Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Qua chơi vùng đất cổ tích Ninh Bình 99 năm trước

Xe vừa qua núi Gôi một lát đã nghe thấy tiếng còi giục khách rộn rịp xuống xe, vừa đúng 10 giờ trưa thì xe tới Ninh Bình.

Một cảnh trong phim "Thiên mệnh anh hùng" tái hiện cảnh Ninh Bình xưa.

Qua chơi mấy nơi cổ tích đất Ninh Bình

Trời xuân quang đãng, gió xuân phơi phới, tiếng còi xe hỏa rúc tu tu, ấy là chuyến xe tự ga Hà Nội chạy Ninh Bình buổi sáng sớm 6 giờ hôm 20 tháng 3 năm Ất Sửu (tức là ngày lễ Phục sinh 12 tháng 4 năm 1925).

Ngày hôm ấy cảnh xuân vũ mới đổi ra cảnh xuân tình, nên hành khách tới tấp lên xe, kẻ trẩy đền Sòng, người đi bến Thủy, người thì xôn xao hỏi thăm động Hương Tích, kẻ thì rộn rịp qua chơi núi Thôi Ngôi, rõ ra cảnh tượng bình minh, chiều xuân vui vẻ, ai ai cũng muốn qua thăm những nơi cảnh Phật bầu trời.

Chúng tôi tám người cũng cùng đi chuyến xe ấy, định vào du lãm các danh lam thắng cảnh đất Ninh Bình. Khi xe ra đi vì đông khách chật chỗ ngồi, chúng tôi phải lên toa trên cùng ngồi đàm đạo: câu chuyện gần xa, câu văn kim cổ, người thì ra ngắm cảnh xuân sơn, đôi bên dọc đường, như gần như xa, như đưa như đón, rõ ra vẻ “xuân sơn như tiếu”, vẻ mây nhàn nhạt, vẻ hoa hớn hở, hình như đon đả tươi cười chào đón khách du xuân.

Du ky anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo Hà Nội mới.

Qua Châu Giang thì thấy một dải nước trong, thuyền bè thấu tập, dân cư trong một tỉnh đi lại đông như mắc cửi, đó chính là tỉnh Hà Nam, là một tỉnh trung châu trù phú, trên tiếp với tỉnh Hà, dưới giáp với tỉnh Nam. Qua núi Long Đội (Đọi) ở vùng Duy Tiên mà tưởng tượng đến mảnh bia đời Lý, nét bút vua Lê vẫn còn đâu trên đỉnh núi. Qua núi Yên Lão ở vùng Bình Lục, vẫn nghe truyền có giếng “Tiên Tỉnh” bóng lão tùng; núi Quyển thì truyền rằng có sản giống cỏ thi để dùng về việc bói Dịch rất quý.

Con mắt người du khách đương ứng tiếp với núi non chưa rồi, thì xe đã tới Nam Định; lại gặp mấy người cùng lên xe là ông Bùi Văn Thiệp, ông Bùi Huy Phảng, ông Vũ Văn Roãn, ông Ngô Văn Cao cũng đồng ý muốn mượn cảnh non nước tiêu dao cho giải trí. Xe vừa qua núi Gôi một lát đã nghe thấy tiếng còi giục khách rộn rịp xuống xe, vừa đúng 10 giờ trưa thì xe tới Ninh Bình.

Ông Bùi Văn Thiệp giới thiệu chúng tôi cùng vào chơi nhà ông Hàn Nguyễn Xuân Hà ở phố Đại Phong, lại thích ngộ cả anh ông Thiệp là ông giáo Bùi Chu Thiếp cũng vừa ra đó.

Nguyên mấy ông ấy cùng là anh em trong một nhà, cùng với ông Trịnh Văn Phương chủ hiệu Phương Thịnh là một nhà đương mở mang thương nghiệp ở Ninh Bình, có chung nhau mở một xưởng ô tô gọi là “Trường Thành công ty”, nên có sẵn xe ô tô, sẵn người tài xế, lại có hảo tâm đưa đón và khoản tiếp chúng tôi là một bọn khách phiếm du trong khi xuân nhật, các ông ấy và ông Nguyễn Xuân Vũ, ông Lê Văn Huân cũng đồng kết làm bạn du xuân thì vui vẻ biết chừng nào!

Nguyên tỉnh Ninh Bình này từ đời nhà Mạc lấy phủ Tràng An 長 安, phủ Thiên Quan làm nơi Thanh Hoa ngoại trấn 淸華外鎭, phân địa giới từ núi Tam Điệp trở vào trong gọi là Tây Việt 西越, tức là đường trong; trở ra gọi là Đông Việt 東越, tức là đường ngoài, là một nơi trấn thủ trong ngoài giáp giới.

Sở tại Ninh Bình nay đóng ở Vân Sàng, là nơi nhân yên thấu tập, phong vật phồn hoa, lại có con sông Đáy sông Vân diễu qua phố Vân Sàng, phố phường mở ra buôn bán đông đúc.

Chung quanh tỉnh không biết bao nhiêu là các nơi danh sơn thắng tích, giá có rỗi thì giờ mà du lãm, thì sơn kỳ thủy tú cảnh thiên nhiên chưa dễ mấy khi đã lịch lãm cho cùng. Vả lại tỉnh Ninh Bình về phía tây nam giáp Thanh Hóa có nhiều dẫy núi đá chạy dài đột ngột đúng giữa cánh đồng bằng, không khác gì những cù lao ở ngoài bể Hạ Long, ý chừng những nơi này cũng là bể khi xưa, trải bao phen tang thương biến cải, nên nay mới thành ra những cánh bình nguyên bát ngát mà lại có núi đá mọc lô xô như thế chăng?

12 giờ hôm ấy mới cùng nhau đi ô tô đến bến Giản Khẩu (ta thường gọi là bến Gián). Kể từ tỉnh lỵ ra đi độ 10 ki-lô- mét, 20 phút đồng hồ thì đến bến Gián, rồi sang phà qua Hoàng Giang, lại đi xe độ 4 ki-lô-mét nữa thì đến bến Đoan Vĩ, thuộc về thượng lưu sông Đáy, rẽ về phía tay trái 300 thước tây thì đến núi Địch Lộng, đấy là một ngọn núi đá cao chót vót đứng trên bờ sông, trên núi có hang có động, cảnh trí thiên nhiên.

Khi mới đến đầu núi dừng chân đứng lại đã thấy ra cái vẻ thanh cao u nhã. Khi bước chân tới cửa chùa thì thấy có năm chữ đề: “南天第三峒 Nam thiên đệ tam động.

Nguyễn Hữu Sơn biên soạn/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY