Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga phát triển hệ thống tên lửa mới đối phó Mỹ vào năm 2021

Nga cho biết sẽ chạy đua phát triển hai hệ thống tên lửa mặt đất vào trước năm 2021 để đối phó với việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung.

Theo Reuters, cuối tuần vừa qua Tổng thống Vladimir Putin đã đình chỉ Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký kết với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh, trong đó cấm hai quốc gia triển khai các tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu.

Moscow và Washington cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước và ông Putin cho biết Nga đã quyết định hành động sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước.

Washington nói rõ rằng họ có kế hoạch bắt đầu quá trình nghiên cứu, phát triển và thiết kế các hệ thống tên lửa mới và Moscow cũng sẽ làm điều tương tự, tổng thống Nga cho biết.

Nga phat trien ten lua moi anh 1
Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Tổng thống Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu trong một cuộc gặp tại điện Kremlin vào ngày 2/2. Ảnh: Reuters.

Quân đội Nga sẽ bắt đầu nghiên cứu phát triển các hệ thống phóng trên mặt đất cho loại tên lửa hành trình được phóng từ tàu đang trong biên chế là Kalibr, cùng với các tên lửa siêu thanh tầm xa có tốc độ di chuyển thấp nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu vào ngày 5/2 đã chỉ thị quân đội phát triển các hệ thống mới. Ông Shoigu cho biết ông muốn hệ thống được hoàn thiện vào năm sau để sẵn sàng tham chiến vào năm 2021.

"Từ ngày 2/2, Mỹ đã rút khỏi các nghĩa vụ của mình trong hiệp ước INF", ông Shoigu phát biểu trong một cuộc họp với các lãnh đạo quốc phòng.

"Cùng lúc đó, họ đang tích cực làm việc để tạo ra một tên lửa đất đối đất có tầm bắn hơn 500 km, nằm ngoài giới hạn của hiệp ước. Tổng thống Putin đã giao cho bộ quốc phòng nhiệm vụ thực hiện các biện pháp cân xứng", ông Shoigu cho biết thêm.

Moscow phủ nhận việc phớt lờ hiệp ước được ký năm 1987. Họ cho rằng Washington mới là bên vi phạm và cáo buộc Mỹ phát minh ra cái cớ để rút khỏi hiệp ước mà đằng nào Mỹ cũng muốn rời đi để phát triển tên lửa mới. Washington phủ nhận điều đó.

Đại sứ về giải trừ quân bị của Mỹ, ông Robert Wood, phát biểu tại hội nghị về giải trừ quân bị được tài trợ bởi Liên Hợp Quốc tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 5/2, cho biết Mỹ xem xét lại việc rút khỏi hiệp ước INF nếu Nga tuân thủ đầy đủ trở lại các yêu cầu và đưa ra lời giải thích có thể kiểm chứng.

"Đây là cơ hội cuối cùng để Nga trở lại làm điều đúng đắn", ông Wood nhấn mạnh.

Mỹ có thể mua phiên bản mới của chiến đấu cơ F-15 huyền thoại

Tiêm kích F-15X tuy không có khả năng tàng hình nhưng là chiến đấu cơ mang nhiều tên lửa nhất thế giới. Đây là lựa chọn hợp lý nếu ngân sách Không quân Mỹ cho phép.

Iran công bố tên lửa hành trình tầm xa mới, thách thức Mỹ và châu Âu

Kể từ khi chấp nhận thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran tiếp tục mở rộng chương trình tên lửa, bất chấp sự phản đối của Mỹ và các nước châu Âu.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm