Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ rục rịch chế tên lửa hành trình mới sau khi rút khỏi INF

Lầu Năm Góc xác nhận Mỹ đã bắt đầu chế tạo các bộ phận cho một thế hệ tên lửa hành trình mới phóng từ mặt đất, sau khi rút khỏi hiệp ước INF cấm phát triển loại vũ khí này.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vào ngày 1/2 năm nay cho biết Mỹ không còn bị ràng buộc bởi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) và sẽ rút hoàn toàn khỏi hiệp ước này vào tháng 8, lấy lý do phía Nga đã đưa vào sử dụng một loại tên lửa mới mà Mỹ đã liên tục phản đối trong 6 năm, cho rằng nó vi phạm INF.

Tổng thống Vladimir Putin cũng đình chỉ việc Nga tham gia vào INF một tháng sau quyết định của phía Mỹ.

My phat trien ten lua moi sau khi rut khoi INF anh 1
Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Govbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký hiệp ước INF tại Nhà Trắng vào ngày 8/12/1987. Ảnh: Getty.

Lần đầu tiên sau 40 năm

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, bà Michelle Baldanza hôm 11/3 cho biết quân đội Mỹ đã bắt đầu quá trình chế tạo các bộ phận cho loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM) mới của nước này. Đây là lần đầu tiên Mỹ sản xuất những vũ khí như vậy kể từ năm 1980 khi tên lửa hành trình của NATO triển khai khắp châu Âu, đối đầu căng thẳng với những tên lửa SS-20 của Liên Xô lúc đó.

Bà Baldanza cho biết để phản ứng với việc Nga vi phạm hiệp ước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu "nghiên cứu và phát triển các tên lửa thông thường, phóng từ mặt đất, tuân thủ hiệp ước, từ cuối năm 2017".

Người phát ngôn Lầu Năm Góc nhấn mạnh đây chỉ là những tên lửa thông thường, không phải là tên lửa hạt nhân. Bà Baldanza cho biết vì trước đây Mỹ tuân thủ INF, công việc nghiên cứu chỉ diễn ra trong giai đoạn đầu, nhưng bây giờ khi Washington không còn bị ràng buộc với INF, việc nghiên cứu đã được đẩy mạnh, bên cạnh những nỗ lực phát triển.

Bà Baldanza cho biết các công việc đã được bắt đầu để chế tạo "các bộ phận để hỗ trợ quá trình thử nghiệm phát triển những hệ thống này". Bà cũng khẳng định công việc này sẽ không nhất quán với những nghĩa vụ của Mỹ khi tuân thủ hiệp ước.

Kịch bản hậu INF?

Nga từ lâu đã phủ nhận việc phát triển một tên lửa tầm trung có tên gọi 9M729. Tuy vậy, sau khi tình báo Mỹ đưa ra các thông tin về sự tồn tại của loại tên lửa này, phía Nga lập luận rằng tầm bắn của nó dưới 500 km, vì vậy không vi phạm Hiệp ước INF vốn cấm việc nghiên cứu và chế tạo các tên lửa có tầm bắn từ 500-5.500 km.

Lập luận này không được chấp nhận bởi các đồng minh NATO của Mỹ, và họ ủng hộ chính quyền Trump trong việc cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm cho sự kết thúc của INF.

My phat trien ten lua moi sau khi rut khoi INF anh 2
Tên lửa 9M729 được trưng bày tại Kubinka, gần Moscow vào tháng 1/2019. Nga phủ nhận loại tên lửa này vi phạm hiệp ước INF. Ảnh: TASS.

Ông Thomas Countryman, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách an ninh quốc tế và không phổ biến (vũ khí hủy diệt hàng loạt) dưới thời Tổng thống Obama, cho rằng thật thất vọng khi những đồng minh châu Âu đã không gây sức ép nhiều hơn với Nga về vấn đề phát triển tên lửa, trước khi ông Trump rút khỏi INF.

"Nhưng chưa quá muộn cho các quốc gia châu Âu để đưa ra các đề xuất về một kịch bản hậu INF", ông Countryman cho biết. Chuyên gia này hiện đang là chủ tịch của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, một viện nghiên cứu chính sách có trụ sở ở Washington.

Ông nói thêm rằng một thỏa thuận có thể được đưa ra về việc không triển khai các tên lửa của Nga và Mỹ ở châu Âu, hoặc cam kết không chế tạo bất kỳ tên lửa tầm trung mới nào có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

"Bàn tay Chết" trở lại

Ông Serge Rogov, giám đốc viện nghiên cứu Mỹ và Canada tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng sự trở lại của những tên lửa tầm trung ở châu Âu sẽ tạo ra một tình huống nguy hiểm hơn nhiều so với căng thẳng hạt nhân những năm 1980.

Nếu tên lửa mới của Mỹ được triển khai ở các nước vùng Baltic hoặc Ba Lan thì thời gian để chúng bay tới lãnh thổ Nga sẽ chỉ là ba hoặc bốn phút, ông Rogov phát biểu tại Hội nghị Chính sách Hạt nhân Quốc tế của viện Carnegie ở Washington.

Chuyên gia này cho rằng điều đó sẽ khiến cho các hệ thống cảnh báo sớm của Nga trở nên vô dụng, đặt Nga vào tình thế phải thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu chống lại vũ khí của Mỹ, hoặc quay trở lại hệ thống phòng thủ Perimeter thời Chiến tranh Lạnh. Hệ thống này còn được gọi là "Bàn tay Chết" vì nó sẽ tự động kích hoạt một vụ tấn công hạt nhân đến kẻ địch trong trường hợp hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Nga bị tấn công.

My phat trien ten lua moi sau khi rut khoi INF anh 3
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tại điện Kremlin vào ngày 23/10/2018. Ông Bolton tới Nga ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố kế hoạch rút khỏi INF. Ảnh: AFP.

Ông Rogov cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã trấn an với ông vào tháng 10 năm ngoái rằng việc Mỹ rút khỏi INF không thể hiện ý định thù địch với Nga, nhưng ông Bolton không thể đảm bảo rằng những tên lửa Mỹ sẽ không được triển khai gần biên giới Nga.

"Tôi bị bất ngờ bởi tốc độ đưa ra quyết định về việc phát triển những tên lửa này", ông Rogov nhận định. "Và điều này diễn ra mà không có các hiệp ước ràng buộc pháp lý, do đó có thể dẫn tới những hỗn loạn".

Bà Heather Williams, giảng viên nghiên cứu quốc phòng tại King's College London, cho rằng việc phát triển tên lửa không đồng nghĩa với việc chúng xuất hiện ở châu Âu.

"Tuy nhiên, những nhận thức sai lầm này đang là một phần của vấn đề", bà Williams nhấn mạnh.

TT Trump đòi 8,6 tỷ USD xây tường biên giới, quyết đấu với phe Dân chủ

Ông Trump sẽ tiếp tục cuộc chiến với phe Dân chủ bằng cách yêu cầu quốc hội phê duyệt khoản kinh phí 8,6 tỷ USD để nâng cấp hàng rào an ninh trên tuyến biên giới với Mexico.

Sau 1 năm, cố vấn ‘diều hâu’ thao túng chính sách TT Trump ra sao?

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton có nhiệm vụ biến quan điểm của Tổng thống Trump thành chính sách cho guồng máy ngoại giao của Mỹ. Nhưng ông luôn hướng tổng thống theo ý mình.

Quốc Thăng

Bạn có thể quan tâm