Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Putin và Merkel chuyển hướng thực dụng sau nhiều năm căng thẳng

Bà Merkel và ông Putin gửi đi tín hiệu về một mối quan hệ thực dụng hơn sau nhiều năm Đức và Nga căng thẳng, tại cuộc gặp thứ hai giữa họ trong vòng 3 tháng.

Mối quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel của Đức và Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đôi khi được nhớ bởi những vụ lặt vặt: phát biểu của bà về vai trò của ông tại KGB, cơ quan tình báo trước đây của Nga, hay việc ông cố tình mang con chó Labrador đen to lớn đến một cuộc gặp dù biết bà sợ chó.

Lịch sử dài đầy những lần thù ghét rồi làm lành của hai nước được tái hiện khi bà Merkel và ông Putin gặp nhau trong ba tiếng rưỡi hôm 18/8 tại biệt thự của chính phủ Đức ở Meseberg, gần Berlin. Đó là cuộc gặp thứ hai của họ trong ba tháng.

Hai nhà lãnh đạo kết thúc cuộc gặp mà không đưa ra tuyên bố. Trước khi cuộc gặp diễn ra, họ nói với các phóng viên rằng việc mang lại sự ổn định cho miền Đông Ukraine và Syria cũng như giải quyết tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran là những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự.

quan he duc nga anh 1
 Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Đức hôm 18/8. Ảnh: Reuters.

Các nhà phân tích đã xem cuộc gặp như cơ hội để quan hệ Berlin và Moscow chuyển hướng thực dụng hơn sau nhiều năm căng thẳng. Ông Putin dường như cũng nghĩ tương tự trong các bình luận của ông trước đó, đặc biệt là ông muốn có sự giúp đỡ của Đức trong việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng của Syria để những người tị nạn có thể trở về đất nước bị tàn phá.

Trong nhiều năm, Nga đã ủng hộ quân sự để giúp Tổng thống Bashar al-Assad của Syria chống lại các nhóm nổi dậy muốn lật đổ ông.

Bà Merkel cũng bắn tín hiệu về việc cần phải hợp tác nhiều hơn, dù bà cho rằng Moscow có vai trò lớn hơn trong việc cải thiện quan hệ này.

"Đức, nhưng đặc biệt là Nga với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có trách nhiệm tìm kiếm giải pháp", bà Merkel nói. "Tôi cho rằng các vấn đề gây tranh cãi chỉ có thể được giải quyết trong đối thoại và thông qua đối thoại".

Các vấn đề song phương tập trung vào lĩnh vực năng lượng và dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 cũng được thảo luận.

Nhiều vấn đề sẽ định hình và ảnh hưởng đến quan hệ Đức - Nga và các cuộc thảo luận của hai nhà lãnh đạo.

Đức và Nga là bạn?

Hai quốc gia này có thể được mô tả như cặp đôi "vừa là bạn vừa là thù" tối hậu của quốc tế, với mối quan hệ kinh tế, văn hóa và trí tuệ đã tồn tại hàng thế kỷ. Từ thế kỷ 18, họ đã trải qua rất nhiều lần xung đột và hòa giải, gần đây nhất là Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh.

quan he duc nga anh 2
Bức tường Berlin trước cổng Brandenburg vào ngày 11/11/1989. Ảnh: Reuters.

Trong suốt thời kỳ Xô Viết, Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Moscow và nhiều người Đức nhìn nhận mối quan hệ mạnh mẽ, tích cực với Moscow là nhân tố quan trọng góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh và thống nhất nước Đức.

Khi Bức tường Berlin sụp đổ, người Đức đã vun đắp cho quan hệ với Nga, một phần để giúp các nước tách ra từ Liên Xô gia nhập Liên minh Châu Âu (EU), không chỉ củng cố quan hệ chính trị và kinh tế mà còn đầu tư vào xã hội dân sự.

Rạn nứt trong mối quan hệ bắt đầu từ phản ứng của chính quyền Nga trong các cuộc biểu tình của công chúng vào năm 2011-2012, và trở nên tồi tệ hơn trong năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ phiến quân ở miền Đông Ukraine.

Dù vậy, suốt thời gian căng thẳng đó, bà Merkel và ông Putin vẫn duy trì liên lạc thường xuyên. Vào tháng 5, thủ tướng Đức đã đến gặp tổng thống Nga tại nơi dinh thự mùa hè của ông ở Sochi và bà nói với các phóng viên rằng bà xem cuộc gặp hôm 18/8 là sự tiếp nối của cuộc đối thoại đó.

Susan Stewart, nhà phân tích cao cấp của Viện Quốc tế và An ninh Đức, cảnh báo rằng các cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo ở Đức không nên được coi là một sự thay đổi cơ bản trong quan hệ song phương. Thay vào đó, cuộc gặp phản ánh hy vọng rằng hai bên có thể thỏa hiệp về Syria, năng lượng và các vấn đề quan trọng khác, đồng thời vẫn tiếp tục bất đồng về vai trò của Nga trong xung đột ở Ukraine.

Lợi ích chung tại Syria 

Cả Đức và Nga đều gặp vấn đề với Syria. Đối với bà Merkel, vấn đề là trong nước. Quyết định của bà về việc cho phép hơn một triệu người - hầu hết trong số họ là người tị nạn từ cuộc chiến ở Syria - xin tị nạn tại Đức đã vấp phải sự phản kháng ngày càng gia tăng của công chúng và từ chính phủ của bà.

