Du ký là một thể tài đặc biệt của văn học. Một tác phẩm du ký hay không đơn thuần chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn có dung chứa trong đó nhiều yếu tố lịch sử, địa lý, giáo dục và đôi khi còn phản ánh cả phương diện chính trị xã hội nữa. Nói cách khác, du ký cùng với bút ký, hồi ký, nhật ký, ký sự, phóng sự, tùy bút... nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học.
Đầu thế kỷ XX, khi văn học Việt Nam chuyển mình sang hướng hiện đại hóa trên cơ sở chịu ảnh hưởng và tiếp thu văn học phương Tây, thì cùng với thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, kịch... các tác phẩm tùy bút, du ký... cũng rất phát triển.
Trên những điều kiện xã hội thuận lợi như đội ngũ đông đảo của những người cầm bút, sự nở rộ của báo chí, nhà in, nhà xuất bản... việc xuất hiện những tác phẩm hay, có giá trị ở mọi thể loại là điều tất yếu và dễ hiểu. Cũng cần phải lưu ý đến nhận xét của Lại Nguyên Ân khi ông cho rằng: “Sáng tác văn học thể ký thường thịnh hành ở các giai đoạn văn học sử ứng với thời kỳ xã hội có sự khủng hoảng của các quan hệ cũ, nảy sinh một nếp sống mới, làm tăng cường chú ý đến sự miêu tả các thôi tục”1.
Có thể xem đó là một nguyên nhân, nhưng cũng cần phải lưu ý rằng các thể tài này cũng khó có sự phát triển mạnh nếu như không có sự đỡ đầu của báo chí. Một minh chứng dễ nhận thấy nhất là sự xuất hiện đều đặn, thường xuyên của mục Du ký trên Nam Phong tạp chí.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Pixabay/Pexels. |
Những đóng góp trong việc xây dựng một nền quốc văn mới, phổ biến học thuật, giới thiệu những tư tưởng triết học, khoa học, văn chương, lịch sử... của cả Á và Âu trong những năm đầu của thế kỷ XX của Nam Phong tạp chí là điều đã được ghi nhận.
Tồn tại 17 năm, từ năm 1917 đến năm 1934, Nam Phong tạp chí đã thực sự để lại một dấu ấn tinh thần trong tâm trí của nhiều độc giả. Với uy tín của một tờ báo chuyên về học thuật, uy tín của một học giả làm chủ nhiệm kiêm chủ bút như Phạm Quỳnh, Nam Phong tạp chí đã được sự cộng tác của nhiều cây bút từ Bắc vào Nam.
Mục Du ký trên tạp chí cũng không là một ngoại lệ. Những tên tuổi viết cho mục này như Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Đông Hồ, Mộng Tuyết... sau này đều được lịch sử văn học lưu danh. Và chính bản thân người khởi xướng ra mục này là Phạm Quỳnh đã có những tác phẩm du ký xuất sắc mà ngày nay với độ lùi ngót một thế kỷ, khi đọc lại, người đọc vẫn thấy thích thú, hào hứng.
Bản thân hai chữ du ký đã có một nội hàm rất rộng. Trên Nam Phong Tạp chí, người đọc thấy có những bài du ký viết về thắng cảnh của một địa phương, mang tính chất địa lý, lịch sử như Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang của Nguyễn Văn Bân, loạt bài viết về phong cảnh Hà Tiên của Đông Hồ, Mộng Tuyết...
Những bài viết về những chuyến đi ra khỏi biên giới Việt Nam lúc bấy giờ như Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh ghi chép những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến đi Pháp sáu tháng, Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác lấy bối cảnh Thái Lan (Siam), Nhật Bản, Trung Quốc, Ai Lao hành trình của Trần Quang Huyến thì miêu tả một chặng đường dài từ Hà Nội lên Hải Phòng, đi tàu thủy vào Sài Gòn, sang Campuchia, lên Lào...
Có những bài du ký chỉ miêu tả một chuyến đi ngắn chừng một ngày, vài ngày, có những bài du ký dài kỳ, miêu tả những chuyến đi dài từ vài tháng đến vài năm... Có những bài du ký thuần chất văn học, mang nặng cảm hứng nghệ sỹ, nhưng cũng có những bài du ký mang dáng dấp của một bài khảo cứu văn hóa, phong tục tập quán...
Không như thể loại thơ mới hay tiểu thuyết hiện đại vốn được du nhập từ văn học phương Tây, nét đặc thù của thể tài du ký trong văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ nói chung và trên Nam Phong Tạp chí nói riêng là sự kết hợp giữa cách viết, cách tư duy giữa truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây.
Vẫn có những câu văn biền ngẫu, đăng đối, nặng từ Hán Việt, những bài ngâm vịnh theo lối cổ, những trang viết tương tự như địa chí, địa bạ, v.v ... bên cạnh những ghi chép sinh động, hấp dẫn, đôi khi pha chút hóm hỉnh và chêm cả vào những câu tiếng Pháp, rất gần gũi với cách hành văn của những nhà văn Pháp. Nhưng đa phần các bài du ký đã thể hiện một lối viết tiếng Việt trong sáng, nhuần nhị và cho thấy ở thời kỳ này, văn chương quốc ngữ đã thực sự định hình, phát triển.
Bình luận