Bình luận
Nhưng ở phút chót, một thông cáo chấn động đã được Barca đưa ra. Và đó sẽ là một cuộc chia tay hay chỉ là một lần tạm ra đi để rồi sẽ trở về?
Thông cáo ngắn gọn từ Barca, đại ý dù hai bên đều thiện chí, nhưng không thể tiếp tục vì quy định của La Liga, đã như một cơn giông ập vào cảm xúc của những ủng hộ viên đội bóng. Đặc biệt, với những người không ở gần Tây Ban Nha, họ sẽ cảm thấy khó hiểu khi nhận được thông tin như thế? Vì đâu? Vì ai? Tại sao? Những câu hỏi cứ thế bật ra khi họ buộc phải hình dung một viễn cảnh Messi không khoác màu áo xứ Catalonia.
Messi không gia hạn hợp đồng với Barca. Ảnh: Getty. |
Lý do không mới
Thật ra, chuyện Messi không thể tiếp tục với Barca dù chấp nhận giảm nửa lương là một câu chuyện có nguyên nhân bắt đầu từ nhiều năm trước, khi ông Bartomeu nhậm chức chủ tịch CLB. Sự chấm dứt hôm nay là hậu quả của cả một quá trình quản trị thiếu hiệu quả với những lỗ hổng tài chính quá lớn, mà Laporta không thể giải quyết trong 1 hay 2 năm.
Riêng với trường hợp Messi, nó còn là sai lầm cá nhân của Bartomeu, khi ông không duy trì được một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên, và dẫn tới việc Messi không đặt bút ký hợp đồng mới ở hè 2020.
Giả sử, ở 1 năm về trước, Bartomeu giữ được chân Messi, thì dù cho Barca có khó khăn tài chính đến mấy đi nữa, lúc này Messi vẫn sẽ đang cùng các đồng đội trên sân tập để chuẩn bị cho mùa giải mới chứ không phải bước ra khỏi Nou Camp với một thông cáo kiểu như “vì quy định của La Liga, Messi không thể tiếp tục chơi cho Barca”.
Cơ cấu tổ chức của các đội bóng ở La Liga vẫn có đặc trưng khác biệt so với tất cả phần còn lại của châu Âu, với hình thức hội đoàn được duy trì từ đầu thế kỷ. Trong quy định riêng của bóng đá Tây Ban Nha, một chủ tịch khi đảm nhận cương vị sẽ phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về tài chính mà trong đó, nổi bật nhất là phần ký quỹ trên chi phí dự kiến (tối thiểu 15%) và tuyệt đối không được rót tiền đầu tư cá nhân vào CLB bất chấp chủ tịch ấy có giàu tới mấy.
Một CLB ở Tây Ban Nha là tài sản không chỉ phần hồn của các ủng hộ viên, mà nó còn là tài sản phần xác của những ủng hộ viên ưu tú nhất (hội viên). Và hơn nữa, La Liga cũng có các quy định riêng về trần quỹ lương, như một thứ “công bằng tài chính” mà họ tạo ra giữa các CLB.
Để đảm bảo tài chính lành mạnh đủ tham gia giải đấu, Barca buộc phải cắt giảm quỹ lương khổng lồ của mình khi họ đang ngập trong khoản nợ (1,4 tỷ euro) và thua lỗ do ảnh hưởng nghiêm trọng của 2 năm đại dịch.
Những cầu thủ lương cao và giá đắt như Griezmann là lý do khiến Messi không thể trở lại Barca. Ảnh: Getty. |
Quỹ lương của Barca (bao gồm các đội bóng đá, các đội thể thao khác và nhân viên CLB) ở mùa giải trước lên tới 671 triệu euro và để tồn tại, mùa giải này quỹ lương ấy phải giảm xuống mức 382 triệu euro mà trong đó, lương cho đội 1 (bóng đá) sẽ phải cắt khoảng 200 triệu euro. Nếu không đảm bảo được sự cân đối này, họ sẽ không thể đăng ký thêm cầu thủ nào. Và Messi, ngôi sao lớn nhất của họ, lại nằm ở trong diện chưa đăng ký.
Thực tế, Chủ tịch Laporta đã lường trước được viễn cảnh này, chứ không phải ông bị “úp sọt” bất ngờ bởi La Liga như chúng ta có thể lầm tưởng. Chính vì điều đó, mọi động thái thanh lý môn hộ đã được cố gắng thực hiện. Song, đẩy một cầu thủ lương cao khỏi CLB lúc này là cực khó. Điển hình là Antoine Griezmann, với mức lương khoảng 37 triệu euro mỗi mùa. Ai có thể trả mức lương ấy đây?
Dù chính Griezmann lẫn Barca đều ý thức rằng họ không nên tiếp tục với nhau đi nữa, không một CLB nào có thể đón nhận Griezmann với mức lương khủng khiếp ấy kèm theo phí chuyển nhượng ở giai đoạn này.
Vụ đổi Saul với Atletico khó tựu thành cũng có phần lý do như vậy. Thêm vào đó, bản thân Saul cũng sẽ không thể chấp nhận khoác áo Barca với mức lương chỉ ngang bằng những gì anh nhận ở Atletico. Đàm phán không thành là do chính mức lương không thể được thống nhất.
Và ngoài Griezmann, Barca còn Umtiti, Coutinho, Pjanic với tổng lương khoảng 53 triệu euro. Khi những cá nhân ấy chưa tìm ra được lối thoát, Messi chưa có lối vào. Thật trớ trêu khi nhân vật kiệt xuất góp phần lớn nhất trong việc tạo dựng diện mạo Barca hiện đại lại không thể tìm được lối vào CLB chỉ vì những cá nhân “muốn được chơi với Messi” đã choán hết phần.
Sẽ có nhiều người thắc mắc tại sao La Liga lại có thể “chơi gắt” như vậy khi chính Messi là một phần rất quan trọng để tạo sức hút cho giải đấu và đặc biệt là ở hoàn cảnh ngay cả UEFA còn có 2 năm “ân hạn” về luật công bằng tài chính cho các CLB?
Thực tế, La Liga đang bước vào một kế hoạch cải tổ có thể nói là đồ sộ và họ không thể tỏ ra ưu ái với bất kỳ một đại gia nào.
Barca đấu đến cùng?
Tebas, Chủ tịch của Liga, đã tiến hành một kế hoạch với sự tham gia của 42 CLB thành viên. Ngày 4/8, việc ký kết với quỹ đầu tư CVC đã được tiến hành. CVC sẽ rót 2,7 tỷ euro lập tức cho La Liga như một khoản vay ưu đãi kéo dài 40 năm ở mức lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng.
Khoản tiền 2,7 tỷ euro này được chia cho các CLB theo đúng tỷ lệ chia bản quyền truyền hình và trong đó, Barca nhận được 280 triệu euro, nhưng họ sẽ chỉ được sử dụng 42 triệu từ khoản này cho lương và chuyển nhượng mà thôi.
Joan Laporta có tạo bất ngờ vào phút chót? Ảnh: Getty. |
280 triệu euro mà Barca nhận được thực sự rất đáng giá lúc này, sau khi họ báo lỗ 117 triệu euro ở năm tài khoá 2020. Và CVC thực tế không phải “mua đứt” La Liga như nhiều người lầm tưởng. Khoản 2,7 tỷ euro này chỉ là một phần trong kế hoạch 40 năm mà họ và Liga tiến hành mà thôi.
CVC và La Liga đã thành lập một liên doanh đầu tư (holding) để quản trị và phát triển giải đấu. La Liga góp vốn bằng 10% doanh thu hàng năm của mình.
Thêm vào đó, 2,7 tỷ euro kể trên chính là phần vốn đối ứng của Liga mà CVC ứng cho vay để phục vụ chủ yếu các mục tiêu: Xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cho các CLB, phát triển các kế hoạch thể thao dài hạn, phát triển thương hiệu, phát triển các sản phẩm thương mại và phát triển truyền thông. Mục tiêu mà liên minh La Liga - CVC đặt ra là phải biến Primera Liga trở thành giải đấu số 1 toàn cầu.
Để đi một chiến lược 40 năm như thế, hy sinh những cá nhân siêu sao đương đại, và có phần đã về chiều, như Messi là một câu chuyện không lớn.
Không Messi, có thể La Liga sẽ mất giá trong 2-3 năm nhưng nếu trong 2-3 năm ấy họ đầu tư đúng đắn để sở hữu các siêu sao thế hệ kế tục như Haalland, Mbappe… thì chắc chắn, hy sinh kể trên là xứng đáng. Và bởi vậy, khó có khả năng Barca có thể tạo sức ép lên Tebas và La Liga để có một đặc ân cho Lionel Messi.
Vậy thì tương lai của Messi sẽ như thế nào? Trước khi quyết định giảm 50% lương, Messi từng có lời mời sang MLS với mức lương cao gần gấp rưỡi những gì anh đang nhận (40 triệu euro/mùa). Nhưng nếu giờ này sang MLS, với Messi có thể là chấm hết. Cuối năm 2022 là World Cup rồi, Messi cần nhiều hơn là tiền.
Anh cần một môi trường thi đấu cạnh tranh đủ để có thể duy trì phong độ chờ đợi cơ hội ở World Cup cuối cùng của sự nghiệp. PSG, Man City, Chelsea là những CLB có thể mang lại cho Messi cả cơ hội lẫn mức lương như thế. Nhưng liệu có một cuộc chia tay mãi mãi vì sự không mong đợi hay sẽ chỉ là một cuộc ra đi tạm thời chờ ngày trở lại?
Barca thực ra vẫn có thể tìm được lối thoát nếu như Messi sẵn sàng cho việc trở lại này. Đó có thể là một hợp đồng gia hạn được ký với Barca và liền sau đó là một thoả thuận cho mượn với điều kiện CLB mượn Messi chịu 100% lương của anh trong mùa giải đầu tiên.
Nhưng lúc đó, Barca sẽ vẫn phải đảm bảo rằng trong 1 năm chờ đợi anh trở lại, họ phải đẩy đi được những con người họ thực tế đang không mặn mà và đang chiếm gần 100 triệu euro trong quỹ lương năm của mình là Griezmann, Umtiti, Coutinho, Pjanic…
Messi là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử Barca. Ảnh: BR. |
Việc ấy thực tế có tỷ lệ thành công rất thấp. Và không ai biết sau 1 năm, còn biến cố nào xảy ra. Mà Barca hôm nay là hướng đến tương lai chứ không phải cứ gặm mòn quá khứ và hiện tại. Nếu 1 năm nữa, Pedri trở thành biểu tượng, và muốn một mức lương siêu sao thì sao? Chẳng lẽ, vì Mesi, Barca lại hy sinh đi 1 tài năng trẻ?
Chỉ buồn cho Messi và những ai yêu Barca ở chỗ, lẽ ra đã có một kết thúc đẹp, và trọn vẹn. Khi một siêu sao sẵn lòng giảm lương tới 50%, tức là chấp nhận kiếm ít hơn 20 triệu euro mỗi mùa, điều đó chứng tỏ Messi trân trọng tình cảm với Barca như thế nào.
Nhưng ngay cả sự trân trọng đôi khi cũng không được thực hiện cho toại nguyện. Ấy là điều mỉa mai nhất trong sự việc này. Song, bóng đá là thế. Nó không chỉ đơn thuần là một CLB đá bóng với ai, lối chơi như thế nào mà còn là cả một cỗ máy vận hành với các nguyên tắc thị trường cùng luật chơi chung với bao ràng buộc kinh tế, tài chính.
Thế nên, Messi vẫn phải ra đi, với logo Barca vẫn khắc trong tim anh, để chờ một lối trở về khác, không phải trong tư cách một cầu thủ, mà ở một tư cách có thể sánh tầm Johan Cruyff năm nào.