Ngay sau khi trở thành cố vấn an ninh quốc gia thứ ba trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, ông John Bolton cho đặt một bức tranh có khung bằng vàng ở trên tường chỗ làm việc của mình tại Cánh Tây của Nhà Trắng.
Nội dung của bức tranh là cảnh Tổng thống Geogre H.W Bush ngồi bên Chiếc Bàn Kiên Định (Resolute Desk) trong Phòng Bầu Dục, xung quanh là phó tổng thống, cố vấn an ninh quốc gia và các bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng. Tất cả đang thảo luận kế hoạch xâm lược Iraq hồi năm 1990.
Khác những người tiền nhiệm
Theo Wall Street Journal, bức tranh này dường như là biểu tượng cho cách làm việc của ông Bolton. 7 tháng sau khi bước vào Nhà Trắng, ông Bolton, người sẽ bước sang tuổi 70 vào ngày 20/11, ưa thích làm việc nhóm nhỏ với các quan chức cấp cao để đưa ra những quyết định quan trọng.
Ông Bolton đã cắt giảm số lượng người tham gia vào các cuộc thảo luận về an ninh quốc gia, và cũng tổ chức ít cuộc họp hơn so với những người tiền nhiệm. Bình thường thì cố vấn an ninh quốc gia sẽ chủ trì những buổi họp thường xuyên của “Ủy ban các thành viên chủ chốt” (Principals Committee), bao gồm 12 thành viên cấp cao trong nội các để thảo luận chính sách an ninh quốc gia.
Thay vào đó ông Bolton chỉ trao đổi với Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis trong bữa sáng hoặc bữa trưa, và liên tục có các cuộc gặp riêng với Tổng thống Trump.
Dù ông Bolton đã thực hiện được nhiều chính sách quan trọng trong quãng thời gian làm việc ở Nhà Trắng, phong cách làm việc theo kiểu quyền lực tập trung của ông đã khiến cho nhiều quan chức khác trong Nhà Trắng khó chịu. Những người này cho rằng Hội đồng An ninh Quốc gia đang không tham vấn đầy đủ các quan chức Nhà Trắng để phối hợp đưa ra các chính sách an ninh quốc gia.
Nhiều người cho rằng ông Bolton có khả năng tác động đến việc đưa ra chính sách an ninh quốc gia của Tổng thống Trump. Ảnh: AFP. |
"Tổng thống Bolton"
Một quan chức Nhà Trắng chia sẻ: “Vai trò của cố vấn an ninh quốc gia là thúc đẩy các kế hoạch của Tổng thống và phối hợp hiệu quả cùng các quan chức khác, chứ không phải để thúc đẩy các kế hoạch của bản thân. Hiện tại thì quy trình phối hợp đã bị phá vỡ”.
Gần đây, quyền lực của ông Bolton đã bị thách thức, sau khi văn phòng Đệ nhất phu nhân Melania Trump có động thái bất ngờ, đòi sa thải Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mira Ricardel, người được ông Bolton lựa chọn.
Ông Bolton, người từ lâu đã nổi tiếng với phong cách diều hâu của mình, cũng từng có mâu thuẫn với Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen trong vấn đề đối phó với người nhập cư ở biên giới với Mexico.
Việc ông Bolton có khả năng tác động đến các ưu tiên của Tổng thống Trump khiến cho cố vấn an ninh quốc gia bị chỉ trích, thậm chí còn có người gọi ông là “Tổng thống Bolton”. Những đồng minh của ông Bolton cho rằng biệt danh này sẽ khiến cho Tổng thống Trump không hài lòng, vì ông Trump là người thường muốn mọi sự chú ý đổ dồn vào mình.
Ông Elliot Abrams, người là bạn lâu năm của ông Bolton, và cũng từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George Bush, nhận định nếu cách ông Bolton cư xử khiến cho mọi người gọi ông là ‘Tổng thống Bolton’ thì vị trí của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ sẽ lung lay dữ dội.
“Điều quan trọng là không được để tổng thống nghĩ như vậy, và John hiểu điều đó hơn ai hết”, ông Abrams cho biết.
Trong vòng 7 tháng vừa qua, ông Bolton đã thực hiện rất hiệu quả chính sách “Đặt nước Mỹ lên trên hết” trong lĩnh vực an ninh quốc gia của Tổng thống Trump. Ông Bolton đứng đầu các kế hoạch rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, giảm bớt sự ủng hộ với Liên Hợp Quốc và là người dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến Moscow để xây dựng một quan hệ mới với Nga.
Ông Bolton từng có giai đoạn làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc từ tháng 8/2005 đến tháng 12/2006 dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ảnh: AFP. |
Ông Bolton, với kinh nghiệm từng là Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cùng vị trí hiện tại ở Cánh Tây Nhà Trắng, cũng từng cho thấy vai trò như một chuyên gia về chính sách tân bảo thủ và một nhà bình luận cho kênh Fox News. Ông từng bày tỏ sự phản đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), và rút hỏi hiệp ước hạt nhân quan trọng với Nga.
