Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau 1 năm, cố vấn ‘diều hâu’ thao túng chính sách TT Trump ra sao?

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton có nhiệm vụ biến quan điểm của Tổng thống Trump thành chính sách cho guồng máy ngoại giao của Mỹ. Nhưng ông luôn hướng tổng thống theo ý mình.

Với ông chủ Nhà trắng không có kinh nghiệm ngoại giao, kể từ khi được bổ nhiệm ngày 22/3/2018, ông Bolton có cơ hội trực tiếp cố vấn để tổng thống nghiêng theo chiến lược mà ông muốn.

Sau gần tròn một năm ông Bolton gia nhập Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), ông đã ảnh hưởng sâu rộng tới guồng máy ngoại giao của Tổng thống Trump.

chinh sach doi ngoai Trump anh 1
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Ảnh: AP.

Thay đổi chức vị cố vấn an ninh quốc gia

Cương vị cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Bolton đã thay đổi, từ một người trung gian, tổng hợp, truyền tải các chính sách an ninh quốc gia giữa các bộ ngành, ông trở thành một người tự mình quyết định xem tổng thống sẽ nghe và đọc những gì.

Đây là điều có thể thấy sau một loạt cuộc phỏng vấn các quan chức và cựu quan chức trong chính quyền Mỹ mà báo Washington Post thực hiện.

Ông Bolton đã giảm thiểu các cuộc họp trong đó các quan chức an ninh quốc gia trình bày các lựa chọn cho tổng thống. Ông còn thay các chuyên gia bằng những người hoạt động chính trị có đường lối giống mình và vốn có ít kinh nghiệm xây dựng chính sách.

Việc tổng thống Mỹ không mấy hứng thú đọc các báo cáo dài hay tham khảo ý kiến chuyên gia khiến ông Bolton càng dễ dàng thao túng quy trình ra chính sách đối ngoại.

chinh sach doi ngoai Trump anh 2
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton trong một buổi họp nội các ở Nhà trắng ngày 9/4/2018. Ảnh: Reuters.

Riêng về Triều Tiên, Tổng thống Trump đã bác lời khuyên của ông Bolton khi hào hứng đối thoại, nhưng ông Bolton đã giành được ảnh hưởng trong nhiều vấn đề khác mà ông tâm huyết từ lâu như dừng thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga hay các hiệp định đa phương.

Theo sự cố vấn của ông, chính quyền Trump đã rút khỏi các thỏa thuận lớn với Nga và Iran, lên án Tòa án Hình sự Quốc tế, và cắt giảm sự hợp tác với Liên Hợp Quốc, tổ chức mà ông Bolton luôn cho là lãng phí và thiếu năng lực.

Dành nhiều thời gian với tổng thống nhất

Ảnh hưởng của ông Bolton được minh họa trong chính sách nhập nhằng của Tổng thống Trump với Syria năm ngoái. Ông Trump đã hứa rút quân Mỹ khỏi Syria “rất sớm”, nhưng Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối vì Nhà nước Hồi giáo (IS) chưa bị đánh bại.

Nếu vậy, thông thường, cố vấn an ninh quốc gia sẽ tập trung một cuộc họp giữa tổng thống cùng các quan chức cao cấp để giải quyết khác biệt và chọn ra một chiến lược. Nhưng ông Bolton đã chọn cách giải quyết khác.

Ông nói với các quan chức cao cấp rằng ông Trump khi gặp riêng Tổng thống Nga Putin tháng 7/2018 tại Helsinki đã nói quân Mỹ sẽ ở lại Syria chừng nào Moscow chưa yêu cầu được Iran rút quân. Không có lý do gì để nghi ngờ ông Bolton, các quan chức Lầu Năm góc và Bộ Ngoại giao ngay lập tức xây dựng chiến lược nhằm mục đích khiến Iran rút quân.

Nhưng trên thực tế, ông Trump chưa hề chấp thuận chính sách đó - gắn việc rút quân Mỹ với việc Iran rút quân, theo một số quan chức cao cấp. Tháng 12/2018, ông Trump khiến bộ máy ngoại giao ngạc nhiên khi đăng lên Twitter “đã đến lúc phải đưa các thanh niên tuyệt vời của chúng ta về nước”.

Hiện vẫn chưa rõ ông Trump đã thảo luận gì với ông Putin ở Helsinki.

chinh sach doi ngoai Trump anh 3
Ông Trump tuyên bố đã đánh bại IS và yêu cầu rút quân về nước tháng 12/2018. Ảnh: Reuters.

Các nhân viên NSC nói với Washington Post rằng so với người tiền nhiệm H.R. McMaster, cách làm việc của ông Bolton “chuyển từ luôn mở cửa văn phòng sang luôn đóng cửa văn phòng”. Ông rất ít khi nói chuyện với cấp dưới trong NSC.

Một quan chức cao cấp nói với Washington Post rằng ngay từ đầu, ông Bolton đã nói “việc của tôi là cố vấn cao cấp cho tổng thống”. Thay vì điều phối các buổi họp và đưa đến các góc nhìn đa dạng cho tổng thống, ông Bolton đã nói ông sẽ dành nhiều thời gian trực tiếp bên ông Trump nhất có thể.

Các chính sách bị “kẹt xe”

Cách tiếp cận này của ông khiến các buổi họp về an ninh quốc gia giữa lãnh đạo các nhánh trong chính quyền giảm hẳn.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trước khi rời nhiệm sở đã viết bức thư chỉ trích ông Bolton, nói rằng quá trình xây dựng chính sách đang bị tắc nghẽn. Chẳng hạn, không có cuộc họp quan chức cao cấp nào trước khi Mỹ rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga gần đây.

