Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn xuất hiện trước công chúng trong bộ trang phục lịch thiệp và "bất biến" về phong cách qua nhiều năm. Trên chính trường, bà áp dụng phương thức xử lý “trước sau như một” lên mọi vấn đề. Straits Times nhận định chính sách của bà được "đúc từ một khuôn" và thể hiện bằng phong cách y hệt nhau.
Tuy nhiên, trước những diễn biến mới đây liên quan đến chính sách nhập cư của Đức, "người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" cần thay đổi phong cách chính trị nếu không muốn kết thúc sớm nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ 4.
Phong cách cổ điển đậm chất "Merkel"
Là người phụ nữ kiên định, Thủ tướng Merkel trung thành với phong cách của mình dù trong thời trang hay trên sàn diễn chính trị. Bà luôn xuất hiện trong chiếc áo vest ba cúc với thiết kế cổ chữ V, được may các loại vải khá tương đồng. Sự khác biệt duy nhất nằm ở màu sắc.
Nhà thiết kế đồ họa Hà lan Noortje van Eekelen thậm chí còn sử dụng hình ảnh những chiếc áo đa sắc của nữ thủ tướng để tạo ra dải màu bao gồm 90 màu từ đen đến be.
Thủ tướng Merkel có ít nhất 90 chiếc áo vest cùng kiểu dáng với đủ màu sắc khác nhau. Ảnh: Guardian. |
Về cách hành động, giới chuyên gia cho rằng khi “thời đại Merkel” kết thúc, di sản của bà sẽ không gắn liền với một trường phái hay triết lý chính trị nhất định. Thay vào đó, thế giới sẽ nhớ đến người phụ nữ quyền lực này qua hình ảnh thực dụng đặc trưng: Bà chưa một lần thất bại trong việc tìm ra giải pháp được đa số chấp nhận với chi phí chính trị thấp nhất.
Điều này không có nghĩa là bà Merkel không có lý tưởng. Mọi quyết định của Thủ tướng Merkel đều hướng tới mục tiêu khiến xã hội Đức trở nên cởi mở, tự do và hoàn thành trách nhiệm lịch sử với phần còn lại của châu Âu. Bà cũng không phải một người thiếu can đảm trong chính trị. Trong cuộc sáp nhập thần tốc của Crimea vào Nga năm 2014, bà Merkel đã bỏ qua sự vận động hành lang mạnh mẽ từ các nước xuất khẩu và áp lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga.
Tuy nhiên, đó là dịp hiếm hoi chúng ta được chứng kiến sự táo bạo của bà trên chính trường. Trong phần lớn các trường hợp, Merkel xử lý khủng hoảng bằng cách “không làm gì cả”. Sự nhất quán của Merkel nằm ở việc lặng lẽ quan sát “hướng gió thổi”, nắm bắt xu thế chung và đưa ra giải pháp phù hợp nhất có thể.
Động thái can đảm của Thủ tướng Merkel trong việc áp lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga. Ảnh: Reuters. |
Đó là cái tài nhưng cũng có thể trở thành điểm yếu của bà Merkel xét theo xu hướng hiện tại. Theo ông Jonathan Eyal, chuyên gia Viện nghiên cứu Quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh, cách tiếp cận không gắn liền với triết lý chính trị nào có nguy cơ biến thành lớp vỏ che đậy nguy hiểm. Nó không giải quyết triệt để những vấn đề đang nóng hổi như rắc rối về đồng tiền chung Euro hay cuộc khủng hoảng di dân.
Theo cuộc thăm dò dư luận cuối tuần trước, gần một nửa người Đức được hỏi muốn bà Merkel rời ghế thủ tướng. Không chỉ thế, châu Âu mà bà luôn cam kết sẽ bảo vệ đến cùng dường như không còn sẵn lòng để bà Merkel lãnh đạo.
Ông Eyal cho rằng phong cách lãnh đạo không linh hoạt của Thủ tướng Merkel đã “lỗi thời” trong bối cảnh chính trị Đức hiện nay. Khi tiến sĩ Vật lý Merkel bước vào chính trường trong những năm 1990, đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo và đảng Dân chủ Xã hội thường xuyên chiếm được 70% đến 80% phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử.
Ngày nay, hai đảng này phải phải vật lộn để tranh giành sự ủng hộ của cử tri với 4 đảng khác trong quốc hội, bao gồm đảng cực hữu mới nổi Sự lựa chọn mới cho nước Đức (AfD).
Trước đó, bà Merkel từng bị "dội gáo nước lạnh" khi thất bại trong việc thành lập chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử tháng 9/2017. Những người cực hữu ở Đức đã đón nhận tin tức này với sự hào hứng trong khi những phần khác của châu Âu, vốn xem nước Đức là "hòn đá tảng" cho sự ổn định, rơi vào trạng thái bất an.
Thủ tướng Merkel đối diện với thách thức này bằng cách tiếp tục áp dụng phương thức “không làm gì” và hy vọng mâu thuẫn nội bộ sẽ tự biến mất, trả chỗ cho chính trị truyền thống.
Thủ tướng Merkel đang phải đối mặt với thách thức lớn có nguy cơ kết thúc sự nghiệp chính trị của bà. Ảnh: Getty. |
Cần biến tấu theo xu thế thời đại
Điều tương tự xảy ra khi nữ thủ tướng giải quyết các vấn đề trong Liên minh châu Âu (EU). Bà thường xuyên nói về cải cách nhưng thực chất vẫn giữ quan điểm “không can thiệp” lạnh lùng suốt những năm khủng hoảng của Hy Lạp.
Dù là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ đồng euro, Thủ tướng Merkel chưa thể hiện trách nhiệm đối với các thành viên EU không có khả năng cạnh tranh với nước Đức thịnh vượng.
Tại cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 19/6, bà Merkel cuối cùng cũng đồng ý xây dựng ngân sách chung giúp xử lý các cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đi nhỏ bé, thể hiện cách tiếp cận cổ điển kiểu Merkel là “đá” những vấn đề khó khăn vào bụi cỏ rậm.
Cuối cùng, những tranh cãi nảy lửa xung quanh chính sách nhập cư đang là thách thức lớn nhất khiến bà Merkel có nguy cơ mất chức. Kể từ năm 2015, Đức đã đón hơn 1,5 triệu người từ các nước Trung Đông và Bắc Phi.
Theo quan điểm riêng của ông Eyal, chủ chương tiếp nhận người tị nạn của bà Merkel không phải là cách giải quyết bền vững cho khủng hoảng di cư tại châu Âu.
Nước Đức đang trở nên quá tải khi là một trong số ít quốc gia của châu Âu chịu đón nhận người tị nạn. Nhiều người dân Đức coi cộng đồng nhập cư là khởi nguồn của mọi rối ren và bất an trong xã hội. Thay vì sẵn lòng cưu mang người tị nạn như những ngày đầu, họ ngày càng phản đối chính sách “giàu lòng trắc ẩn” của bà Merkel.
Người dân dựng tượng biếm họa mô tả chính sách tiếp nhận người tị nạn của Thủ tướng Merkel. Ảnh: Reuters. |
Để giải quyết vấn đề, Bà Merkel đang sử dụng chiến thuật “đá quả bóng nhập cư” sang châu Âu. Thủ tướng Merkel cho rằng những người tị nạn mà Đức đã tiếp nhận nên được phân tán đồng đều cho các nước thành viên EU.
“Vừa mới phút trước Đức còn hứa hẹn sẽ dẫn dắt châu Âu ra khỏi cuộc khủng hoảng di dân thì bây giờ, Thủ tướng Merkel lại mang thêm vấn đề cho EU”, chuyên gia Eyal nhận xét một cách châm biếm.
Ông đồng thời cho rằng sẽ khó có thỏa thuận hiệu quả nào giữa bà Merkel và EU trong việc san sẻ gánh nặng tị nạn. Thông qua hành động đơn phương của bà trước đó, thủ tướng Đức đã đánh mất cơ hội chèo lái con thuyền châu Âu vượt qua cơn sóng nhập cư.
Những bộ vest lịch thiệp cùng kiểu dáng đã tạo nên thương hiệu hình ảnh lịch thiệp cho "người đàn bà thép" của Đức. Nhưng sàn diễn thời trang không giống với sàn diễn chính trị. Đã đến lúc Thủ tướng Merkel nên cân nhắc "biến tấu" để cứu vãn sự nghiệp của chính mình.