"Thông minh và đầy kinh nghiệm"
Phương pháp làm việc của ông Bolton, bên cạnh việc gây khó chịu cho một số quan chức, cũng thu hút sự ngưỡng mộ từ những người khác.
Ông Stephen Hadley, người từng là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống George W. Bush cho rằng: “Bản năng của ông ấy giống với tổng thống hơn là những người tiền nhiệm. Ông ấy thích việc phát biểu trước truyền thông, một điều mà tổng thống sẽ hài lòng, nhưng ông ấy cũng rất thông mình và đầy kinh nghiệm. Đối với tổng thống thì ông ấy là cố vấn an ninh quốc gia tốt nhất”.
Ông Bolton bác bỏ thông tin cho rằng ông đang có những tác động đến tổng thống để áp đặt những chính sách của riêng mình.
Trả lời phỏng vấn trong một sự kiện ở Washington, ông Bolton cho biết: “Tôi đưa ra lời khuyên với tổng thống và ông ấy sẽ quyết định điều ông ấy muốn làm. Tôi muốn nói như thế này: Tôi là cố vấn an ninh quốc gia, chứ không phải người quyết định an ninh quốc gia”.
Ông Bolton đến Nhà Trắng sau khi hai cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của Tổng thống Trump phải rời đi sớm hơn kỳ vọng. Ông Micheal Flynn bị sa thải sau 24 ngày làm việc vì cáo buộc có liên hệ với quan chức Nga. Trong khi đó tướng H. R. McMaster phải ra đi sau khi bị chỉ trích vì đã không thúc đẩy chương trình nghị sự của ông Trump.
Tại Nhà Trắng, ông Bolton mang tới những đồng minh có cách suy nghĩ giống mình, bà Ricardel đảm nhận vai trò phó cố vấn, và ông Fred Fleitz là chánh văn phòng. Cả hai người này đều đã rời đi. Sự thẳng thắn của bà Ricardel khiến cho bà này trở nên đơn độc trong Nhà Trắng, và những tranh cãi giữa bà và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis khiến mọi thứ càng xấu đi.
Ông Fleitz cũng mới từ chức sau những bất đồng với bà Ricardel, và theo lời các quan chức Nhà Trắng, khi còn làm việc ông này cũng tỏ ra chật vật để hoàn thành nhiệm vụ.
Các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia phàn nàn rằng họ không còn nhiều ảnh hưởng trong việc đưa ra những chính sách quan trọng, như họ đã từng có dưới thời tướng McMaster. Ông Bolton thường muốn các nhân viên đưa ra ý kiến bằng văn bản, trong khi đó tướng McMaster tổ chức thường xuyên những cuộc họp với các thành viên của hội đồng.
Ông Mike Pompeo đang đứng đầu các cuộc đàm phán với Triều Tiên, trong khi đó bản thân ông John Bolton là quan chức cấp cao nhất trong nội các tham gia các cuộc đối thoại với Nga. Tuy nhiên các quan chức khác cho rằng ông Bolton không hề cho các nhân sự quan trọng khác biết được quyết định của Tổng thống Trump.
Ông Bolton trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2018. Ảnh: AP. |
Một quan chức cấp cao cho biết: “Sự phối hợp trở nên rất tệ trong một vài vấn đề, từ Syria, Iran, Nga và thậm chí là vấn đề biên giới, những nỗ lực liên ngành thường bị đặt ra ngoài hoặc cản trở bởi người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia”.
Một số quan chức khác cho biết, họ bất ngờ với chính sách ngoại giao quan trọng đầu tiên của ông Bolton, trong đó chỉ trích mạnh mẽ Tòa án Hình sự Quốc tế và cho rằng có nhiều vấn đề khác quan trọng hơn.
Ông Bolton cũng nhắm đến Liên Hợp Quốc, tổ chức mà từ lâu ông cho rằng thiếu hiệu quả và không liên quan. Trước khi nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia, ông Bolton nêu ý kiến trên tờ Wall Street Jounal, cho rằng Mỹ nên rút các khoản viện trợ cho Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, và kêu gọi giải tán một cơ quan của Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ đặc biệt giúp đỡ người tị nạn Palestin.
Sau khi ông Bolton trở thành cố vấn an ninh quốc gia, Mỹ là nước đầu tiên rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, và chính phủ nước này cắt giảm một nửa viện trợ với Cơ quan Cứu trợ và Làm việc giúp đỡ Người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc.
Khi được hỏi vào tháng 9 tại sao nước Mỹ không rút luôn khỏi Liên Hợp Quốc, ông Bolton trả lời: “Không đáng để làm vậy”.