Người phát ngôn của NSC cho biết vẫn có các cuộc gặp gỡ một – một. Ông Bolton cũng ăn sáng mỗi tuần với Ngoại trưởng Mike Pompeo và với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan, nhưng các cuộc họp không được ghi lại để truyền đạt thông tin cho các chuyên gia khác trong chính phủ, vốn đang cảm thấy bị gạt ra ngoài các cuộc tranh luận.

Nhiều cuộc họp cả cấp cao và cấp thấp đã diễn ra xoay quanh vấn đề Syria, nhưng theo nhận định của Washington Post, đó là những trao đổi không chính thức và không có quy trình để hòa hợp những ý kiến trái chiều và giúp tổng thống đưa ra quyết định rõ ràng.

Thiếu những cuộc họp tập thể, và không tin tưởng ông Bolton sẽ truyền đạt chính xác ý kiến cho tổng thống, một số quan chức trong nội các đã tìm cách riêng để gặp gỡ tổng thống. Ông Pompeo, tuy cũng theo đường lối bảo thủ và cứng rắn như Bolton, vẫn cố giữ lấy thời gian gặp riêng Tổng thống Trump.

chinh sach doi ngoai Trump anh 4
Các quan chức trong nội các không tin tưởng ông Bolton sẽ truyền đạt chính xác ý kiến của họ cho tổng thống Mỹ, theo Washington Post. Ảnh: AP.

Thay chuyên gia bằng nhà hoạt động chính trị

Ông Bolton đã mang lại thay đổi lớn cho nhân sự của NSC. Nhân sự của NSC thường là các chuyên gia đến từ các cơ quan khác trong chính phủ như ngoại giao, quốc phòng, tình báo, theo thời hạn 1-2 năm và có vai trò phi chính trị.

Tuy nhiên khi các vị trí đó mãn hạn, ông Bolton đã để trống hoặc tuyển mộ những nhà hoạt động chính trị ủng hộ đường lối giống ông.

Chẳng hạn, chức giám đốc NSC phụ trách Mỹ Latin được dành cho Mauricio Claver-Carone, người gây quỹ chính trị lâu năm và chuyên vận động hành lang cho việc trừng phạt Cuba, thay thế người tiền nhiệm là sĩ quan tình báo gạo cội của CIA.

Mảng Iran được trao cho Richard Goldberg, người trước đó đã vận động cho chính sách thay đổi chính thể ở Iran thông qua sức ép kinh tế và ngoại giao.

Ở cấp cao nhất của NSC, vị trí giám đốc truyền thông chiến lược được giao cho Sarah Tinsley, trước là giám đốc một ủy ban hành động chính trị và một quỹ cổ súy cho đường lối chính trị giống ông Bolton.

Phó cố vấn an ninh quốc gia cũng được thay thế bằng Charles Kupperman, người từng có nhiều năm trong hội đồng một tổ chức nghiên cứu bị chỉ trích là đã truyền bá các thuyết âm mưu chống người Hồi giáo.

Biết vị trí của mình

Theo lời kể của một nhà bình luận trên Fox News, ông Bolton là người có đường lối “diều hâu” cứng rắn nhất ở Washington. Ông thường xuyên kêu gọi thả bom Iran và Triều Tiên, và điều này gây sự chú ý của ông Kim Jong Un.

Trong bữa trưa ở hội nghị thượng đỉnh lần đầu ở Singapore tháng 6/2018, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói với Bolton rằng ông Bolton “nổi tiếng” ở Triều Tiên, và đề nghị cùng nhau chụp ảnh để cải thiện hình ảnh của ông Bolton trong mắt những nhân vật cứng rắn trong chính nội bộ Triều Tiên. Điều này khiến ông Bolton phải cười.

chinh sach doi ngoai Trump anh 5
Ông John Bolton (bìa trái) trong buổi hội đàm giữa đoàn Mỹ và đoàn Triều Tiên tại khách sạn Metropole ở Hà Nội ngày 28/2. Ảnh: Reuters.

Đường lối “diều hâu” cứng rắn của ông Bolton đã có lúc va chạm với ý tưởng “nước Mỹ trên hết” của ông Trump, đặc biệt trong quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria.

Ông Trump quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bảo đảm sẽ dùng quân đội mình để diệt sạch Nhà nước Hồi giáo. Ông Boston đã dành nhiều ngày để thuyết phục ông Trump thay đổi quyết định.

Cuối cùng, tổng thống đã quyết định giữ 400 lính ở Syria, phương án được quân đội ủng hộ. Trong đó 200 lính sẽ ở miền Nam để ngăn Iran sử dụng đường cao tốc nối thủ đô Tehran của Iran và thủ đô Damascus của Syria – chính là mong muốn hàng đầu của ông Bolton.

Có người nói với Washington Post rằng không phải ông Bolton muốn phá hoại kế hoạch của tổng thống, còn người khác lại nói ông Bolton muốn tham gia vào mọi chuyện. Nhưng người này cũng nói với Washington Post rằng ông Bolton biết vị trí của mình. “Ông ấy hiểu rằng mình không phải là người quyết định cuối cùng”.

Cố vấn an ninh quốc gia 'diều hâu' đầy quyền lực bên TT Trump

Ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, đang bị chỉ trích về cách làm việc khi nhiều người cho rằng ông không tham vấn ý kiến các quan chức cấp cao khác.

Cố vấn an ninh diều hâu 'tắt tiếng' trước cuộc chơi Mỹ - Triều

Bolton, người vừa được TT Trump sắp đặt vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia đã không còn tiếng nói trong các cuộc thảo luận về Triều Tiên sau phát ngôn tai hại về "mô hình Libya".

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm