Trong nhiệm kỳ 6 năm qua của ông Putin, giai đoạn đánh dấu sự sụp đổ trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước châu Âu chủ yếu bắt đầu từ cuộc nội chiến ở Ukraine năm 2014. Sau khi vị tổng thống thân Moscow là Viktor Yanukovich bị lật đổ và buộc phải chạy trốn khỏi Kiev, Cộng hoà tự trị Crimea tuyên bố ly khai khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga. Đến nay, các nước phương Tây vẫn khẳng định Nga ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine khiến nội chiến ở nước này vẫn chưa thể kết thúc, dù Moscow luôn phủ nhận cáo buộc.
Cử tri ủng hộ ông Putin tập trung ở trung tâm Moscow đêm 18/3 ăn mừng chiến thắng. Ảnh: AFP. |
Căng thẳng phát sinh không ngừng
Những chuỗi sự kiện như trên dẫn đến trừng phạt liên tiếp gia tăng từ phương Tây đối với Nga, cùng với đó là những khủng hoảng ngoại giao không ngừng. Gần đây nhất là việc Mỹ cấm vận và trục xuất những nhà ngoại giao Nga mà Washington cáo buộc là can thiệp bầu cử, hay xung đột mới nhất giữa Nga và Anh xoay quanh cái chết của một cựu điệp viên Nga ẩn náu ở London. Giữa tuần qua, Mỹ tiếp tục áp đặt thêm cấm vận với một số cá nhân và tổ chức Nga.
Ảnh hưởng từ cấm vận của phương Tây trong khi giá dầu những năm qua giảm mạnh khiến Nga chật vật phục hồi từ cuộc suy thoái kéo dài nhất trong hai thập kỷ qua. Chuyên gia Nikolai Petrov, Trường Cao học Kinh tế Moscow, cho rằng mối quan hệ giữa Nga với phương Tây đã diễn tiến “theo cách mà ông Putin không lường trước”.
“Ông ấy có thể đã đánh giá thấp tác động lâu dài của những hệ quả này. Putin có thể không dự đoán rằng phản ứng sau vụ sáp nhập Crimea lại to lớn như vậy. Ông ta kỳ vọng chiến thắng của ông Donald Trump có thể giúp cải thiện tình hình, nhưng điều đó đã không xảy ra. Và ông sẽ phải tiếp tục xử lý những hệ quả này trong nhiệm kỳ tới”, ông Petrov nói trên trang Christian Science Monitor.
Giáo sư Timothy M. Frye, chủ nhiệm ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Columbia (Mỹ) nhận định kết quả cuộc bầu cử tổng thống Nga “sẽ không tác động đáng kể đến quan hệ Mỹ - Nga vốn đã rất tệ trong nhiều thập kỷ qua”. Theo ông Frye, trong giai đoạn tới, những bất đồng chính phủ bóng quan hệ Mỹ - Nga tiếp tục là sự khác biệt quan điểm về xung đột ở miền Đông Ukraine, cuộc nội chiến ở Syria, nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân.
“Những cấm vận từ phương Tây sẽ tiếp tục khiến Điện Kremlin khó chịu. Các trừng phạt kinh tế từ châu Âu và Mỹ đã gửi tín hiệu phản đối mạnh mẽ đến những hoạt động của Nga ở Ukraine, và chúng rõ ràng đã kéo nền kinh tế Nga thụt lùi. Quốc hội Mỹ hiện có rất ít ý kiến tỏ ra muốn nới lỏng cấm vận, nên sự thay đổi có thể sẽ không xảy ra”, Giáo sư Frye nói.
Tổng thống Putin được phần lớn người dân Nga tín nhiệm vì quan điểm cứng rắn trước sức ép của phương Tây. Ảnh: AFP. |
Nga không nhún nhường
Guardian cho rằng chính những hành động được cho là “mạnh mẽ đối đầu phương Tây” dẫn đến sự sôi sục của chủ nghĩa dân tộc ở Nga, khiến ông Putin càng được ủng hộ hơn trong nước. Theo AP, phần lớn khảo sát tiền bầu cử đều cho thấy một tỷ lệ lớn người Nga xem việc chiếm lại quyền quản lý bán đảo ở Biển Đen là một chiến tích quan trọng, dù sau đó có nước này bị phương Tây trừng phạt liên tục. Còn theo hãng RIA, mỗi cử tri ở thành phố Sevastopol, Crimea, được phát một huy chương trong ngày bầu cử khắc dòng chữ “Mãi mãi đồng hành cùng nước Nga”.
