Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

PSG cân đối tài chính thế nào để chiêu mộ Messi?

Luật Công bằng Tài chính (FFP) kém hiệu quả trong nhiều năm qua, giờ khó có thể cản PSG ký hợp đồng với Lionel Messi.

Bình luận

Huấn luyện viên Mauricio Pochettino đã cười khi được hỏi về khả năng PSG phải bán Kylian Mbappe để chiêu mộ Messi.

Messi den PSG anh 1

"Ký hợp đồng với Messi đồng nghĩa Mbappe phải ra đi? Không đời nào", chiến lược gia người Argentina nói trong buổi phỏng vấn ngày 6/8.

Đó cũng là thông điệp của ban lãnh đạo Paris Saint-Germain. Họ đủ tiền để sở hữu Neymar, Messi và Mbappe trong mùa giải 2021/22.

Sức mạnh tài chính từ Qatar

Vấn đề ở đây là PSG có vi phạm FFP? Liệu họ có chịu đợt tấn công nào tiếp theo từ những CLB hàng đầu châu Âu đang ngập trong khủng hoảng, những người đang tỏ ra khó chịu trước nguồn tài chính từ Qatar?

Câu trả lời là rất khó.

Những năm qua, PSG khuynh đảo thị trường chuyển nhượng còn nhiều hơn Man City, nhưng họ chưa bao giờ đứng trước nguy cơ bị phạt nặng như CLB nước Anh.

Messi den PSG anh 2

Messi sắp cập bến PSG. Ảnh: Reuters.

L'Equipe dẫn các nguồn tin từ ban lãnh đạo PSG cam đoan việc chiêu mộ Messi không liên quan gì đến tương lai của Mbappe.

Đó là 2 thương vụ riêng biệt với tình hình tài chính của PSG. Nếu chân sút người Pháp ra đi, đó là anh muốn như thế.

Hồi tháng 5, PSG ngỏ ý nâng lương cho Mbappe lên mức 35 triệu euro mỗi mùa (sau thuế), ngang bằng với mức Neymar đang nhận. Tiền đạo tuyển Pháp đang nhận lương khoảng 24 triệu euro mỗi mùa tại PSG.

Người Qatar tự tin, dù họ chuẩn bị trả lương 40 triệu euro mỗi mùa cho Messi trong bản hợp đồng 2 năm (kèm 1 năm tùy chọn gia hạn). Đó là mức lương thực nhận của Leo, đồng nghĩa với việc PSG phải gánh phần thuế thu nhập cho cầu thủ thêm khoảng 40-50 triệu euro mỗi mùa.

PSG rất nhanh và quyết đoán trong thương vụ Messi. Họ hiểu cơ hội sở hữu cầu thủ như Leo không xuất hiện nhiều trong lịch sử.

Nguồn tiền dầu mỏ từ Qatar đã sẵn sàng, trong bối cảnh doanh thu của PSG không mấy khả quan vì tình hình dịch bệnh.

Tháng 12/2020, PSG ghi nhận khoản lỗ 124,9 triệu euro ở mùa giải 2019/20. Khi mùa giải 2020/21 kết thúc, công ty kiểm toán KPMG dự tính PSG có thể lỗ 200 triệu euro.

Nguyên nhân cho sự thâm hụt tài chính này đến từ tình hình dịch bệnh, cộng với việc vắng bóng khán giả và tiền bản quyền truyền hình ở Pháp xuống giá.

Tuy nhiên, khoản lỗ cùng tiền bản quyền Ligue 1 xuống giá không thể cản PSG tiêu tiền.

Khi phiên chợ hè 2021 của bóng đá châu Âu còn 3 tuần nữa là kết thúc, PSG đánh bại các đại gia khác để chiêu mộ Achraf Hakimi, Gini Wijnaldum, Sergio Ramos và Gianluigi Donnarumma.

PSG bỏ 60 triệu euro để mua Hakimi. Wijnaldum, Ramos và Donnarumma đến theo dạng tự do, nhưng số tiền PSG thực chi cho họ cũng lớn. Những mức lương và cả tiền lót tay mà PSG dành cho các tân binh này khiến Liverpool, Barcelona hay Real Madrid phải chào thua.

