Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phe 'diều hâu' lấn át đại sứ yêu thích một thời của TT Trump

Đại sứ Haley có thể là nhân vật trung tâm bên cạnh TT Trump tại LHQ. Tuy vậy, sự xáo trộn nội các và những lần "việt vị" làm dấy lên hoài nghi về chỗ đứng của bà trong chính quyền.

.

Từ khi được bổ nhiệm, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt nổi bật của chính quyền Mỹ và là người tiên phong truyền bá quan điểm rằng khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump không có nghĩa “Nước Mỹ một mình”.

Tuần này, khi ông Trump lần thứ hai góp mặt tại phiên họp lãnh đạo các quốc gia của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, bà Haley có thể lại là nhân vật trung tâm. Phiên họp sẽ chứng kiến mối quan hệ thân thiết giữa tổng thống và đại sứ, một trong số ít những cấp dưới thường trao đổi trực tiếp với ông.

Dù vậy, vai trò trước công chúng của bà Haley dường như ngày càng thu hẹp sau hàng loạt xáo trộn nội các trong năm qua. Những cố vấn có phần "diều hâu" - những người thúc đẩy chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc trên các lĩnh vực thương mại, nhập cư và đối ngoại - mới là phe gây ảnh hưởng lên tổng thống.

Đại sứ Haley nhiều lần thông báo các chính sách và kế hoạch mà sau đó nhanh chóng bị thay đổi. Những vụ việc này đặt nghi vấn về chỗ đứng của bà trong chính quyền trong lúc Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton lên thay thế những người tiền nhiệm theo tư tưởng ôn hòa hơn.

dai su My tai Lien Hop Quoc anh 1
Bà Nikki Haley là một trong số ít các quan chức thường trao đổi trực tiếp với tổng thống. Ảnh: Washington Post.

Cùng lúc đó, sức ảnh hưởng của đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc còn bị bào mòn bởi những chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Trump, gồm việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, cắt viện trợ với Palestine và tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Bà Haley ủng hộ tất cả các lập trường trên của tổng thống. Tuy từng thất bại trong nhiều cuộc tranh luận về chính sách, trong đó có việc thắt chặt số lượng người tị nạn được phép tái định cư tại Mỹ, bà đồng tình rằng sự hào phóng của Mỹ không nên bị lãng phí vào những đối tượng không xứng đáng hoặc không biết ơn.

“Mục tiêu của chúng tôi, với tư cách một chính phủ, là làm sao để người dân Mỹ tự hào và chúng tôi có thể làm gì để thực sự đáp ứng những kỳ vọng đó”, Đại sứ Haley khẳng định trước thềm chuyến đi dự họp Liên Hợp Quốc của ông Trump.

Theo các quan chức, Tổng thống Trump sẽ có bài phát biểu về chủ quyền Mỹ và viện trợ nước ngoài vào ngày 25/9. Cố vấn Stephen Miller, người được cho là tác giả của chính sách nhập cư nghiêm ngặt và đôi khi là địch thủ của bà Haley, đảm nhiệm vai trò chính trong việc soạn thảo diễn văn cho tổng thống tại Liên Hợp Quốc.

“Ông ấy sẽ nhấn mạnh rằng dù nước Mỹ rất hào phóng, chúng tôi sẽ chỉ hào phóng với những ai chia sẻ cùng giá trị, các nước muốn hợp tác, chứ không phải những bên muốn ngăn chặn nước Mỹ hay nói rằng ghét Mỹ”, Đại sứ Haley phát biểu tại cuộc họp báo ở Liên Hợp Quốc hôm 20/9.

Lu mờ trước "diều hâu"

Điều trùng hợp là Mỹ giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng này, tức bà Haley có thể triệu tập phiên thảo luận về các chủ đề được quan tâm đặc biệt của chính quyền Trump, gồm cuộc khủng hoảng ở Venezuela, Nicaragua và việc Triều Tiên lách lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Chức chủ tịch luân phiên cũng đồng nghĩa với việc ông Trump và ông Pompeo có thể lần lượt chủ trì phiên thảo luận trong kỳ họp Đại hội đồng thường niên.

Ngoại trưởng Pompeo, cấp dưới thân cận của tổng thống Mỹ, sẽ lần đầu góp mặt tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với chương trình nghị sự tập trung vào Triều Tiên. Tại phiên họp do ông chủ trì, ông Pompeo dự kiến bày tỏ hy vọng của tổng thống về tiến trình phi hạt nhân hóa trong hòa bình của Triều Tiên và cảnh báo các quốc gia vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với nước này.

Đại sứ Haley là nhân vật nổi bật khi nhắc đến vấn đề Triều Tiên trong năm đầu của chính quyền Trump. Lúc đó, ông Rex Tillerson giữ chức ngoại trưởng và trọng tâm được đặt ở việc vận động sự ủng hộ quốc tế để thắt chặt cấm vận.

Tuy nhiên, khi lối tiếp cận của Mỹ giờ có xu hướng chuyển sang ngoại giao thượng đỉnh, ông Pompeo là người đàm phán then chốt và hình ảnh của đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dần bị lu mờ.

“Tầm ảnh hưởng của bà Haley lên cao nhất vào thời kỳ Rex Tillerson giữ chức. Thiên hướng lui về sau của ông ấy cho phép bà chiếm lấy sân khấu và trở thành tiếng nói cho những chính sách của Mỹ”, Molly Montgomery, chính trị gia từng làm việc trong văn phòng Phó tổng thống Mike Pence, cho biết. “Một cách tự nhiên, giờ bà ấy ít nổi bật vì ông Pompeo tiếp xúc nhiều hơn với chính phủ các nước và báo chí”.

dai su My tai Lien Hop Quoc anh 2
Ngoại trưởng Mike Pompeo gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 5. Ảnh: AP.

Đối với các vấn đề chuyên sâu liên quan đến Liên Hợp Quốc, như nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở châu Phi, bà Haley được cựu cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster để cho hoạt động tương đối rộng. Ông McMaster vốn không có hứng thú với việc can thiệp ở cấp vi mô những chính sách tại Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, Cố vấn An ninh John Bolton khi nhậm chức đã xáo trộn nhân sự trong Hội đồng An ninh Quốc gia và cắt giảm những hội nghị cấp cao mà bà Haley thường dự. Các cựu quan chức Mỹ cho rằng ông Bolton có thể sẽ muốn chỉ đạo cách bà Haley làm việc bởi bản thân ông từng giữ chức tương tự, có hiểu biết sâu sắc và tỉ mỉ về Liên Hợp Quốc.

“Giờ ông Bolton tham gia nhiều vào các vấn đề của Liên Hợp Quốc hơn người tiền nhiệm. Ông ấy quan tâm tới cơ chế này và đã có kinh nghiệm tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York dưới thời Tổng thống George W. Bush”, bà Montgomery nhận định.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Bolton và bà Haley có quan hệ khăng khít. Mối quan tâm của cố vấn an ninh quốc gia chưa gây tổn hại gì cho bà. Tuy nhiên, những cấp dưới lâu năm của ông Bolton dự báo căng thẳng giữa hai người là không tránh khỏi.

“Ông Bolton toàn quyền điều hành Hội đồng An ninh Quốc gia. Đương nhiên ông ấy sẽ sử dụng tầm ảnh hưởng của mình với Đại sứ Haley”, Mark Groombridge, cựu cố vấn của ông Bolton tại Bộ Ngoại giao và Liên Hợp Quốc, nhận định.

Trong lúc đó, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Garrett Marquis nói ông Bolton “đang điều phối thành công chính phủ để thực hiện chương trình nghị sự của tổng thống”.

Trước khi nhậm chức tại Nhà Trắng, ông Bolton chỉ trích quyết định của Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama trong việc coi chức vụ tại Liên Hợp Quốc là tương đương thành viên nội các. Theo ông, điều này thổi phồng tầm quan trọng của Liên Hợp Quốc trong quá trình ra quyết định của Mỹ và tạo cấu trúc quyền lực không bền vững với hai thành viên nội các trong cùng một cơ quan (tức ngoại trưởng và đại sứ ở Liên Hợp Quốc cùng thuộc Bộ Ngoại giao).

Dù vậy, theo một quan chức cấp cao, bà Haley chỉ nhận công việc nếu được tương đương với chức vụ trong nội các và tổng thống Mỹ đã đồng ý. Ông Bolton cũng không hề coi đây là vấn đề.

“Ông ấy chưa từng đối xử với bà Haley thấp hơn mức thành viên nội các. Theo một cách nào đó, bà ấy nghĩ rằng lối tiếp cận của ông Bolton thích đáng hơn. Có thể trước đây có quá nhiều cuộc họp và giờ mọi thứ vận hành tốt hơn”, người này nói.

Những lần "việt vị" của đại sứ

Ông Bolton, tương tự như ông Pompeo, có được sự tự tin của tổng thống mà những người tiền nhiệm trước đây không có. Điều này giúp quá trình hoạch định và giám sát chính sách an ninh quốc gia trôi chảy hơn, nhưng cũng không ngăn được hai vụ việc, một được gọi là “thiếu thông tin liên lạc” và vụ còn lại là “sai lầm”.

Tháng 9, Đại sứ Haley nói Tổng thống Trump sẽ chủ trì phiên thảo luận tại Hội đồng Bảo an về Iran nhưng các quan chức khác sau đó cho biết chương trình nghị sự mở rộng tới vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Sự thay đổi này làm dấy lên cuộc tranh luận về khả năng rạn nứt thêm sâu sắc giữa Mỹ với các đồng minh Anh, Pháp về thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump đã rút khỏi, cũng như những rắc rối tiềm tàng khi đưa tổng thống Mỹ và đại diện Iran vào ngồi cùng bàn.

dai su My tai Lien Hop Quoc anh 3
Tổng thống Trump cầm trong tay quyết định khôi phục cấm vận với Iran sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 5. Ảnh: AFP.

Hôm 20/9, bà Haley chính thức thông báo sự thay đổi trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, sự đính chính chỉ xuất hiện sau khi nhiều ngày đã trôi qua và không rõ liệu bà đã “cầm đèn chạy trước ôtô” hay không được thông tin đầy đủ.

Tuy vậy, một ngày sau, chính Tổng thống Trump đăng Twitter rằng ông sẽ chủ trì phiên họp “về Iran”. Theo hai quan chức nhà Trắng giấu tên, điều đó nên được hiểu như sự xác nhận rằng ông Trump vẫn thích trọng tâm cũ hơn.

“Chủ đề Iran được thảo luận kỹ lưỡng trong cơ quan an ninh quốc gia trước khi được thông báo. Sau đó, họ cân nhắc lại xem liệu đây có phải hướng đi tốt nhất. Bà ấy nằm trong nhóm thảo luận chủ đề, đồng ý mở rộng chương trình nghị sự và nghĩ rằng lối tiếp cận mới là tốt hơn”, theo nguồn tin.

Ý định hành xử của chính quyền Trump với Iran hiện còn là ẩn số. Hôm 23/9, Ngoại trưởng Pompeo cho biết không có bất kỳ kế hoạch gặp mặt nào giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại New York tuần này, nhưng ngầm đề xuất một cuộc gặp riêng với lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei có thể là “cuộc trò chuyện thú vị và quan trọng”.

Trong một vụ việc nhầm lẫn khác hồi tháng 4, một tuần sau khi ông Bolton đảm nhiệm chức vụ, bà Haley thông báo đòn cấm vận mới với Nga nhưng chỉ vài giờ sau, Tổng thống Trump phủ quyết lệnh trừng phạt. Nhà Trắng không có động thái để xua tan lùm xùm xung quanh việc bà Haley nói sai. Một quan chức còn nói bà “bị nhầm lẫn tạm thời”. Tuy nhiên, nữ chính trị gia đáp trả bằng lời tuyên bố đầy thách thức: “Với tất cả mọi sự tôn trọng, tôi không hề nhầm lẫn”.

"Suy nghĩ cho rằng bà ấy làm việc tự do là một suy nghĩ ngớ ngẩn trên mọi cấp độ. Bà ấy hoạt động hàng ngày trong một cơ cấu tổ chức”, một quan chức nói.

Bỏ qua những khó khăn ban đầu, ông Marquis cho biết nhân viên Hội đồng An Ninh Quốc gia và văn phòng bà Haley đang “phối hợp chặt chẽ” để chuẩn bị cho phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Nauert cũng khẳng định ông Bolton, ông Pompeo và bà Haley cùng phối hợp “nhịp nhàng”.

Chính sách với Israel 

Bà Haley từng được cho là người lấp chỗ trống trước công chúng cho Ngoại trưởng Tillerson. Điều này làm dấy lên những lời đồn đoán rằng bà nhắm tới chức vụ cao hơn này. Tuy nhiên, đại sứ Mỹ mạnh mẽ phủ nhận, nói rằng bà không có ý định gì với công việc của ông Tillerson.

Không lâu sau, ông Tillerson thất bại trong một cuộc tranh luận nội bộ khi Tổng thống Trump tuyên bố chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem vào tháng 12/2017. Động thái này đã khiến Palestine nổi giận và mở ra hố ngăn cách ngoại giao tại Liên Hợp Quốc.

Sau khi 128 quốc gia bỏ phiếu áp đảo chỉ trích động thái của Mỹ, bà Haley cảnh báo: “Khi đóng góp hào phóng cho Liên Hợp Quốc, chúng tôi cũng có kỳ vọng chính đáng rằng thiện chí của chúng tôi được công nhận và tôn trọng”.

Cấp dưới của đại sứ cho biết bà đã dự đoán sẽ có một cuộc bỏ phiếu khó khăn ở Hội đồng Bảo an, nhưng “không lường trước” kết quả tại Đại hội đồng. Ngay cả các đồng minh quan trọng như Anh, Pháp, Đức và Nhật cũng phản đối động thái của Mỹ.

Dù vậy, bất chấp kết quả bỏ phiếu, theo Washington Post, việc bà Haley đứng về phía Israel sẽ giúp giành được sự ủng hộ từ tầng lớp giàu có, những người cũng ủng hộ Israel và sẽ giúp ích nếu bà muốn thăng chức.

“Bà Haley ghi điểm với những người bà ấy muốn ghi điểm, đặc biệt là Ủy ban quan hệ Mỹ Israel (AIPAC)”, một nguồn tin cho biết, đề cập đến cơ quan vận động hành lang ủng hộ Israel quyền lực nhất.

Mặc dù đại sứ Mỹ có thể rời chính quyền Trump bất cứ lúc nào khi đã có kinh nghiệm với nhiều vấn đề chính sách đối ngoại nặng cân, bà Haley dường như sẽ không rời đi sớm.

“Tôi nghe được những lời đồn về ai đang lên và ai đang xuống nhưng tên của Nikki vẫn chưa xuất hiện”, một quan chức cấp cao chia sẻ.

Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố sẽ 'trả thù tàn bạo' vụ xả súng

Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố sẽ trả đũa tàn bạo những người gây ra vụ tấn công nhằm vào lễ duyệt binh tại Iran, trong khi các quan chức nước này cáo buộc Mỹ đứng sau vụ việc.

Hội đồng Nhân quyền LHQ lên án chính sách của Tổng thống Trump

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc lên án chính sách chống nhập cư trái phép của Mỹ đã chia cắt trẻ em khỏi gia đình, xem biện pháp này "không khác gì tra tấn".

Ngọc Hà

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm