Bình luận
Thông báo chia tay với cầu thủ ghi 672 bàn thắng trong 16 mùa giải đá đội chính, giành 4 cúp Champions League và 6 Quả bóng Vàng của Barca chỉ có ba đoạn ngắn gọn. Một trong ba đoạn là: “Dù Barca và Messi đã đạt những thỏa thuận để ký một bản hợp đồng mới, điều này có thể không xảy ra bởi các trở ngại về tài chính (các quy định của La Liga)”.
Dồn lỗi sang ban tổ chức La Liga
Nếu chú ý hàng chữ “các quy định của La Liga”, điều đó có nghĩa lỗi không nằm ở Barca hay Messi. Tất cả nằm ở ban tổ chức giải La Liga.
Lương của Leo được cho là 71 triệu euro/năm. Anh đồng ý cắt hơn 50% lương, để nhận khoảng 30 triệu euro mỗi năm cho hợp đồng 5 năm tới.
Siêu sao người Argentina cũng đồng ý những năm đầu của hợp đồng mới này với việc nhận ít tiền hơn. Sau khi tình hình tài chính của Barca được cải thiện, anh có thể nhận con số cao hơn. Nhưng những điều đó vẫn chưa đủ thuyết phục để ban tổ chức La Liga tạo ra ngoại lệ cho Barca giữ chân Messi.
Theo quy định tài chính của La Liga, các CLB chỉ được chi mua cầu thủ và trả lương cầu thủ trong một giới hạn nhất định, làm sao phải đảm bảo tiền thu lớn hơn tiền chi.
Barca trong các mùa qua chi tiền quá nhiều. Ví dụ, mùa bóng 2019/20, họ chi đến 671 triệu euro. Mà nguồn thu lại giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên họ chỉ được phép chi 160 triệu euro mùa 2021/22 này, chỉ bằng 1/4 so với mùa 2019/20.
Con số 160 triệu euro không cho phép Barca đăng ký Messi. Thậm chí, các cầu thủ Barca lấy về theo diện không mất phí chuyển nhượng là Memphis Depay, Sergio Aguero, Eric Garcia, Emerson Royale còn chưa có tên đăng ký thi đấu gửi lên La Liga vì quy định tài chính trên.
Barca vài lần hỏi ướm thử ông Javier Tebas, Chủ tịch ban tổ chức La Liga, xem liệu rằng sẽ có ngoại lệ. Ông Tebas công khai trả lời trên truyền thông: “Chúng tôi vui nếu Messi ở lại. Nhưng việc ở lại của Messi không phải việc của tôi. Barca phải giải quyết các vấn đề tài chính của họ để họ có thể tái ký với Messi”.
Messi chỉ là "quân cờ" trong cuộc đấu trí giữa Barca và ban tổ chức La Liga. Ảnh: Reuters. |
Một đòn nắn gân La Liga
Chúng ta thường nghe những sáo ngữ kiểu “không một ai có thể lớn hơn một đội bóng”. Nhưng thực tế, trong các năm qua, Messi lớn hơn Barca và thậm chí có thể cả La Liga.
Sức hấp dẫn của La Liga với các đài truyền hình là những cuộc đối đầu giữa Barca và Real Madrid. Đó còn là cuộc so tài giữa Messi và Cristiano Ronaldo.
Nhưng Ronaldo đã ra đi. Còn Messi ở lại. Thu nhập của tất cả đội bóng La Liga đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nếu Messi cũng rời đi, mọi chuyện sẽ ra sao?
Vì thu nhập giảm nên La Liga đang đàm phán bán 10% quyền khai thác thương mại của 42 CLB thuộc 2 hạng Primera (nhất) và Segunda (nhì) cho quỹ đầu tư Mỹ CVC Capital Partners, để lấy 2,7 tỷ euro. Lúc này, tất cả CLB đều cần tiền để trả lương cho cầu thủ.
Nếu Messi không hiện diện ở La Liga nữa, CVC Capital Partners liệu sẽ tiếp tục cuộc đàm phán này? Trong trường hợp tiếp tục đàm phán, thì sẽ không còn 2,7 tỷ euro, mà thấp hơn thì các CLB có chấp nhận.
Nên nhớ rằng quy luật Pareto hiện diện ở mọi nơi, nhất là trong làm ăn: 20% CLB hàng đầu sẽ đẻ ra 80% thu nhập. CVC Capital Partners phải ký cả gói để o bế 80% CLB làm ra ít thu nhập, nhằm hưởng thành quả từ 20% CLB làm ra nhiều thu nhập. Không có Messi, thu nhập sẽ giảm đáng kể.
Messi được rất nhiều người hâm mộ yêu mến. Ảnh: Reuters. |
Cơ hội nào để Messi ở lại Barca?
Sau thông báo của Barca, hàng loạt bến đỗ mới cho Messi được truyền thông nhắc đến: PSG, Man City, Chelsea rồi kể cả Mỹ.
Các CĐV khắp nơi cũng gửi lời chào tạm biệt đầy cảm xúc đến Messi qua trang chủ CLB và trên các mạng xã hội. Nhưng chưa có cầu thủ hay HLV Barca nào làm điều này. Bản thân họ chưa tin Messi đi thật.
Câu chuyện dài tập kéo dài suốt 12 tháng qua liên quan đến cầu thủ vĩ đại nhất của La Liga mọi thời đại không thể kết thúc chóng vánh và lạnh lùng như vậy.
Ghế chủ tịch Barca mà ông Joan Laporta mới ngồi lại vào đầu năm nay phụ thuộc nhiều vào tương lai của Messi. Các CĐV Barca sẽ không dung thứ cho ông, nếu để mất Leo. Đặc biệt trong bối cảnh siêu sao người Argentina tình nguyện giảm hơn 50% lương để ở lại rồi. Laporta hiểu hết điều đó.
La Liga dù cố gắng không tạo ra một ngoại lệ, họ có thể sẽ tạo điều kiện để một giải pháp xuất hiện. Nhưng đó cũng sẽ là một bước ngoặt đáng chú ý vì Chủ tịch Tebas công khai về tầm quan trọng của việc tất cả CLB phải tuân thủ các quy tắc kiểm soát tài chính.
Hợp đồng bán 10% quyền khai thác thương mại cho CVC Capital Partners của La Liga cho phép Barca thu được 280 triệu euro trong 3 năm. La Liga quy định, các CLB chỉ được dùng 15% số tiền đó vào mua và trả lương cầu thủ, còn lại là dùng vào hạ tầng, marketing và phát triển thương hiệu.
Nhưng chắc chắn các CLB khó đồng thuận với con số 15% bắt buộc này của ban lãnh đạo giải La Liga, vì tất cả đội bóng đều đang "đói" tiền trả lương cầu thủ. Chỉ cần La Liga thả ra để các CLB toàn quyền định đoạt số tiền thu này là Barca có thể giữ chân Messi ở lại.
Nên tương lai Messi ở lại sân Nou Camp vẫn còn mở rộng.
La Liga từng là cuộc so tài giữa Messi và Ronaldo. Ảnh: Reuters. |
Barca vẫn phải chuẩn bị cho 'hậu Messi'
Hiện tại, hạn chót đăng ký cầu thủ ở La Liga vẫn chưa đến. Messi cũng không có động thái sẽ gia nhập CLB nào, nên cơ hội Barca ký với Messi vẫn còn. Bản thông báo kia không có giá trị pháp lý, thậm chí chỉ có nửa giá trị thông tin.
Tuy nhiên, phải thấy rằng bản thông báo trên không phải trò đùa. Nó được đưa ra nhằm để “nắn gân” ban tổ chức La Liga.
Nhưng nếu ban tổ chức La Liga không bị khuất phục, Barca phải chuẩn bị cho phương án “hậu Messi” trong những mùa bóng tới khi ra bản thông báo. Không Leo, Barca không phải chạy tiền trả lương cho anh nữa, bắt đầu chính sách thắt lưng buộc bụng để cải thiện tình hình tài chính. Và HLV Ronald Koeman có thể xây dựng lối chơi cho Barca như ông mong muốn.
Việc đưa Depay về sân Nou Camp giống như bước chuẩn bị thay Messi. So sánh giữa tài nghệ của Messi với Depay, với các CĐV, đó là "một trời một vực". Nhưng Depay có điểm chung với Messi là hoạt động như số 10, vừa kiến tạo và ghi bàn được. Anh cũng không giỏi trong phòng ngự.
Vậy Barca lấy Depay về, chỉ để anh chạy cánh hoặc chơi ở hàng tiền vệ? Nếu đá biên, cựu sao Man United không bằng Ansu Fati, Martin Braithwaite hay Ousmane Dembele.
Còn đá tiền vệ, trình độ của Depay không tốt như Pedri, Frankie de Jong. Việc đưa Aguero về cũng là một bước tính để chuẩn bị cho giai đoạn “hậu Messi”.
Khả năng săn bàn trong vòng cấm của Aguero đáng nể như Luis Suarez. Gánh nặng tấn công của Barca sẽ được dàn đều trên nhiều đôi vai, chứ không phụ thuộc quá mức vào một cầu thủ như Messi.
Nhưng dù là ai đi nữa, thì cũng không thể bằng Messi được. Các phương án chuẩn bị của Barca là để họ tránh rơi vào bị động. CLB sẽ tìm mọi cách để giữ Messi, kể cả bán rẻ các ngôi sao như Antoine Griezmann hay Dembele, nếu có đội khác mua.