Do đó, nhiều chuyên gia dự báo ông Putin chẳng những không dễ dàng từ bỏ chính sách đối đầu phương Tây mà còn được dự đoán sẽ thực thi quyết liệt hơn. Hồi đầu tháng 3, vài tuần trước khi cuộc bầu cử diễn ra, ông Putin tuyên bố nước Nga sẽ phát triển loại vũ khí hạt nhân mới có khả năng chống được tất cả lá chắn phòng thủ. Những thông điệp này mang một hàm ý rằng nước Nga đang đối mặt với sức ép và nguy cơ từ nhiều phía, và đất nước cần một lãnh đạo mạnh mẽ để vượt qua.
“Chúng ta cần một sách lược đồng lòng để đối phó với những áp lực hiện tại nhằm vào Nga. Rất nhiều người nhất trí rằng sự đối xử bất công với Nga ngày càng tăng, nên việc chúng ta phản ứng lại như vậy là bình thường”, Yelena Shmelyova, đồng chủ tịch chiến dịch tái tranh cử của ông Putin, trả lời hãng Interfax sau khi kết quả bầu cử được công bố.
Quân đội Nga trong cuộc diễu binh năm 2017. Ảnh: Sputnik. |
Ông Andrew Wood, cựu đại sứ Anh tại Nga (1995-2000) và hiện là chuyên gia tại Viện nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House, cho rằng một chiến lược mà Tổng thống Putin sẽ thực hiện trong 6 năm tới là “theo đuổi tham vọng của một thế lực to lớn”.
“Lời cam kết có sự ràng buộc của ông Putin, về quyền trở thành một thế lực to lớn và có sức ảnh hưởng đến những nước xung quanh, đã được thể hiện trong bài phát biểu ‘Thông điệp liên bang’ trước quốc hội ngày 1/3. Phương Tây cần theo dõi sát sao những hoạt động của Điện Kremlin trong những năm tới, cũng như những nghĩa vụ quốc tế hiện hành của Nga”, ông Wood nói.
Ở mặt trận Trung Đông, chiến dịch quân sự của Nga ở Syria được cảnh báo khiến căng thẳng leo thang; khi nguy cơ đụng độ giữa lực lượng Nga yểm trợ quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng Mỹ gia tăng. Hồi tuần trước, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov, cáo buộc Washington âm mưu tấn công tên lửa nhằm vào Damascus. Tuy không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào, vị tướng này khẳng định “Nga sẽ đáp trả bất kỳ tên lửa và bệ phóng nào được sử dụng”.
Một trong những tuyên bố công khai đầu tiên của Tổng thống Putin sau khi có kết quả bầu cử sơ bộ chính là mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc của London về trách nhiệm của Nga trong vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc ở London. "Rác rưởi và vô nghĩa", ông Putin nói không khoan nhượng.
Bình luận về sự việc này, ông Gleb Pavlovsky, một cựu cố vấn ở Điện Kremlin, cho rằng Thủ tướng Anh Theresa May đã tặng ông Putin “món quà tiền bầu cử”. Chính hành động liên tiếp của London khiến nhiều người Nga giận dữ, tạo động lực cho họ đi bỏ phiếu. Người được chọn dĩ nhiên là ông Putin.
Ông Francis Richards, nguyên giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Anh, nêu lên nghi vấn: “Câu hỏi là tại sao vụ Skripal xảy ra thời điểm này? Nó chắc chắn phải có ý nghĩa quan trọng nào đó. Anh không cần phải chọn một loại vũ khí hoá học có thể ngay lập tức kéo cả chính phủ Nga vào cuộc, trừ phi anh muốn thể hiện một quan điểm rất mạnh mẽ và cứng rắn”.
“Quan điểm ở đây chính là đừng giỡn mặt với nước Nga, đặc biệt là không nên đùa giỡn với nước Nga của ông Putin”, ông Richards nói trên Economist.