Sự lạnh nhạt trong quan hệ Mỹ-Nga đang khiến nhiều người lo ngại rằng Washington và Moscow có nguy cơ vướng vào một cuộc đối đầu quân sự mà nếu tính toán sai lầm có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân.
Theo AP, các nhà phân tích Mỹ và châu Âu cũng như các sĩ quan quân đội Mỹ đều cho rằng các siêu cường hạt nhân cần đối thoại nhiều hơn.
Nguy cơ tính toán sai lầm
Thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân căn bản đang bị hủy bỏ đồng nghĩa với hạn chế quan trọng cuối cùng để kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược có thể "bốc hơi" trong vòng chưa đầy 2 năm. Khác với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi các thế hệ sống dưới đe dọa của "ngày tận thế" hạt nhân, cả hai quân đội Mỹ và Nga nay hiếm khi có trao đổi.
"Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chúng tôi đều nhận biết được tín hiệu bất thường của mỗi bên. Chúng tôi đã đối thoại với nhau", cựu Đại tướng quân đội Mỹ, người từng là chỉ huy cao nhất của NATO ở châu Âu đến tháng 3/2019, ông Curtis Scaparrotti nói. "Tôi lo ngại vì nay chúng tôi không nắm bắt được điều đó (các tín hiệu)".
Cựu tư lệnh tối cao đồng minh của NATO ở Châu Âu, cựu Đại tướng Mỹ Curtis Scaparrotti trong một cuộc họp ở Vilnius, Litva. Ảnh: AP. |
Khi ông Curtis Scaparrotti giữ vai trò Tư lệnh tối cao Lực lượng Đồng minh châu Âu (SACEUR), ông chỉ gặp Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Nga hai lần nhưng đã nói chuyện với ông này qua điện thoại nhiều lần.
"Cá nhân tôi nghĩ rằng tiếp xúc là một việc rất quan trọng trong việc ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân", ông nói.
Tướng Scaparrotti cho rằng những đối thủ biết về khả năng và ý định của nhau sẽ ít khả năng rơi vào xung đột hơn. "Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta nên liên lạc nhiều hơn với Nga. Điều đó sẽ làm cho hai bên hiểu nhau và nắm được tại sao chúng ta đang làm những việc đang làm".
Mỹ và Nga - hai cường quốc hạt nhân đang kiểm soát hơn 90% vũ khí hạt nhân của thế giới, tuyên bố vào tháng 8 tới sẽ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký từ năm 1987. Trong khi đó, triển vọng mở ra một hiệp ước mới thay thế INF vào năm 2020 vẫn hoàn toàn mờ mịt.
Sau giai đoạn hợp tác hậu Chiến tranh Lạnh về an ninh hạt nhân và các vấn đề quốc phòng khác, mối quan hệ giữa Washington và Moscow bắt đầu xuống dốc, đặc biệt sau khi quân đội Nga đưa quân vào nước Cộng hòa Gruzia thuộc Liên Xô cũ vào năm 2008. Căng thẳng tiếp tục dâng cao khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và chiến sự ở miền đông Ukraine tăng nhiệt. Đáp lại, năm 2016, Quốc hội Mỹ đã hạn chế nghiêm ngặt hợp tác quân sự với Nga.
Dự luật của Quốc hội Mỹ cấm hợp tác quốc phòng với Nga cho đến khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này xác nhận Nga chấm dứt việc "chiếm đóng lãnh thổ Ukraine" và" các hoạt động xâm lược". Dự luật đã được sửa đổi vào năm ngoái cho phép tiến hành các cuộc đàm phán quân sự nhằm giảm bớt nguy cơ xung đột.
Quan hệ phức tạp
Mối quan hệ Nga - Mỹ trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh nổi lên các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, mặc dù Tổng thống Trump bác bỏ những nghi ngờ của các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Moscow nỗ lực can thiệp để tăng cơ hội cho ông chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Sau Hội nghị thượng đỉnh Helsinki với nhà lãnh đạo Nga hồi tháng 7/2018, ông Trump đã công khai khẳng định người đồng cấp Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 12/4, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford đã đổ lỗi cho Nga khiến mối quan hệ Nga - Mỹ rơi vào tình trạng căng thẳng.
"Rất khó để chúng tôi duy trì quan hệ bình thường với một quốc gia không cư xử bình thường trong vài năm qua", ông nói. "Có một số vấn đề lớn ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương cần phải được giải quyết, bao gồm việc Nga đã vi phạm luật pháp, chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế".
Ông Dunford cũng cho biết ông thường xuyên trao đổi với người đồng cấp Nga - Tổng tham mưu trưởng Gerasimov, chỉ có điều hai bên nói về những lập trường khác nhau.
"Lúc này, tôi cảm thấy hài lòng với đối thoại quân sự một đối một để duy trì tính minh bạch và có thể giảm thiếu rủi ro tính toán sai lầm. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có khung giải quyết ở cấp độ quân sự nếu khủng hoảng xảy ra", ông nói.
Mỹ tích cực thực hiện thử nghiệm các tên lửa mới. Trong ảnh là một đợt phóng thử nghiệm tên lửa đánh chặn GBI của Mỹ. Ảnh: MDA. |
James Stavridis, đô đốc hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, người từng là chỉ huy cao nhất của NATO ở châu Âu từ năm 2009-2013, nói rằng phương Tây phải đối đầu với Nga khi cần thiết và không loại trừ khả năng can thiệp vào tình hình Ukraine và Syria. Tuy nhiên, ông tin rằng vẫn có chỗ cho sự hợp tác, chẳng hạn như trong vấn đề Bắc Cực và kiểm soát vũ khí.
"Chúng tôi có nguy cơ lâm vào cuộc Chiến tranh Lạnh mà không bên nào có lợi. Nếu không thường xuyên trao đổi quân sự - chính trị, nguy cơ cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ thực sự đến gần", ông Stavridis bày tỏ.
Không ai có thể đoán trước các tính toán của Nga ở châu Âu nhưng việc thiếu vắng các cuộc đối thoại thường xuyên giữa hai bên đang là nỗi lo ngại của nhiều người.
Đến nay, Moscow vẫn luôn thể hiện sự sẵn sàng đối thoại với Washington, cũng như xây dựng một hiệp ước mới về kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược.
Một nhóm các chuyên gia an ninh từ Mỹ, Canada, Châu Âu và Nga cùng các cựu quan chức hồi tháng 2 đã lên tiếng kêu gọi Washington mở ra các cuộc đối thoại với Moscow để giải quyết khủng hoảng.