Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Putin lần đầu gặp lãnh đạo châu Âu sau khủng hoảng Ukraina

Quyết định tham dự lễ kỷ niệm D-Day tại Pháp của Tổng thống Nga Putin sẽ đánh dấu lần đầu tiên ông và các nhà lãnh đạo phương Tây "giáp mặt" kể từ cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra.

Điện Kremlin hôm 8/5 thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandie trong Chiến tranh Thế giới thứ hai (D-Day) vào tháng 6/6 tại Pháp cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo châu Âu.

Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AP.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AP.

Reuters đưa tin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande hoan nghênh quyết định tham dự lễ kỷ niệm D-Day của ông Putin. Phát biểu trên kênh truyền hình France 2 hôm 8/5, ông Hollande nói: "Chúng tôi có thể có bất đồng với ông Vladimir Putin nhưng tôi không hề quên rằng nhân dân Nga đã mất hàng triệu sinh mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai”.

Các buổi lễ kỷ niệm D-Day nhằm tưởng nhớ sự hy sinh của tất cả các cựu binh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Hàng triệu người Nga đã hy sinh trong cuộc chiến chống phát xít Đức.

Lễ kỷ niệm D-Day đánh dấu lần đầu tiên ông Putin và các nhà lãnh đạo phương Tây “mặt đối mặt” kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra. Mỹ và châu Âu từng lên án các hành động khiêu khích của Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt và cắt đứt mối quan hệ của nước này tại một số tổ chức quốc tế.

Việc các nhà lãnh đạo Đức và Pháp hoan nghênh quyết định tham dự lễ kỷ niệm D-Day tại bãi biển Normandy khiến dư luận đặt ra câu hỏi về những nỗ lực nhằm tẩy chay Nga của phương Tây trong thời gian qua. 

Quyết định tới tham dự lễ kỷ niệm D-Day của ông Putin có thể làm suy yếu các phản ứng mạnh mẽ của liên minh Mỹ và châu Âu trong việc chống lại Nga. Sau sự kiện Crimea sáp nhập Nga, một số nước phương Tây đã tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6 tại Sochi. Thay vào đó, trước khi tới Normandy, G7 sẽ nhóm họp tại Brussels, Bỉ mà không có sự tham dự của Nga.

Trước nỗ lực của phương Tây nhằm làm sâu sắc thêm sự cô lập của Nga, các quan chức Mỹ và châu Âu thừa nhận, họ không thể cắt đứt quan hệ với Nga. Các quốc gia châu Âu có mối liên hệ sâu rộng với Nga về mặt kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Trong khi đó, Nga liên quan chặt chẽ tới các chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Obama. Thậm chí, Moscow cùng Washington cùng tham gia các vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. 

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm