Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tương lai chính trị Merkel lại trắc trở vì vấn đề người tị nạn

Bà Merkel đang đứng trước nguy cơ liên minh CDU-CSU cầm quyền sẽ tan rã vì những bất đồng trong vấn đề người tị nạn, điều đã gây chia rẽ sâu sắc nền chính trị Đức những năm qua.

Bộ trưởng nội vụ của chính phủ Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ từ chức hôm 1/7 sau khi đảng bảo thủ của ông, một thành phần quan trọng trong liên minh cầm quyền, không thể làm lay động nữ thủ tướng trong kế hoạch hạn chế người nhập cư vào châu Âu và Đức.

Phe chống đối muốn gì?

Cuộc đối đầu xoay quanh việc bà Merkel bác bỏ một điểm trong cái gọi là "đại kế hoạch" 63 điểm về vấn đề tị nạn và trục xuất di dân của Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer.

Ông Seehofer muốn có quyền "tống khứ" những người xin tị nạn đang ở biên giới Đức đã đăng ký ở một nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) khác.

Ông và đảng CSU (Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo) từ vùng Bavaria, một đảng theo đường lối bảo thủ đã liên minh với đảng CDU (Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo) theo đường lối trung hữu của bà Merkel nhiều thập kỷ qua, cho rằng việc này chỉ đơn giản là thực hiện một luật của Liên minh Châu Âu (EU) thường được biết đến với tên gọi Quy định Dublin.

tuong lai chinh tri merkel anh 1
Bộ trưởng Nội vụ Đức kiêm lãnh đạo đảng CSU Horst Seehofer tuyên bố sẽ từ chức. Ảnh: AP.

Bà Merkel sợ rằng việc Đức đơn phương dựng chốt chặn ở biên giới có thể gây ra hiệu ứng domino lan khắp EU, làm suy yếu khối tự do đi lại Schengen và làm tổn hại nền kinh tế cũng như liên kết chính trị.

Ngoài ra, nữ thủ tướng cũng gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa liên minh CDU-CSU và đối tác liên minh SPD (đảng Dân chủ Xã hội), vốn hoài nghi về việc tiếp tục siết chặt luật tị nạn.

Vì sao bất đồng trở thành khủng hoảng?

Không chấp nhận nhượng bộ, ông Seehofer đặt ra thời hạn vào tháng 7 để bà Merkel tìm giải pháp cho toàn khối EU phù hợp với các yêu cầu của ông.

Nếu không, ông sẽ thách thức bà bằng cách tiếp tục với kế hoạch của ông tại biên giới, có thể phá vỡ liên minh cầm quyền vì Thủ tướng Merkel sẽ buộc phải cách chức ông.

Bà nói bà đã đạt được chính xác những gì cần thiết trong các cuộc đàm phán xuyên đêm với các nhà lãnh đạo EU vào tối 29/6 và các thỏa thuận song phương đi kèm với 16 nước.

Ông Seehofer không đồng tình, và đảng CSU nói rằng các biện pháp ở tầm quốc gia nhằm cắt giảm lượng người xin tị nạn vừa cần thiết vừa phải được chuẩn bị một cách dứt khoát nếu xét đến thỏa thuận mà EU đạt được.

tuong lai chinh tri merkel anh 2
Bà Merkel và ông Seehofer bất đồng về chính sách người nhập cư. Ảnh: Getty.

Có phải chỉ là vấn đề di dân?

CSU đã không bỏ bất cứ cơ hội nào để thể hiện sự bất mãn với bà Merkel một cách công khai kể từ khi bà quyết định mở cửa biên giới Đức cho hàng trăm nghìn người tị nạn vào năm 2015.

Họ và những thành viên thiên cánh hữu của CDU sợ rằng thủ tướng sẽ đẩy họ đi quá xa về phía trung lập, để lại không gian cho sự nổi lên của đảng Alternative for Germany (AfD), đảng đã lấy đi nhiều phiếu trong phe bảo thủ.

Áp lực từ phe cánh hữu đặc biệt nghiêm trọng với đảng CSU trong bối cảnh cuộc bầu cử địa phương tại Bavaria vào tháng 10 đang đến gần.

Các thăm dò cho thấy họ có thể không giành được đa số phiếu tuyệt đối tại chính "đại bản doanh" của mình.

Trong khi đó, phe cánh tả và một số nhà báo Đức cho rằng CSU là nạn nhân của "chủ nghĩa Trump" sau nhiều năm đất nước dường như miễn dịch trước các thế lực dân túy đang càn quét các nền dân chủ tân tiến.

Chuyện gì tiếp theo?

Các nguồn tin từ CSU nói hôm 2/7 rằng họ sẽ có nỗ lực cuối cùng để đạt được thỏa thuận với bà Merkel vào cuối ngày.

Ông Seehofer đã cam kết sẽ từ chức nếu không đạt được thỏa thuận nào.

Tuy nhiên, bản thân sự ra đi của ông không có tác động gì đến việc giải quyết mâu thuẫn.

Các nhà lãnh đạo Bavaria sau đó buộc phải quyết định liệu họ sẽ đề cử một người mới cho vị trí bộ trưởng nội vụ và củng cố liên minh với CDU hay sẽ "đường ai nấy đi" với bà Merkel.

tuong lai chinh tri merkel anh 3
Bà Merkel đã đối mặt với nhiều chỉ trích sau khi mở cửa biên giới cho người tị nạn vào năm 2015. Ảnh: Reuters.

Điều này sẽ khiến nữ thủ tướng Đức mất đi nhiều ghế trong phe đa số mà bà đang dẫn dắt tại quốc hội, song bà cũng có một số lựa chọn để tiếp tục điều hành chính phủ.

Theo hiến pháp Đức, bà sẽ tiếp tục là thủ tướng cho đến khi một ứng viên đối lập có thể nắm được đa số ghế trong quốc hội, điều được cho là không thể trong bối cảnh các đảng đối lập chia rẽ sâu sắc.

Bà Merkel có thể phải đối mặt với một chính phủ thiểu số chưa từng thấy, tìm cách thành lập liên minh mới với đảng Xanh hoặc đảng Dân chủ Tự do. Hoặc bà cũng có thể kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, việc có thể dẫn đến một cuộc bầu cử mới.

Thách thức hậu bầu cử của bà Merkel Tỷ lệ ủng hộ thấp hơn dự tính, đảng cực hữu AfD đang lên có thể gây ra mối lo về chủ nghĩa phát xít được coi là thách thức lớn của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong nhiệm kỳ này.

Phong cách Merkel ‘lỗi thời’ trên sàn diễn chính trị?

Phong cách chính trị bất biến của Thủ tướng Merkel dường như không còn là sự lựa chọn phù hợp để giải cứu "người đàn bà quyền lực" khỏi nguy cơ sớm mất quyền.

Liên minh thành công, Merkel 'thở phào' bước vào nhiệm kỳ 4

Đảng lớn thứ hai nước Đức đồng ý gia nhập "đại liên minh" với bà Merkel, phá vỡ thế bế tắc chính trị tại nước này kể từ cuộc bầu cử tháng 9 năm ngoái.

Đông Phong

Theo AFP

Bạn có thể quan tâm