Không có lý do cho việc chuyển hướng, nhưng một hành khách nam đột ngột đứng bật dậy, rút laptop từ trong hành lý xách tay và chuyển cho bạn nữ đồng hành. Điện thoại di động cũng được anh đưa cho đối phương.
Hành khách này là Roman Protasevich - người đang bị truy nã tại Belarus vì đưa tin về các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Minsk vào năm 2020. Với cáo buộc khủng bố và kêu gọi bạo động, Protasevich hiện sống lưu vong tại Ba Lan, quốc gia từng từ chối yêu cầu dẫn độ của Belarus.
Thời gian của Protasevich chỉ còn được tính bằng phút vì Minsk cách Vilnius chưa đầy 200 km.
Chiếc máy bay 4978 của hãng hàng không Ryanair đỗ tại sân bay Vilnius, Lithuania vào ngày 23/5. Ảnh: Reuters. |
Máy bay đột ngột đổi hướng
Chuyến bay Ryanair 4978 có điểm khởi hành tại Athens, Hy Lạp và đích đến là Vilnius, Lithuania. Đây là hai quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn trên đường di chuyển, chiếc máy bay đi qua không phận của Belarus - quốc gia không thuộc EU.
“Khi có thông báo sẽ hạ cánh tại Minsk, Roman đứng lên, mở ngăn trên đầu lấy hành lý và cố phân chia các thứ”, một hành khách người Lithunia cùng bay với Protasevich tên Mantas, cho biết.
“Tôi nghĩ anh ấy đã phạm sai lầm. Ngoài bạn gái, có rất nhiều người mà anh ấy có thể đưa đồ cho như tôi hoặc các hành khách khác. Tôi nghĩ bạn gái anh ấy cũng đã bị bắt”, Mantas nói.
Mantas không biết rằng bên ngoài chiếc Boeing 737 khi ấy là một chiếc tiêm kích phản lực Mig-29 thời Liên Xô. Chiếc tiêm kích này nhận lệnh từ Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko để hộ tống chiếc Boeing 737 về Minsk.
Nguyên nhân chiếc Boeing 737 đột ngột đổi hướng mà các bên liên quan đưa ra hiện chưa thống nhất, theo CNN.
Nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich, người bị cáo buộc tham gia biểu tình trái phép, chờ đợi trước phiên tòa tại Minsk, Belarus vào ngày 10/4/2017. Ảnh: Reuters. |
Hãng hàng không giá rẻ Ryanair cho biết phi hành đoàn của chiếc Boeing 737 “được cơ quan kiểm soát không lưu Belarus thông báo trên máy bay có rủi ro an ninh tiềm tàng và được chỉ dẫn chuyển hướng tới sân bay gần nhất tại Minsk”.
Nhưng nhà chức trách Belarus lại mô tả một diễn biến khác. Thiếu tướng Andrey Gurtsevich, Phó chỉ huy trưởng Lực lượng Phòng vệ Không quân Belarus, khẳng định sau khi phi hành đoàn Ryanair được báo tin “có thể có bom trên máy bay”, chính cơ trưởng là người “quyết định hạ cánh tại sân bay dự phòng Minsk-2”.
Thiếu tướng Gurtsevich còn cho biết chiếc tiêm kích Mig-29 của Không quân Belarus được triển khai để giám sát và “trợ giúp” nếu cần thiết.
Tuy nhiên, lời kể của nhà chức trách Belarus làm dấy lên sự nghi ngờ trong cộng đồng quốc tế, theo CNN. Một phần nguyên nhân là vì khi đổi hướng, chiếc Boeing 737 chở theo 171 hành khách ở gần đích đến tại Vilnius hơn rất nhiều so với Minsk. Nếu có bom trên máy bay, việc kéo dài thời gian trên không là quyết định vô lý.
Khi hạ cánh, chiếc Boeing 737 đã được xe cứu hỏa và lực lượng an ninh cùng cảnh khuyển đánh hơi bom chờ sẵn. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm sau đó không phát hiện bom trên máy bay. Ủy ban Điều tra Belarus, cơ quan điều tra hàng đầu của nước này, cho biết đã mở cuộc điều tra hình sự về hành động hoang báo có bom.
“Đứng một mình”
Protasevich, 26 tuổi, lập tức bị tách riêng ra khỏi đoàn khi máy bay hạ cánh.
“Chúng tôi thấy Roman bị chặn lại do đồ vật gì trong hành lý”, Mantas nói. Anh cho biết những hành khách khác cũng bị kiểm tra hành lý và phải lên bus để tới cổng chờ. “Từ cửa sổ, chúng tôi thấy Roman đứng một mình, một cảnh sát điều khiển cảnh khuyển đang cố tìm thứ gì đó trong hành lý của Roman”.
Trả lời truyền thông Lithuania, một hành khách khác cùng chuyến bay với Protasevich cho biết Protasevich tự xưng danh tính với giới chức an ninh Belarus khi đến nơi. “Tôi nhìn thấy hộ chiếu của anh ấy bị lấy đi. Anh ấy bỏ khẩu trang ra và nói ‘tôi là người ấy đây và tôi là lý do đằng sau mọi chuyện này’”.
Một hành khách khác cho biết Protasevich có vẻ “rất sợ hãi”. “Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ấy, anh ấy rất buồn”, chị này nói.
Tối muộn ngày 23/5, sau hơn 7 tiếng chờ đợi, Mantas cùng các hành khách còn lại của chuyến bay 4978 mới lên máy bay rời Minsk. Họ đều có vẻ ngoài mỏi mệt sau khi đặt chân đến đích tại Vilnius, theo Reuters.
Mantas, hành khách người Lithuania đi cùng chuyến bay với Roman Protasevich. Ảnh: Reuters. |
Mantas nói không biết chắc liệu người bạn gái có đi cùng Protasevich hay không. Nhưng dường như số ghế trống trên hành trình Minsk - Vilnius có vẻ nhiều hơn so với khi máy bay khởi hành từ Athens.
“Như vậy có nghĩa là hơn một người đã bị đưa khỏi máy bay, nhưng khó mà nói chính xác”, Mantas cho biết.
Trong buổi họp báo muộn vào ngày 23/5, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cũng nói cô gái đi cùng Protasevich không lên trở lại máy bay ở Minsk.
Vụ bắt giữ Protasevich khiến Belarus hứng chỉ trích lớn từ các nước EU và đồng minh. EU yêu cầu lập tức phóng thích Protasevich, trong khi người đứng đầu Ủy ban châu Âu và Thủ tướng Ba Lan mô tả sự kiện này là vụ “cướp máy bay”.
Đại sứ Mỹ tại Belarus Julie Fisher lên tiếng trên mạng xã hội Twitter cho biết hành động hoang báo có bom và đưa Mig-29 đến ép Ryanair hạ cánh tại Minsk để bắt giữ nhà báo với cáo buộc chính trị là hành động nguy hiểm.
Hiện chưa rõ liệu EU có khiếu nại sự việc lên Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) - tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm đưa ra quy định về hàng không thế giới - hay không.
Trả lời CNN, ICAO cho biết “trước mắt, đây là vấn đề song phương giữa các quốc gia có liên quan. Mọi cuộc điều tra sẽ phải do nhà chức trách quốc gia thích hợp thực hiện”.
ICAO sau đó nhận định “lo ngại sâu sắc về vụ ép máy bay Ryanair hạ cánh” và hành động này “có thể trái với Công ước Chicago”. Công ước Chicago là văn bản quốc tế quy định nguyên tắc không phận, đăng ký và an toàn tàu bay.