Wijnaldum và Ramos nhận mức lương 10 triệu euro mỗi mùa tại CLB mới (tiết lộ từ France Football). Donnarumma nhận 12 triệu euro mỗi mùa tại PSG, gấp đôi mức cũ ở AC Milan. Tất cả mức lương kể trên đều sau thuế.

PSG được cho chi 20 triệu euro tiền hoa hồng cho siêu cò Mino Raiola trong vụ Donnarumma. Người đại diện của Wijnaldum và Ramos cũng nhận từ 5-7 triệu euro cho mỗi thương vụ.

Marca ước tính PSG tiêu khoảng 250 triệu euro tiền lương, hoa hồng và phí chuyển nhượng cho công cuộc xây dựng lực lượng hè này. Trong đó, chi phí thuyết phục Neymar ký hợp đồng mới đến năm 2025 cũng tốn của PSG không ít tiền.

Messi den PSG anh 3

PSG đủ khả năng tài chính để sở hữu Messi, Neymar và Mbappe. Ảnh: Clutch Points.

UEFA nới lỏng FFP

PSG hy vọng lời hứa năm ngoái của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) sẽ thành sự thật. Khi đợt dịch Covid-19 bùng phát, UEFA thông báo sẽ nới lỏng các quy định hiện tại của FFP nhằm giúp đỡ các CLB.

Trong cuộc gặp thường niên giữa UEFA và EU vào tháng 3 năm nay, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính của UEFA Andrea Traverso thừa nhận nhiều quy định của FFP không còn phù hợp trong điều kiện các CLB gặp khủng hoảng vì dịch bệnh.

Thậm chí, nhiều chuyên gia tài chính của châu Âu thừa nhận khi nào mọi thứ chưa trở lại bình thường, UEFA khó để áp dụng FFP với các CLB bóng đá.

Trước đại dịch, FFP quy định một CLB được phép lỗ lũy kế tối đa 30 triệu euro trong 3 mùa giải liên tiếp, nếu chủ sở hữu CLB chấp nhận thanh toán tối đa 25 triệu euro trong khoản lỗ đó.

Hoàng thân Qatar thậm chí trực tiếp bơm tiền cho PSG thông qua nhiều cách khác nhau. Họ chưa bao giờ gặp vấn đề lớn với FFP. PSG luôn biết cách lách luật. Man City mới là đội gặp rắc rối lớn hơn với UEFA.

Hiện tại, cuộc khủng hoảng tài chính của bóng đá châu Âu lan rộng ở Serie A, La Liga hay Ligue 1. Chỉ có số ít các CLB lớn nằm ngoài vòng xoáy đó, bao gồm các đại diện Premier League và PSG.

Messi den PSG anh 4

Chủ tịch PSG, Nasser Al-Khelaifi, muốn giữ có cả Mbappe và Messi. Ảnh: Reuters.

Những bản hợp đồng tài trợ là chìa khóa

Theo số liệu từ KPMG, quỹ lương của PSG hiện tại rơi vào khoảng 471 triệu euro mỗi mùa. Con số này tăng tầm 100 triệu euro so với mùa giải trước. Nếu Messi đến sân Parc des Princes, quỹ lương của PSG sẽ tăng thêm khoảng 90 triệu euro mỗi mùa.

Với quỹ lương khoảng hơn 560 triệu euro/mùa, PSG sẽ trở thành đội bóng có quỹ lương lớn nhất thế giới. Họ hơn nhiều so với Barca, đội khổ sở với quỹ lương 443 triệu euro, cao nhất châu Âu trong năm 2020 (số liệu từ Deloitte).

Quỹ lương của Man City trước vụ Jack Grealish là 401 triệu euro. Real xếp tiếp theo với 378 triệu euro. Quỹ lương của PSG trong năm 2020 là 371 triệu euro.

Đội bóng thủ đô nước Pháp tự tin về việc có thể bù đắp doanh thu giảm do đại dịch bằng các bản hợp đồng tài trợ mới, bao gồm cả những công ty có mối liên quan đến Hoàng gia Qatar.

PSG đang có hợp đồng tài trợ áo đấu trị giá 80 triệu euro/mùa với Nike, thời hạn đến năm 2032. Hợp đồng tài trợ áo đấu hiện tại của Man Utd cũng có giá 83,1 triệu euro/năm.

Tuy nhiên, với sự có mặt của Messi, PSG có thể thương thảo lại bản hợp đồng mới với nhiều ưu đãi hơn.

Năm 2019, PSG cũng ký hợp đồng tài trợ trên áo đấu khác với AccorHotels, giá trị khoảng 80 triệu euro/năm.

Giá trị thương hiệu của PSG đã tăng mạnh kể từ khi đem về Neymar vào mùa hè 2017. Điều đó giúp họ thu hút nhiều tài trợ. Có thêm Messi, thương hiệu của CLB nước Pháp sẽ tăng thêm.

Brand Finance ước tính giá trị thương hiệu của PSG có thể tăng thêm khoản 112,3 triệu euro nếu Messi đến. Ngược lại, giá trị thương hiệu của Barca sẽ giảm khoảng 137 triệu euro.

Những khoản thu nhập từ tiền bản quyền Champions League cũng có thể giúp PSG. CLB nước Pháp thường xuyên đi sâu ở giải đấu này trong nhiều mùa giải vừa qua.

Ở Champions League mùa 2019/20, PSG là đội nhận nhiều tiền thưởng nhất từ UEFA với mức 140 triệu euro, cao hơn cả nhà vô địch Bayern (137 triệu euro).

Tuy nhiên, đó là các kế hoạch cân đối tài chính trong dài hạn. PSG cần cân đối ngân sách trong khoản thời gian ngắn để phù hợp với các quy định của UEFA hay Ligue 1.

Họ có thể bán cầu thủ. Mbappe là một lựa chọn. Tuy nhiên, đó chỉ là phương án mà PSG tính đến sau cùng, khi cầu thủ không đồng ý ký hợp đồng mới.

Phương án nhanh nhất với PSG đó là nhờ Hoàng thân Qatar bơm tiền vào thông qua những bản hợp đồng tài trợ ngắn hạn, để xóa bỏ một số hạng mục sinh lỗ trong báo cáo tài chính của đội bóng.

Đó là cách các ông chủ người UAE của Man City đã làm, và sau đó bị UEFA trừng phạt. Tuy nhiên, vào tháng 7/2020, phán quyết của Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) đã xác nhận các thủ thuật tài trợ của Man City là hợp pháp.

HLV Arsene Wenger từng nói khi một CLB thuộc sở hữu của cả một quốc gia như PSG, những đội bóng khác đơn giản là không thể cạnh tranh với họ về nguồn lực tài chính.

Những gì người Qatar đang làm với Messi chứng minh nhận định của HLV Wenger dần trở thành hiện thực.

Chủ tịch Barca giải thích việc chia tay Messi Chiều 6/8 (giờ Hà Nội), Chủ tịch Joan Laporta tổ chức họp báo để giải thích về thất bại trong nỗ lực tái ký hợp đồng với cầu thủ người Argentina.

Messi chia tay Barca hay đi để trở về?

Lionel Messi chấp nhận giảm 50% lương để san sẻ một phần gánh nặng với CLB, những tưởng câu chuyện Messi - Barca sẽ kết thúc tốt đẹp.

Barca còn lại gì khi chia tay Messi?

Viết cho Zing, bình luận viên John Dykes nhấn mạnh đừng nên đưa ra kết luận sớm về những gì đang xảy ra với Messi và Barca.

Những ngôi sao trung thành nhất châu Âu hiện nay

Lionel Messi không còn là ngôi sao có quãng thời gian thi đấu dài nhất cho một đội trong top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu (chỉ tính các cầu thủ còn đang khoác áo CLB đó).

Hồng An

Bạn có thể quan tâm