt trắc trở, ông Park cũng được chỉ định làm HLV trưởng và tới liên đoàn để ký hợp đồng. Cũng từ đây mà ông không may vướng phải nhiều hiểu lầm.
“Họ chỉ đưa tôi một tờ giấy A4 gọn lỏn. Tôi bảo họ hãy soạn hợp đồng tử tế đi vì HLV người nước ngoài được ký hợp đồng đàng hoàng còn mình lại chỉ có một tờ giấy A4. Họ đáp lại rằng có cần phải phức tạp thế không. Nhìn thái độ của họ là tôi thấy mình chướng mắt như thế nào rồi”, HLV Park kể.
Sau khi chia tay, HLV Hiddink trở lại Hàn Quốc trong một trận giao hữu. Ông Hiddink với tư cách khách mời được KFA sắp xếp ngồi vào băng ghế huấn luyện ngay cạnh ông Park, người là HLV trưởng đội Olympic khi đó.
“Tôi đâu có phản đối chuyện đó, nhưng người liên đoàn lại mỉa mai tôi rằng ‘Chắc anh thấy tổn thương lòng tự trọng lắm nhỉ’. Chính họ tự nói ra rồi truyền tai nhau rằng tôi bất mãn với HLV Hiddink”.
Quyết định sang Việt Nam giúp HLV Park cữu vãn sự nghiệp. Ảnh: Quang Thịnh. |
Biết mình không được ủng hộ, HLV Park quyết định không gắn bó lâu với đội tuyển mà chỉ làm tới hết Asian Games. Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc khi đó hiểu lầm và cho rằng ông mâu thuẫn với KFA về chuyện lương bổng.
“Sau thất bại ở Asian Games, tôi bị dư luận chỉ trích. Đó thật là quãng thời gian đen tối. Từ niềm tự hào World Cup, tôi chẳng còn gì ngoài sự ghét bỏ. Mọi việc chỉ xảy ra trong vòng có mấy tháng. Lúc đó, tôi nghĩ hay là mình bỏ bóng đá để làm công việc khác”, HLV Park cho hay.
Sau ASIAD 2002, HLV Park dẫn dắt một số CLB Gyeongnam (2005-2007), Jeonnam Dragons (2008-2010) ở K1 League, Sangju Sangmu (2012-2015) ở K2 League và Changwon (2017) K3 League. Sau khi giúp Changwon thăng hạng, ông nghỉ khoảng một năm. Tới cuối năm 2017, HLV Park nhận lời dẫn dắt tuyển Việt Nam, mở ra thời kỳ hoàng kim sự nghiệp của ông và bóng đá Việt Nam.
HLV Park kể mình nghỉ khoảng một năm thì được vợ động viên ra chuyển hướng công tác ra nước ngoài. Ban đầu, ông Park muốn tìm việc ở Trung Quốc nhưng được Lee Dong-jun (người mà sau này trở thành đại diện của ông) giới thiệu sang Đông Nam Á.
Tuy nhiên phải tới gần một năm sau cuộc nói chuyện đầu tiên với Lee, ông Park mới nhận được việc. Công việc mà Lee giới thiệu cho ông Park là dẫn dắt tuyển Việt Nam, điều mà ông không hề biết là chương hoàn toàn mới trong sự nghiệp của mình.
“Thời điểm nhận lời đề nghị đó, tôi đang dẫn một đội nghiệp dư ở quê nhà. Vợ tôi bảo đã đến nước này rồi thì đừng kén chọn, mình thất bại nhiều rồi, thêm lần nữa cũng chẳng sao”, ông Park cười.
Phần còn lại đã trở thành lịch sử. Ông Park giúp U23 Việt Nam tạo kỳ tích khi vào chung kết U23 châu Á 2018 ở Thường Châu, sau đấy là liên tiếp các chiến công lịch sử tại AFF Cup 2018, Asian Cup 2019, SEA Games 2019 và 2021. Đỉnh cao của ông ở Việt Nam là cùng đội tuyển quốc gia vào tới vòng loại thứ ba World Cup 2022. Hôm qua (31/1), ông Park hết thời gian hợp đồng với bóng đá Việt Nam, khép lại một kỷ nguyên không thể nào quên.
Tiết lộ về HLV Park Hang-seo
Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.