Một máy bay của hãng Kogalymavia. Ảnh: realtimenews.eu |
Reuters đưa tin, Tổng thống Putin tuyên bố tạm ngừng hoạt động của các chuyến bay từ Nga tới Ai Cập sau khi Alexander Bortnikov, người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang, nói rằng đây là điều cần thiết cho tới khi nguyên nhân của thảm kịch ngày 31/10 được sáng tỏ.
“Ông Putin đã yêu cầu chính phủ thực hiện đề nghị của Ủy ban chống khủng bố quốc gia và đảm bảo việc các công dân Nga trở về nước an toàn", Dmitry Peskov thư ký báo chí của ông Putin, cho biết ngày 6/11.
Trước đó, người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang, nói rằng: "Cho tới khi chúng ta biết lý do thực sự cho những gì đã xảy ra, tôi coi đây là biện pháp thích hợp".
Sau thảm kịch của phi cơ Nga rơi ở bán đảo Sinai, Ai Cập ngày 31/10, các hãng hàng không của nhiều nước thông báo ngừng các chuyến bay tới khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh.
Ngày 5/11, hãng Lufthansa của Đức cho hay các công ty con của hãng là Edelweiss và Eurowings ngừng hoạt động các chuyến bay tới điểm du lịch nổi tiếng này của Ai Cập do lo ngại về an toàn. Pháp, Bỉ và Hà Lan hôm 4/11 cũng khuyến cáo các công dân không nên du lịch Ai Cập. Anh đã dừng tất cả các chuyến bay sau khi có thông tin tình báo rằng tai nạn của phi cơ Nga có thể do bom gài trên khoang.
Báo Komsomolskaya Pravda của Nga hôm 5/11 công bố ảnh cận cảnh mảnh vỡ máy bay Airbus A321-200 của hãng Kogalymavia Nga. Các ảnh cho thấy vô số lỗ nhỏ ở mặt trong của cửa thoát hiểm phía sau của phi cơ. Theo các chuyên gia, những lỗ nhỏ có thể là hậu quả của việc các mảnh bom văng vào cửa thoát hiểm.
Trong khi đó, điện Kremlin bác bỏ những lo ngại rằng một quả bom phát nổ khiến máy bay Nga rơi tại Ai Cập, song Moscow sẽ sử dụng các biện pháp quân sự nếu khủng bố nhúng tay vào vụ việc, Wall Street Journal đưa tin. Tổng thống Putin từng khẳng định: "Với khủng bố, chúng ta chỉ có thể sử dụng các biện pháp mạnh vì chúng chẳng chịu khuất phục bằng lời nói. Những con phố ở Leningrad dạy tôi một điều - nếu không thể tránh khỏi cuộc chiến, hãy tấn công trước. Phải vào hang mới bắt được cọp thay vì ngồi chờ chúng tới".
Chuyên gia phân tích Varvara Pakhomenko, thuộc Nhóm cố vấn Khủng hoảng Quốc tế, cho biết tổng thống Nga luôn sử dụng vũ lực và dường như muốn tiêu diệt khủng bố thay vì bỏ tù chúng.
Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Ai Cập tuyên bố đã gây nên vụ tai nạn máy bay. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đều nhận định rất có thể máy bay Nga rơi vì bom. Song cả Nga và Ai Cập đều không đồng ý với giả thuyết này.
Các điệp viên Anh đã thẩm vấn những người quản lý hành lý ở sân bay Ai Cập sau khi họ nghi ngờ "trước khi máy bay cất cánh, một ai đó đã vào khoang hành lý của máy bay và gài thiết bị nổ vào trong đó", BBC đưa tin. Theo tờ The Times, thông tin này được phát hiện nhờ hoạt động tình báo phối hợp giữa Mỹ và Anh khi họ sử dụng "vệ tinh để phát hiện các thông tin liên lạc điện từ" của IS ở Syria với lực lượng của tổ chức này ở Ai Cập. "Sau khi phân tích nội dung của các tin nhắn thu được, các nhà phân tích khẳng định một hành khách hoặc nhân viên mặt đất đã đưa quả bom lên máy bay", The Times đưa tin.
Ngày 31/10, phi cơ Airbus A321 của hãng Kogalymavia rơi ở bán đảo Sinai, Ai Cập khiến toàn bộ 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Hiện nhà chức trách vẫn đang điều tra và nghiên cứu dữ liệu hộp đen để tìm hiểu nguyên nhân máy bay gặp nạn.