Đối với ông Putin, đó là việc không thể tìm ra giải pháp cho cuộc nội chiến tại Syria.

quan he duc nga anh 3
Người nhập cư đợi tại một ga tàu ở Hungary trước khi có thể đến Đức năm 2015. Ảnh: New York Times.

Theo chuyên gia Stefan Meister của Hội đồng Đối ngoại Đức, cả hai nhà lãnh đạo có thể hưởng lợi từ việc tìm ra cách giúp đảm bảo sự ổn định chính trị đầy đủ ở Syria: Đức có thể bắt đầu khuyến khích người tị nạn hồi hương, trong khi ông Putin tìm kiếm sự hỗ trợ từ Berlin và EU để giúp tái thiết đất nước Trung Đông.

"Việc người tị nạn Syria có thể quay về với một đất nước ổn định là lợi ích chính trị nội bộ của chính phủ Đức", ông Meister nói.

Một mối quan tâm chung có thể khiến hai quốc gia xích lại gần hơn sau thời kỳ quan hệ xấu đi.

Nga từng rất bất ngờ trước việc Đức sẵn sàng làm mọi cách để ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ với Moscow vì Nga sáp nhập Crimea, sự liên can của Nga trong cuộc nổi dậy của phe thân Kremlin ở miền Đông Ukraine và vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi.

Động thái này khiến các nhà lãnh đạo Nga hiểu rõ rằng mối quan hệ đặc biệt mà họ tin họ có với Berlin đã kết thúc. Chẳng lâu sau, Đức gặp rắc rối vì các cuộc tấn công mạng của Nga và một chiến dịch trên truyền thông Nga khiến hình ảnh nước Đức sụt giảm nghiêm trọng trong mắt người Nga.

"Nếu bạn nhìn vào hình ảnh của Đức - và đặc biệt là tiếng Đức - trong diễn ngôn chính trị của Nga, bạn sẽ thấy rằng nó thực sự đã xấu đi rất nhiều", Sabine Fischer, nhà nghiên cứu đầu về Đông Âu tại Viện Quốc tế và An ninh Đức cho biết.

Một cuộc khảo sát được Vedomosti, một nhật báo Nga, dẫn ra hôm 17/8 phản ánh xu hướng này, cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Merkel trong công chúng Nga giảm xuống còn 15% vào tháng 8/2016, so với 60% hồi tháng 2/2011.

quan he duc nga anh 4
Căn cứ quân sự của Ukraine ở Crimea. Ảnh: New York Times.

"Con tin của Nga"?

Nước Đức nhập khẩu khoảng 40% khí tự nhiên từ Nga, theo thống kê của chính phủ. Con số này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong EU, nhưng ít hơn mức 60% đến 70% mà Tổng thống Trump viện dẫn khi ông cáo buộc Đức là "con tin" của Nga tại một hội nghị thượng đỉnh của NATO tháng trước.

"Nhận xét đó rõ ràng phản ánh một định kiến ở Washington rằng vì quan hệ kinh tế, Đức hành động 'yếu ớt hơn' trong vấn đề Nga", Derek Chollet, cố vấn về chính sách an ninh và quốc phòng cho Quỹ Marshall của Đức ở Washington, cho biết.

Hôm 18/8, ông Putin đã liệt kê một loạt số liệu thống kê nói lên sức mạnh của mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, bao gồm việc kim ngạch thương mại hai chiều tăng 22% trong năm 2017, lên 55 tỷ USD. Ông cũng đề cập đến dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2, vốn là tâm điểm trong tuyên bố của ông Trump, nhấn mạnh rằng đây là điều cần thiết để "đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng của nền kinh tế châu Âu".

"Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng Nord Stream 2 hoàn toàn là một dự án kinh tế và nó không đóng lại bất kỳ cơ hội nào trong việc trung chuyển (khí đốt) qua lãnh thổ Ukraine", ông Putin nói.

quan he duc nga anh 5
Công trình xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trên biển Baltic. Ảnh: Getty.

Mối quan hệ thân thiết giữ cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroder với ông Putin và quyết định gia nhập hội đồng quản trị của công ty dầu mỏ quốc gia Nga, Rosneft, của ông Schroder đã củng cố quan điểm cho rằng Đức chịu ơn nước Nga.

Tuy nhiên, bà Merkel cũng đã cho thấy sự sẵn sàng không nhượng bộ với Nga, bằng quyết định ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow vào năm 2015 và tham gia phản ứng phối hợp sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga ở Anh vào tháng 3 năm nay.

"Cảm giác của tôi là Merkel, người làm rõ rằng bà ấy hiểu người Nga và Putin cũng là một loại như bất cứ ai theo cách riêng của mình, không có ảo tưởng về Nga hay Putin và động cơ của họ", ông Chollet nói.

Putin đến Đức, cùng bà Merkel thảo luận một loạt vấn đề hóc búa

Hai nhà lãnh đạo Nga, Đức thảo luận về một loạt vấn đề, bao gồm Ukraine, Syria, Iran và dự án đường ống dẫn khí đang khiến Mỹ tức giận.

Tương lai chính trị Merkel lại trắc trở vì vấn đề người tị nạn

Bà Merkel đang đứng trước nguy cơ liên minh CDU-CSU cầm quyền sẽ tan rã vì những bất đồng trong vấn đề người tị nạn, điều đã gây chia rẽ sâu sắc nền chính trị Đức những năm qua.


Đông Phong

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm