Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ ngừng tuân thủ hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung với Nga từ ngày 2/2 và sẽ chính thức rút khỏi thỏa thuận kiểm soát vũ khí này trong 6 tháng nếu Moscow không chấm dứt hành vi vi phạm hiệp ước.
Ông Pompeo nói rằng chính quyền Mỹ sẽ thông báo chính thức cho Nga rằng Washington sẽ hủy bỏ thỏa thuận ra đời năm 1987 và nếu Moscow không tuân thủ, hiệp ước "sẽ chấm dứt".
Sự rút lui của Mỹ đã được dự đoán trong nhiều tháng nay, khi Washington liên tục cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước, điều mà Nga phủ nhận.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố vào ngày 1/2 rằng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước INF. Ảnh: Gizmodo. |
"Nga đã gây nguy hiểm cho lợi ích an ninh của Mỹ. Và chúng tôi không còn bị hạn chế bởi hiệp ước trong khi Nga đã vi phạm một cách đáng xấu hổ", ông Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo sáng 1/2.
"Nga tiếp tục phủ nhận rằng hệ thống tên lửa của họ đã bất tuân và vi phạm hiệp ước. Sự vi phạm của Nga đã đẩy hàng triệu người châu Âu và Mỹ vào rủi ro cao hơn. Nó nhằm khiến Mỹ chịu bất lợi về quân sự và giảm bớt cơ hội chuyển quan hệ song phương của hai nước sang hướng tốt hơn", ông Pompeo nói.
Hiệp ước INF được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký vào năm 1987. Các bên đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm gần và trung, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu.
Những vũ khí như vậy được coi là đặc biệt nguy hiểm vì chúng chỉ mất vài phút để tiếp cận mục tiêu, khiến các nhà lãnh đạo chính trị có rất ít thời gian để cân nhắc phản ứng và làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân trong trường hợp cảnh báo tấn công sai.
Không lâu sau tuyên bố từ Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên tiếng ủng hộ quyết định của Tổng thống Donald Trump.
"Mỹ hành động như vậy là để đối phó với những nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương gây ra bởi hoạt động thử nghiệm, sản xuất bí mật của Nga cũng như việc triển khai các hệ thống tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729 của nước này", NATO nói.